Bộ Công Thương tổ chức hội thảo góp ý Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi)

Sáng 3/5/2024, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) khu vực các tỉnh phía Bắc. Hội thảo sẽ diễn ra liên tục trong 2 ngày 3-4/5 để thảo luận về những nội dung cơ bản của Dự thảo này.
Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) khu vực các tỉnh phía Bắc
Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) khu vực các tỉnh phía Bắc - Ảnh: Báo Công Thương

Hội thảo có sự tham dự của đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Văn phòng Chính phủ; các Bộ: Tư pháp, Công an, Quốc phòng, Nội vụ, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngoại giao; Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Sở Công Thương các tỉnh, thành phố phía Bắc.

Cùng tham dự Hội thảo có đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội Điện lực Việt Nam, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam; và đại diện các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam (EVN), Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Công nghiệp Than - Khoảng sản Việt Nam (TKV); đại diện khách hàng sử dụng điện có quy mô lớn và các cơ quan thông tấn, báo chí.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trần Việt Hoà - Cục trưởng Cục Điều tiết Điên lực, Bộ Công Thương cho biết, Luật Điện lực (sửa đổi) đã được Chính phủ đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật năm 2024. Theo đó Luật sẽ được đưa ra thảo luận, đóng góp ý kiến lần 1 vào kỳ họp tháng 10 năm nay và dự kiến sẽ thông qua vào tháng 5/2025.

Do vậy, Hội thảo là cơ hội để Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) tiếp tục lắng nghe ý kiến góp ý trực tiếp của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, đặc biệt là các đối tượng chịu tác động trực tiếp của Luật, qua đó tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu và xem xét bổ sung, hoàn thiện dự thảo Luật trước khi báo cáo các cấp có thẩm quyền.

Trong 2 ngày diễn ra Hội thảo, các đại biểu sẽ thảo luận, đóng góp ý kiến về 7 chuyên đề nội dung của Dự thảo Luật, bao gồm: Quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực; Phát triển điện năng lượng tái tạo và điện năng lượng mới; Thị trường điện và một số nội dung liên quan đến hoạt động mua bán trên thị trường điện; Giá điện và hợp đồng mua bán điện; Vận hành hệ thống điện, quản lý nhu cầu điện; Giấy phép hoạt động điện lực; An toàn điện, an toàn đập, hồ chứa thủy điện.

Ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương phát biểu khai mạc Hội thảo
Ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương phát biểu khai mạc Hội thảo - Ảnh: Báo Công Thương

Luật Điện lực năm 2004 (được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi các luật khác có liên quan vào các năm 2012, năm 2018, năm 2022 và năm 2023 (nội dung sửa đổi năm 2023 về giá điện có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024) đã xây dựng được khuôn khổ pháp lý cho hoạt động điện lực và sử dụng điện, bảo vệ được lợi ích hợp pháp của khách hàng sử dụng điện và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện lực, đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao và góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, sau gần 20 năm triển khai thi hành và qua 4 lần sửa đổi, bổ sung một số điều, đến giai đoạn hiện nay cần thiết phải nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực để kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong thực tiễn hoạt động điện lực và sử dụng điện.

Triển khai nhiệm vụ được Chính phủ giao, trên cơ sở kết quả tổng kết thi hành Luật Điện lực, Bộ Công Thương đã thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) và khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Luật. 

Đến nay, Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đã hoàn thiện và được đăng trên các Cổng thông tin điện tử theo quy định và tiến hành lấy ý kiến bằng văn bản đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Dự thảo Luật bám sát vào 6 chính sách đã được Chính phủ trình Quốc hội và không bổ sung chính sách mới, bao gồm:

- Quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước;

- Phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới;

- Hoàn thiện các quy định về điều kiện hoạt động điện lực và việc cấp, thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực;

- Quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường;

- Quản lý, vận hành hệ thống điện, chú trọng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, tăng cường thực hiện giải pháp quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện;

- An toàn sử dụng điện sau công tơ và bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện trong giai đoạn xây dựng và vận hành công trình thủy điện.

Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) bao gồm 9 chương với 94 điều. Các Chương của luật được sắp xếp, bố cục cụ thể như sau:

a) Chương I. Quy định chung bao gồm 08 điều (từ Điều 1 đến Điều 8)

b) Chương II. Quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực bao gồm 04 mục với 14 điều:

- Mục 1. Quy hoạch phát triển điện lực gồm 04 điều (Từ Điều 9 đến Điều 12);

- Mục 02. Đầu tư dự án điện lực gồm 03 điều (Từ Điều 13 đến Điều 15);

- Mục 03. Lựa chọn nhà đầu tư dự án nguồn điện gồm 03 điều (Từ Điều 16 đến Điều 18);

- Mục 04. Xử lý các dự án nguồn điện chậm tiến độ gồm 04 điều (Từ Điều 19 đến Điều 22).

c) Chương III. Phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới bao gồm 05 điều (từ Điều 23 đến Điều 27).

d) Chương IV. Giấy phép hoạt động điện lực bao gồm 08 điều (từ Điều 28 đến Điều 35)

đ) Chương V. Hoạt động mua bán điện bao gồm 3 mục:

- Mục 1. Thị trường điện cạnh tranh gồm 07 điều (từ Điều 36 đến Điều 42);

- Mục 2. Mua bán điện và dịch vụ cung cấp điện gồm 14 điều (từ Điều 43 đến Điều 56);

- Mục 3. Giá điện gồm 04 điều (từ Điều 57 đến Điều 60).

e) Chương VI. Vận hành, điều độ hệ thống điện quốc gia bao gồm 12 điều (từ Điều 61 đến Điều 72)

g) Chương VII. Bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện bao gồm 2 mục:

- Mục 1. Bảo vệ công trình điện lực bao gồm 07 điều (từ điều 73 đến 79).

- Mục 2. An toàn điện và an toàn đập, hồ chứa thủy điện gồm 10 điều (từ Điều 80 đến Điều 89).

h) Chương VIII. Trách nhiệm quản lý nhà nước về điện lực gồm 02 điều (Điều 90 và Điều 91).

i) Chương IX. Điều khoản thi hành gồm 03 điều (Điều 92, 93 và Điều 94).

Xem Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) tại đây.

Thy Thảo