Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, năm 2022 sắp qua đi trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; xu hướng bảo hộ mậu dịch, xung đột lợi ích và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; nhất là xung đột Nga - Ukraina kéo dài cùng với các biện pháp trừng phạt về kinh tế đối với Nga - một nước xuất khẩu nhiên liệu, lương thực và một số vật tư chiến lược lớn của thế giới, đã và đang gây ra những hệ luỵ nghiêm trọng đến kinh tế, thương mại, tài chính thế giới, cũng như gây thiếu hụt, đứt gãy các chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; giá cả dầu thô và các nguyên vật liệu đầu vào sản xuất biến động bất thường; lạm phát tăng cao và chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất ở nhiều nước dẫn tới tổng cầu thế giới giảm sút, tác động bất lợi đến nền kinh tế có độ mở lớn như nước ta.
Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo linh hoạt, kịp thời, quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; ngành Công Thương đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh; chỉ đạo bảo đảm cung ứng vật tư, nguyên liệu, hàng hóa thiết yếu; đẩy mạnh các hoạt động kinh tế đối ngoại, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu hàng hóa; khai thác có hiệu quả các hình thức thương mại, các loại thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, chuỗi cung ứng, thúc đẩy xuất khẩu, đóng góp quan trọng, tích cực vào phát triển kinh tế của đất nước.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng còn một số tồn tại, hạn chế và vấn đề đặt ra cho Ngành cần được tập trung xem xét, giải quyết với tinh thần thẳng thắn, cầu thị và đổi mới, sáng tạo nhằm sự chuyển biến thực chất, mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện thắng lợi các Kế hoạch 5 năm 2021-2025 và Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tạo nền tảng cho thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 trong bối cảnh được dự báo có nhiều thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen.
Để đánh giá khách quan, toàn diện những kết quả đạt được trong năm qua và xác định các nhiệm vụ, giải pháp trong năm tới, Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 ngành Công Thương sẽ tập trung thảo luận, đánh giá tình hình và kết quả phát triển ngành Công Thương trong năm 2022; bàn và thống nhất các giải pháp trọng tâm năm 2023 để tập trung thực hiện hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ được Chính phủ giao, góp phần thực hiện thắng lợi, toàn diện Kế hoạch năm 2023 đã đề ra.
Từ các hoạt động thực tiễn ở mỗi ngành, lĩnh vực, địa phương, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận, làm sâu sắc hơn những kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân (nhất là các nguyên nhân chủ quan); chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong triển khai thực hiện nhiệm vụ; đồng thời, phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế trong năm tới, khuyến nghị các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện, giúp ngành Công Thương hoàn thành và hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Tạp chí Công Thương sẽ tiếp tục cập nhật về Hội nghị...