Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm việc với tỉnh Thái Nguyên

Sáng 15/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại và việc triển khai thực hiện các Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Cùng tham dự buổi làm việc, về phía Bộ Công Thương có đại diện các đơn vị thuộc Bộ: Văn phòng Bộ; Tổng cục Quản lý thị trường; Vụ Kế hoạch - Tài chính; Vụ Thị trường trong nước; Cục Xúc tiến thương mại; Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp; Cục Xuất nhập khẩu; Cục Phòng vệ thương mại; Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo; Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số; Cục Công Thương địa phương; Cục Công nghiệp;…

Về phía tỉnh Thái Nguyên có ông Trịnh Việt Hùng - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Lê Quang Tiến - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng đại diện các Sở, ban ngành địa phương.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm việc với tỉnh Thái Nguyên
Khung cảnh buổi làm việc

Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có tín hiệu khởi sắc

Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Bá Chính cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế - chính trị toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong 7 tháng đầu năm 2024 đã có những tín hiệu khởi sắc; một số doanh nghiệp đã xác lập được những đơn hàng mới, đơn hàng giá trị lớn góp phần duy trì đà chuyển biến tích cực từ những tháng cuối năm 2023.

Cùng với đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng với sự đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng và nỗ lực phấn đấu của các cấp, ngành, sự đồng thuận của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp nên việc triển khai các Nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND và Kế hoạch của UBND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 đạt được một số kết quả nhất định, cho thấy kinh tế tỉnh Thái Nguyên đang dần phục hồi, tháng sau tốt hơn tháng trước; các ngành, các lĩnh vực đều đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo đà cho tăng trưởng những tháng cuối năm 2024.

Về tình hình sản xuất công nghiệp và sản phẩm chủ yếu của tỉnh, tính chung 7 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tăng 7,15% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 1%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,27%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 0,29%; ngành cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 21,28%.

Về tình hình kinh doanh thương mại, dịch vụ, 7 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh ước đạt 45.145,7 tỷ đồng, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước, bằng 59,8% kế hoạch năm. Trong đó, khu vực kinh tế Nhà nước ước đạt 1,6 nghìn tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ; khu vực kinh tế ngoài Nhà nước ước đạt 43,4 nghìn tỷ đồng, tăng 16,5%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 139,2 tỷ đồng, tăng 62,4%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tính chung 7 tháng đầu năm 2024 CPI tăng 3,62% so với bình quân cùng kỳ năm 2023.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm việc với tỉnh Thái Nguyên
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng ông Trịnh Việt Hùng - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đồng chủ trì tại buổi làm việc

Về tình hình xuất khẩu của tỉnh, tính chung 7 tháng đầu năm nay, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 17,6 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ và đạt 60,1% kế hoạch năm 2024. Trong đó, xuất khẩu địa phương ước đạt 403,4 triệu USD, giảm 0,2% so với cùng kỳ và đạt 50,4% kế hoạch; xuất khẩu của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 17,2 tỷ USD (chiếm 97,7% tổng giá trị xuất khẩu) và tăng 13,2% so với cùng kỳ.

Một số mặt hàng chủ yếu có giá trị xuất khẩu lũy kế 7 tháng đầu năm ước đạt cao hơn so với cùng kỳ gồm: nhóm điện thoại, máy tính bảng và điện tử; giấy và các sản phẩm từ giấy; phụ tùng vận tải; sản phẩm may…

Ở chiều ngược lại, nhóm hàng hóa xuất khẩu có giá trị ước giảm so với cùng kỳ là: sản phẩm từ sắt thép; kim loại màu và tinh quặng kim loại màu; tấm tế bào quang điện, tấm mô đun năng lượng mặt trời; chè các loại…

Về tình hình nhập khẩu, tính chung 7 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh ước đạt 10 tỷ USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước ước đạt 308,1 triệu USD, tăng 14,8%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 9,7 tỷ USD (chiếm 96,8% tổng kim ngạch nhập khẩu toàn tỉnh), tăng 11,2%.

Một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu trong 7 tháng năm 2024 có giá trị ước tăng so với cùng kỳ là nguyên liệu và linh kiện điện tử; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; giấy các loại; vải các loại; nguyên, phụ liệu dệt may; nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc…

Ở chiều ngược lại, nhóm mặt hàng chủ yếu nhập khẩu có giá trị giảm so với cùng kỳ là nguyên liệu chế tạo pin năng lượng mặt trời chất dẻo (plastic) nguyên liệu; sản phẩm từ sắt thép…

Triển khai đồng bộ các Chương trình công tác ngành Công Thương tỉnh Thái Nguyên

Ông Nguyễn Bá Chính cũng cho biết thêm, từ đầu năm đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai các hoạt động phục vụ tết Nguyên đán Giáp Thìn và báo cáo tình hình tết Nguyên đán Giáp Thìn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên theo quy định; tổ chức Đoàn công tác của tỉnh thăm, động viên một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024; tổng hợp rà soát Quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2030; triển khai tổng hợp nội dung để làm cơ sở đề xuất điều chỉnh Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030; xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp tỉnh Thái Nguyên đến năm 2030; triển khai Nghị định số 32/2024/NĐ-CP ngày 15/3/2024 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp, Nghị định số 60/2024/NĐ-CP ngày 05/6/2024 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ...

Tỉnh cũng tổ chức Hội nghị đối thoại, tiếp nhận, giải đáp những khó khăn, vướng mắc và giới thiệu, phổ biến những chính sách, quy định mới của pháp luật trong lĩnh vực ngành Công Thương.

Đồng thời, nghiên cứu, tham gia ý kiến vào các dự thảo Nghị định, thông tư hướng dẫn, chương trình, quy hoạch, đề án... liên quan đến lĩnh vực ngành; thẩm định các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp, thương mại trên địa bàn tỉnh.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm việc với tỉnh Thái Nguyên
Ông Nguyễn Bá Chính - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên báo cáo về tình hình phát triển sản xuất công nghiệp, thương mại 7  tháng đầu năm và các nhiệm vụ, giải pháp những tháng cuối năm 2024

Liên quan đến các hoạt động xúc tiến thương mại, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức thành công “Hội chợ triển lãm Công Thương - OCOP Thái Nguyên 2024”; Chương trình “Xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm na và nông sản tỉnh Thái Nguyên 2024”; phối hợp cùng Công đoàn ngành Công Thương tổ chức Chương trình “Tết sum vầy - Xuân chia sẻ”; tham gia Khu gian hàng Đầu tư phát triển Công nghiệp Việt Nam tại Hội chợ VIETNAM EXPO 2024; làm việc với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch thành phố Hà Nội về việc phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại năm 2024 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; xây dựng Kế hoạch tham gia gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu biểu tỉnh Thái Nguyên trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc năm 2024; kết nối giúp các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đăng ký tham gia Hội chợ tại Thủ đô Hà Nội. Thông qua các Chương trình, đã giới thiệu được gần 300 doanh nghiệp, Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh tham gia quảng bá thương hiệu sản phẩm, kết nối, mở rộng thị trường.

Về hoạt động khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp, tỉnh đã hoàn thiện quyết toán 26 đề án khuyến công địa phương và quốc gia năm 2023; phê duyệt 22 đề án khuyến công địa phương năm 2024; tham gia Hội nghị Khuyến công, Hội nghị ngành công thương, hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, năm 2024 tại thành phố Hà Nội.

Về công tác thanh tra, kiểm tra, tỉnh đã thực hiện 03 cuộc thanh tra đối với hoạt động kinh doanh siêu thị, thương mại điện tử; hoạt động điện lực đối với Hợp tác xã Dịch vụ điện; hoạt động sản xuất công nghiệp. Thực hiện 09 cuộc kiểm tra (trong đó có 04 cuộc đột xuất: 03 cuộc kiểm tra đột xuất: Kiểm tra điều kiện sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; hoạt động kinh doanh khoáng sản; hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản; hoạt động sản xuất công nghiệp; hoạt kinh doanh doanh xăng dầu; kinh doanh đa cấp; hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu; hậu kiểm về an toàn thực phẩm ngành Công Thương. Tổng số quyết định xử phạt vi phạm hành chính được ban hành: 06 quyết định; số tiền xử phạt: 270.000.000 đồng. Thực hiện công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo theo quy định.

Về công tác cải cách hành chính, từ đầu năm nay, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã ban hành 07 Quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính, 05 quyết định phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính; tổng số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành công thương là 130 thủ tục, trong đó có 106 thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến đạt tỷ lệ 81,5% (có 92 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 14 dịch vụ công trực tuyến một phần); thông qua 12 phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành công thương. Trong 7 tháng đầu năm 2024, ngành công thương đã tiếp nhận 23.762 hồ sơ (tiếp nhận trực tuyến 23.719 hồ sơ đạt tỷ lệ 99,8%). Năm 2023, chỉ số cải cách hành chính của ngành công thương xếp hạng thứ nhất trong các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tặng hoa chúc mừng tân Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tặng hoa chúc mừng tân Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng

Về công tác quản lý Cụm công nghiệp, Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã quy hoạch 41 cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.067ha. Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, tỉnh Thái Nguyên đã phê duyệt thêm 06 dự án cụm công nghiệp với tổng mức đầu tư 4.185,79 tỷ đổng, tổng diện tích 358,96 ha. Tính đến nay, tỉnh Thái Nguyên có 27/41 cụm công nghiệp đã có chủ đầu tư hạ tầng, với tổng vốn đăng ký đầu tư hạ tầng là 10.368,34 tỷ đồng; trong đó có 11 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút 63 dự án đầu tư với tổng số vốn 9.492,7 tỷ đồng.

Tỉnh Thái Nguyên cũng duy trì và phát triển trang website, Bản tin Kinh tế Công Thương. Trong 7 tháng đầu năm, đã xuất bản được 452 tin bài và 7 số Bản tin.

Chủ động các giải pháp phát triển công nghiệp, thương mại thời gian tới

Trong các tháng tiếp theo của năm 2024, tỉnh Thái Nguyên sẽ tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình công tác ngành Công Thương Thái Nguyên năm 2024; chủ động nắm chắc tình hình thực tiễn, các vấn đề mới phát sinh, tăng cường phân tích, kịp thời chỉ đạo thực hiện giải pháp phù hợp trong phát triển công nghiệp, thương mại, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 đã đề ra; thường xuyên nắm bắt, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.

Tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, cập nhật, đề xuất điều chỉnh Quy hoạch tỉnh đối với ngành Công Thương đảm bảo phù hợp với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng được phê duyệt và phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh.

Đồng thời, thường xuyên chỉ đạo rà soát, xây dựng, ban hành mới các chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư: Xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp; phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu; huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại, điện nông thôn miền núi.

Tiếp tục cải cách hành chính, đảm bảo công khai và giải quyết nhanh các thủ tục liên quan đến cấp phép cho các nhà đầu tư…; tạo môi trường đầu tư thông thoáng, bình đẳng, thống nhất vì sự phát triển chung.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại buổi làm việc

Cùng với đó, thường xuyên tiếp nhận thông tin, đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án, nhất là các dự án công trình trọng điểm ngành công thương; triển khai rà soát tình hình sản xuất của nhóm ngành: may mặc, sản xuất kim loại, cơ khí, các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ... tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; tiếp tục phối hợp triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; Chương trình phát triển thương mại giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại góp phần khuyến khích, hỗ trợ đầu tư và phát triển sản xuất.

Rà soát, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí thuộc lĩnh vực ngành công thương trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về thị trường, giá cả, chất lượng hàng hoá và vệ sinh an toàn thực phẩm… kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của pháp luật; nâng cao vai trò hoạt động của Hội bảo vệ quyền lợi tiêu dùng, nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng theo quy.

Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ tổ chức thanh, kiểm tra; tiếp nhận, giải quyết và trả lời các đơn thư khiếu nại về lĩnh vực Công Thương theo quy định.

Huyền My