Đó là khẳng định chung của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng phụ trách Thương mại Ủy ban Kinh tế Á-Âu (EEC) Nikishina Veronika tại Khóa họp lần thứ 3 Ủy ban hỗn hợp thực thi Hiệp định (UBHH), chiều 12/12/2019.
Tại Khoá họp, hai Bộ trưởng đã bày tỏ lạc quan về các kết quả tích cực sau 3 năm thực thi VN-EAEU FTA. Hai Bên đều chung nhận định, Hiệp định VN-EAEU FTA đã đóng góp quan trọng cho sự tăng trưởng thương mại hai chiều mạnh mẽ giữa Việt Nam và các nước EAEU so với trước kia.
Trong giai đoạn 2011-2015 tốc độ tăng trưởng kim ngạch trung bình hàng năm chỉ đạt vào khoảng 5%. Kể từ khi Hiệp định có hiệu lực vào cuối năm 2016, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm đã đạt vào khoảng gần 30%.
Thông tin về thuận lợi và khó khăn trong quá trình thực thi Hiệp định và việc hai Bên tháo gỡ những vướng mắc gì để FTA mang lại lợi ích cao nhất, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Hiệp định VN-EAEU FTA có ý nghĩa chiến lược, tạo khuôn khổ pháp lý và điều kiện thuận lợi để phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và EAEU nói chung cũng như với từng nước thành viên nói riêng.
EAEU là một khu vực kinh tế có tốc độ phát triển tốt, một thị trường chung rộng lớn của 5 nước với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 1.900 tỷ USD và 183 triệu dân (năm 2018).
Mặc dù Liên minh EAEU mới được thành lập năm 2015 nhưng là một khối đầy tiềm năng phát triển. Trong tương lai, EAEU có nhiều triển vọng mở rộng, bổ sung thêm một số nước từ khối Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) và đây là một lợi thế cho các nước đã ký kết FTA với EAEU như Việt Nam, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Vào thời điểm ký VN-EAEU FTA, Việt Nam là đối tác FTA đầu tiên của Liên minh - hàng hóa Việt Nam có lợi thế đặc biệt để thâm nhập thị trường khối EAEU. Từ đó đến nay, EAEU đang tích cực hội nhập vào nền kinh tế thế giới, đàm phán các FTA với nhiều đối tác khác nhau.
Trong khu vực Đông Nam Á, sau Việt Nam, Singapore là quốc gia thứ hai vừa ký Hiệp định Thương mại Tự do với EAEU ngày 1/10/2019 vừa qua. Đồng thời, EAEU cũng đang thúc đẩy hợp tác thương mại với Trung Quốc, đàm phán FTA với Israel, Serbia, Ai Cập, Ấn Độ...
Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp Việt Nam cần phải chủ động, tích cực hơn trong việc tiếp cận thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, trước khả năng sẽ phải chia sẻ thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng EAEU với nhiều nước khác trong thời gian tới đây, Bộ trưởng nhận định, đồng thời nhấn mạnh, tuy có FTA nhưng để duy trì mức tăng trưởng thương mại ổn định ở mức cao, hai Bên cần rất nỗ lực tháo gỡ các rào cản phi thuế quan, cụ thể là hợp tác nhằm điện tử hóa các thủ tục hành chính và hải quan, tháo gỡ những vướng mắc trong vấn đề chứng nhận xuất xứ, đàm phán công nhận lẫn nhau trong lĩnh vực nông nghiệp...
Cũng vì lý do đó, tại Khóa họp lần thứ 3 của Ủy ban hỗn hợp thực thi Hiệp định lần này, Việt Nam đã tích cực đưa ra các lập luận và đề nghị hai Bên nghiên cứu để đàm phán hướng tới bỏ điều khoản về biện pháp phòng vệ ngưỡng, công nhận tương đương trong lĩnh vực nông nghiệp (đặc biệt là kiểm dịch động thực vật SPS), thay đổi một số điều khoản trong chương Quy tắc xuất xứ.
Về phần mình, EAEU đặc biệt quan tâm và trao đổi những vấn đề để giúp hàng hóa của EAEU tiếp cận thị trường Việt Nam như: xuất khẩu sản phẩm vang nổ, phương tiện vận tải, máy móc nông nghiệp vào Việt Nam cũng như tình hình sử dụng amiăng trắng tại Việt Nam.
Phía Việt Nam đã giải thích về các quy định phía Bạn quan tâm và cũng ghi nhận những khó khăn phía Bạn nêu để nghiên cứu biện pháp tháo gỡ trong tương lai.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh hy vọng, với tinh thần hợp tác, thân thiện, hiểu biết lẫn nhau, thể hiện tại Khóa họp lần này, đặc biệt là với sự hiểu rõ về các cơ hội, tiềm năng bổ trợ rất lớn giữa hai Bên trong bối cảnh hiện nay, trong thời gian tới những khó khăn vướng mắc sẽ sớm được tháo gỡ, giúp thúc đẩy mạnh mẽ hơn thương mại và đầu tư song phương giữa Việt Nam và các nước trong khối EAEU.
Thị trường EAEU vẫn đang có nhu cầu rất lớn về tất cả các sản phẩm mà doanh nghiệp Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu như hàng may mặc, giày dép, điện tử, các sản phẩm nông sản như gạo, hạt tiêu, rau quả, thuỷ sản.
Về phía EAEU, những sản phẩm có thế mạnh xuất khẩu sang Việt Nam là các mặt hàng xăng dầu, máy móc, hoá chất, sắt thép, hàng tiêu dùng. Cơ cấu sản phẩm giữa Việt Nam và EAEU bổ sung cho nhau chứ không cạnh tranh trực tiếp.
Với những điều kiện như vậy, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, xu hướng tăng trưởng thương mại tốt sẽ còn tiếp tục được duy trì trong những năm tiếp theo với điều kiện hai Bên cần tập trung vào việc tháo gỡ cho các doanh nghiệp những khó khăn gặp phải trong quá trình triển khai các chính sách về quản lý, điều hành (như các quy định về kiểm dịch, tiêu chuẩn kiểm chuẩn, thủ tục hành chính…).
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, qua kinh nghiệm 3 năm thực thi Hiệp định, hai Bên có thể xem xét việc sớm đàm phán trao đổi về những mặt hàng mình quan tâm trên cơ sở cân bằng lợi ích, tạo điều kiện để FTA mang lại hiệu quả cao như mong muốn.
Hiện nay, quan tâm chính của Việt Nam với thị trường EAEU là thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường này các mặt hàng nông sản, đặc biệt ta đề nghị phía bạn tăng đáng kể hạn ngạch về gạo, cũng như số lượng các doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu thuỷ sản sang EAEU.
Cùng với đó, phía EAEU đề nghị Việt Nam cải thiện mở cửa thị trường đối với rượu vang nổ, thịt gia cầm và thịt bò. Ngoài ra, hai Bên cũng có thể trao đổi việc cùng nhau tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác trong lĩnh vực ô tô, máy móc nông nghiệp, dược phẩm…
Tại Khóa họp, hai Bộ trưởng đã bày tỏ sự tin tưởng rằng với nỗ lực của hai bên, các vấn đề vướng mắc sẽ sớm tìm được giải pháp, qua đó góp phần tăng trưởng kim ngạch song phương, củng cố niềm tin của doanh nghiệp vào VN-EAEU FTA trong thời gian tới.