Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giai đoạn tiền hợp đồng bảo hiểm nhân thọ

Đề tài Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giai đoạn tiền hợp đồng bảo hiểm nhân thọ do Võ Thị Kiều Trang[1] - Nguyễn Thanh Đình2 ( ([1]*Chuyên viên, Viện Kiểm sát nhân dân quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ - 2** Tiến sĩ, Công chứng viên) thực hiện.

 

TÓM TẮT:

Bảo vệ quyền lợi người tham gia bảo hiểm nhân thọ đang là vấn đề pháp lý rất được quan tâm. Bởi lẽ, ngay từ khi tham gia vào hợp đồng, người mua bảo hiểm thường được tư vấn, dẫn dắt bởi các doanh nghiệp bán bảo hiểm hoặc đại lý. Theo lý thuyết thông tin bất đối xứng được phát triển bởi Akerlof (1970), người tiêu dùng luôn ở thế bị động, thiếu thông tin và sự am hiểu pháp luật cũng không thể cân bằng so với doanh nghiệp bảo hiểm. Đáng chú ý, trong tiến trình giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, quy định pháp luật về giai đoạn tiền hợp đồng chưa được đầy đủ, rõ ràng. Do đó, trong phạm vi bài viết, các tác giả phân tích những vấn đề hạn chế của pháp luật và đưa ra giải pháp tập trung ở giai đoạn tiền hợp đồng, như: các quyền được thông tin, quyền được lựa chọn, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả pháp luật để bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng khi tham gia giao kết hợp đồng bảo hiểm.

Từ khóa: người tiêu dùng, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, quyền lợi người tiêu dùng trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, giai đoạn tiền hợp đồng.

1. Khái quát về quyền lợi người tiêu dùng trong giai đoạn tiền hợp đồng bảo hiểm nhân thọ

1.1. Giai đoạn tiền hợp đồng bảo hiểm nhân thọ

Theo pháp luật về hợp đồng trong hoạt động bảo hiểm[1], quá trình hình thành hợp đồng có thể chia thành các giai đoạn: đề nghị giao kết, đàm phán các quyền và nghĩa vụ để tiến tới chấp nhận lời đề nghị giao kết hợp đồng là cơ sở để hợp đồng phát sinh hiệu lực[2]. Theo nghiên cứu của Lê Trường Sơn, giai đoạn tiền hợp đồng là giai đoạn bắt đầu từ việc bên thể hiện ý định muốn xác lập một hợp đồng đến khi hợp đồng được giao kết[3]. Như vậy, tiền hợp đồng bảo hiểm nhân thọ bắt đầu từ khi người tiêu dùng bảo hiểm nhân thọ nhận được lời mời tham gia hợp đồng từ phía bên cung cấp dịch vụ bảo hiểm, được nhân viên tư vấn các nội dung, điều khoản, bảng minh họa sản phẩm bảo hiểm, các bên tiến hành đàm phán hợp đồng… và kết thúc khi hợp đồng được ký kết.

Giai đoạn tiền hợp đồng bảo hiểm nhân thọ bắt đầu khi một bên đưa ra lời đề nghị giao kết hợp đồng, từ đó các bên sẽ tiến hành đàm phán, thỏa thuận các nội dung liên quan của hợp đồng. Tại giai đoạn này, các bên vừa có các quyền, vừa có các nghĩa vụ ngang nhau, như: nghĩa vụ cung cấp thông tin, bảo mật thông tin, đàm phán, thỏa thuận các nội dung liên quan đến hợp đồng. Ở giai đoạn này, trừ các nội dung doanh nghiệp bảo hiểm phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền, các bên còn có quyền đàm phán với nhau về các vấn đề liên quan đến nội dung của hợp đồng. Khi đã đạt được sự thống nhất hợp đồng, bên mua thanh toán phí bảo hiểm, bên bảo hiểm cấp bảo hiểm tạm thời cho bên mua, bên mua bảo hiểm nhận hợp đồng và có thời gian cân nhắc (thời gian xem xét lại) trước khi đi đến quyết định có tiếp tục tham gia bảo hiểm hay không[4].

1.2. Đặc điểm giai đoạn tiền hợp đồng bảo hiểm nhân thọ

Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là loại hợp đồng dài hạn, phức tạp và có tính may rủi. Sự tồn tại và hiệu lực một phần hay toàn bộ hợp đồng phụ thuộc vào một sự kiện ngẫu nhiên[5]. Tiền hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là xuất phát điểm tạo nên mối liên kết giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp bảo hiểm bằng việc đề nghị, thỏa thuận, thương lượng, đàm phán… các nội dung liên quan hợp đồng bảo hiểm. Chính vì vậy, đây cũng là giai đoạn đặc biệt quan trọng, có sức ảnh hưởng quyết định về việc hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có được giao kết và thực hiện đúng hay không. Do đó, ngay tại giai đoạn này, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có những đặc điểm nổi bật. Cụ thể:

Thứ nhất, các bên chưa đi đến sự ưng thuận, thống nhất ý chí với nhau và hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cũng chưa được hình thành một cách hoàn chỉnh, bởi nó chỉ mới đáp ứng được yêu cầu của bên cung cấp dịch vụ bảo hiểm và chờ nhận sự đồng thuận từ phía người tiêu dùng. Tuy nhiên, quyền và nghĩa vụ của các bên trong giai đoạn này đã bắt đầu phát sinh, mà theo đó nếu bên mua bảo hiểm có đơn yêu cầu bảo hiểm và chấp nhận đóng phí bảo hiểm tạm tính thì doanh nghiệp bảo hiểm phải có trách nhiệm cấp bảo hiểm tạm thời[6] cho người tiêu dùng.

Thứ hai, theo nguyên tắc giao kết hợp đồng ngay tại giai đoạn này người tiêu dùng và doanh nghiệp bảo hiểm đều bị hạn chế khi hưởng quyền tự do giao kết hợp đồng[7]. Đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ như đã phân tích có thời điểm thực hiện theo quy định về hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung nên doanh nghiệp bảo hiểm phải đăng ký mẫu hợp đồng tại cơ quan có thẩm quyền và phải công bố công khai hợp đồng đã đăng ký. Do đó, mặc dù doanh nghiệp bảo hiểm được tự do phát triển sản phẩm nhưng vẫn phải đăng ký tại Bộ Tài chính các nội dung về phương pháp và cơ sở tính phí[8]. Do đó, xét về bản chất, doanh nghiệp bảo hiểm cũng không có quyền tự do giao kết một cách trọn vẹn.

Về phía người tiêu dùng cũng không được quyền đàm phán, thỏa thuận, chỉ có quyền ưng thuận hay không ưng thuận đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, quyền đàm phán từng điều khoản có trong hợp đồng đối với người tiêu dùng gần như không thể thực hiện được bởi do trình độ hiểu biết pháp luật của người tiêu dùng không thể so sánh với doanh nghiệp bảo hiểm. Vì vậy, việc pháp luật quy định về những nội dung doanh nghiệp bảo hiểm phải đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền cũng là một biện pháp để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bên yếu thế khi tham gia vào mối quan hệ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.

1.3. Quyền lợi người tiêu dùng trong giai đoạn tiền hợp đồng bảo hiểm nhân thọ

Theo Từ điển Luật học, “quyền lợi” được hiểu là “quyền được hưởng những lợi ích về chính trị, xã hội, vật chất, tinh thần (...) quyền lợi thường đi liền với nghĩa vụ, trách nhiệm”[9]. Quyền lợi người tiêu dùng là “khả năng của người tiêu dùng được nhà nước cho phép và ghi nhận trong pháp luật, cũng như những lợi ích vật chất và tinh thần mà người tiêu dùng được hưởng từ việc được Nhà nước bảo hộ những khả năng trên”[10]. Theo đó, quyền lợi người tiêu dùng là một trong số những quyền về con người được quy định tại Hiến pháp nói chung và các văn bản quy phạm pháp luật nói riêng, cụ thể là các quyền mà người tiêu dùng được hưởng tại Điều 4 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023. Như vậy, quyền lợi người tiêu dùng trong bảo hiểm nhân thọ được hiểu là tập hợp những quyền mà người tiêu dùng được thực hiện khi tham gia bảo hiểm nhân thọ, hưởng lợi ích từ những quyền này và được pháp luật bảo vệ. Hiện nay, quyền lợi người tiêu dùng được xây dựng dựa trên những quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 và Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022. Đó là các quyền cơ bản, như: quyền được đảm bảo an toàn, quyền được cung cấp thông tin, quyền được lựa chọn, quyền được lắng nghe ý kiến, quyền được bồi thường, quyền được giải quyết các tranh chấp[11]... Trong đó, tại giai đoạn tiền hợp đồng, người tiêu dùng có một số quyền cơ bản, cụ thể là các quyền về đảm bảo an toàn thông tin, quyền được cung cấp thông tin, quyền được lựa chọn, quyền được bồi thường. Thực tiễn cho thấy ngay tại giai đoạn này quyền lợi mà người tiêu dùng bị ảnh hưởng nhiều nhất đó là 2 quyền: quyền được cung cấp thông tin và quyền được lựa chọn giao kết hợp đồng bảo hiểm. Đồng thời, những bất cập đối với 2 quyền này cũng xuất phát từ quy định pháp luật và việc áp dụng trên thực tế nên rất cần những giải pháp hiệu quả để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng trong giai đoạn này nói riêng và toàn bộ tiến trình tham gia bảo hiểm nhân thọ nói chung.

Thứ nhất, quyền được cung cấp thông tin[12]: Người tiêu dùng có quyền được biết và được cung cấp đầy đủ các thông tin, tài liệu liên quan đến sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mà họ muốn tham gia ký kết. Điển hình như doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm phải cung cấp thông tin, giải thích rõ về hợp đồng bảo hiểm như về nội dung, hình thức, thời hạn có hiệu lực của hợp đồng, các điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng bảo hiểm,... Mục tiêu của việc cung cấp thông tin là doanh nghiệp phải đảm bảo người tiêu dùng nắm được các nội dung liên quan đến quyền lợi của mình và những bất lợi cần tránh khi tham gia bảo hiểm nhân thọ một cách kịp thời, chính xác, đầy đủ về cả sản phẩm bảo hiểm nhân thọ lẫn việc thành lập, tổ chức kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm[13].

Thứ hai, quyền được lựa chọn giao kết hợp đồng bảo hiểm[14]: Người tiêu dùng trong trường hợp này được hiểu là người mua, sử dụng sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm nhân thọ, do vậy họ hoàn toàn có quyền lựa chọn sản phẩm bảo hiểm, hình thức tham gia phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của mình. Đồng thời, việc tham gia bảo hiểm nhân thọ là dựa trên tinh thần tự nguyện, thiện chí của người tiêu dùng nên người tiêu dùng có thể tự mình đưa ra quyết định tham gia hoặc không tham gia hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Ngoài ra, quyền được lựa chọn của người tiêu dùng còn được thể hiện thông qua các thỏa thuận liên quan đến các điều khoản có trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ với doanh nghiệp bảo hiểm.

Nhìn chung, vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giai đoạn tiền hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được điều chỉnh và xây dựng dựa trên các quy định chung của Bộ luật Dân sự năm 2015, các nguyên tắc pháp luật riêng, cụ thể là Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023. Những quy định này đã tạo nền tảng cơ bản để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng khi tham gia hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và cũng gián tiếp bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp bảo hiểm sau này. Tuy nhiên, việc áp dụng các quy định pháp luật, cũng như việc thực hiện giao kết các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trên thực tế vẫn còn một số bất cập, làm hạn chế quyền lợi của người tiêu dùng. Vì vậy, việc tìm hiểu, nghiên cứu về những vấn đề thực trạng có ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng nhằm đề xuất những giải pháp tối ưu cho việc bảo vệ quyền lợi của họ là vấn đề cấp bách hiện nay.

2. Bất cập và giải pháp về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giai đoạn tiền hợp đồng bảo hiểm nhân thọ

2.1. Bất cập và giải pháp về quyền được thông tin

Thực tiễn cho thấy quyền lợi của người tiêu dùng tại giai đoạn tiền hợp đồng bảo hiểm nhân thọ chưa được bảo vệ đầy đủ, bởi khi được tư vấn về hợp đồng bảo hiểm thì không phải tư vấn viên nào cũng hiểu hết những quy định, cũng như các điều khoản của hợp đồng, hoặc vì lý do lợi nhuận, thu nhập mà họ không mong muốn người mua nắm được toàn bộ thông tin trên hợp đồng. Vì vậy, trong thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp tư vấn viên tư vấn không đủ, không đúng các nội dung, điều khoản hợp đồng mà các bên phải ký kết, dẫn đến phát sinh những mâu thuẫn, tranh chấp.

Từ những vụ khởi kiện liên quan đến hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đã minh chứng cho việc người tiêu dùng bị ảnh hưởng nhiều bởi quyền được thông tin. Cụ thể, tại Bản án số 13/2023/DS-PT ngày 09/01/2023 của Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội về việc giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo hiểm giữa nguyên đơn bà Hoàng Thị C và bị đơn Công ty TNHH MNL VN. Với nội dung chủ yếu nguyên nhân phát sinh tranh chấp là do người tư vấn cho người tiêu dùng (bà Hoàng Thị C) ký vào Đơn yêu cầu bảo hiểm không có nội dung và tư vấn viên cũng không cung cấp các điều khoản cụ thể của 4 hợp đồng bảo hiểm. Mặc dù còn có nhiều quan điểm trái ngược nhau của Tòa án và Viện Kiểm sát, nhưng kết quả cuối cùng của cấp phúc thẩm đã không thống nhất quan điểm của cấp sơ thẩm, kể cả Viện Kiểm sát và đã không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn bà Hoàng Thị C vì không có chứng cứ chứng minh cho việc bà bị vi phạm quyền về thông tin khi được tư vấn tham gia hợp đồng bảo hiểm[15]. Thực tiễn có không ít những vụ tranh chấp liên quan đến hợp đồng bảo hiểm có kết quả tương tự, vì trong mối quan hệ này người tiêu dùng chỉ đóng một vai trò thứ yếu trong việc mua, bán sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và luôn bị động trong việc tiếp nhận thông tin về sản phẩm, nên dễ bị những tác động tâm lý khi rơi vào các chiến thuật tư vấn của các nhân viên bảo hiểm. Vụ việc điển hình nêu trên đã chỉ ra những bất cập của quyền thông tin đối với người tiêu dùng như sau:

Thứ nhất, nhân viên tư vấn bảo hiểm cố tình đưa ra những thông tin sai, tư vấn thiếu trách nhiệm đến khách hàng vì yếu tố vụ lợi cá nhân. Cụ thể, lợi ích mà nhân viên tư vấn bảo hiểm nhận được trên thực tế là rất cao, đó là các khoản hoa hồng trên mỗi hợp đồng bảo hiểm. Theo quy định của Bộ Tài chính, tỷ lệ hoa hồng tối đa tư vấn viên được hưởng lên tới 40% ở năm thứ nhất của hợp đồng[16]. Thực tế hiện nay, các công ty bảo hiểm đang để tỷ lệ hoa hồng dao động ở mức từ 30% đến 40%, ví dụ, như hợp đồng có mức đóng 100 triệu đồng/năm thì ngay sau khi khách đóng tiền, tư vấn viên sẽ được hưởng khoảng từ 30 đến 40 triệu đồng ở năm đầu[17]. Đây chính là một trong những lý do dẫn đến việc nhân viên tư vấn cố tình tư vấn mập mờ, thậm chí sai lệch về sản phẩm bảo hiểm để nhanh chóng ký được hợp đồng với khách hàng mà không quan tâm đến những rủi ro về sau.

Thứ hai, sự thiếu hiểu biết về kiến thức bảo hiểm của nhân viên tư vấn trong việc cung cấp không đúng, không đầy đủ thông tin cho khách hàng làm ảnh hưởng đến việc tiếp cận thông tin của họ khi tham gia giao kết hợp đồng. Bởi hầu hết các nhân viên tư vấn bảo hiểm ít được đào tạo chính quy từ các trường đại học, mà chỉ được học thông qua các lớp nghiệp vụ sơ bộ về sau. Cụ thể, theo thống kê sơ bộ của Báo Điện tử Việt Nam (VTC New) trong số hơn 200 trường đại học, cao đẳng trên cả nước, chỉ có 5 cơ sở giáo dục bậc đại học mở đào tạo ngành Bảo hiểm và với số lượng sinh viên tuyển được là rất ít[18]. Đồng thời, điều kiện quy định để trở thành nhân viên tư vấn hợp đồng bảo hiểm còn tương đối dễ dàng, như không cần trình độ đại học có liên quan đến chuyên ngành bảo hiểm, mà chỉ cần có trình độ đại học trở lên và được đào tạo thêm chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm và một trong các tổ chức được đào tạo chứng chỉ này lại chính là doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm[19]. Ngoài ra, hoạt động tư vấn không còn đảm bảo tính minh bạch, bởi lẽ bên tư vấn lại chính là người của doanh nghiệp bảo hiểm thay vì hoạt động tư vấn được thực hiện bởi một bên tư vấn độc lập và có trình độ hiểu biết cũng như khả năng chịu trách nhiệm cho hoạt động tư vấn. Vấn đề này cũng được pháp luật của một số nước trên thế giới quy định, cụ thể tại Điều 2:202 Luật Hợp đồng bảo hiểm châu Âu (PEICL) quy định, công ty bảo hiểm phải xem xét hoàn cảnh và phương thức ký hợp đồng, đặc biệt là xem người nộp đơn có được một trung gian độc lập hỗ trợ hay không và bản thân người trung gian phải chịu trách nhiệm theo Chỉ thị châu Âu về hòa giải bảo hiểm[20].

Thứ ba, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 đã có hiệu lực pháp luật hơn 01 năm, nhưng việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm vẫn đang áp dụng Nghị định số 102/2021/NĐ-CP ngày 16/11/2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số hướng dẫn cho Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, sửa đổi, bổ sung năm 2019 để tiến hành xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm là không phù hợp.

Từ những bất cập nêu trên, nhóm tác giả nhận thấy việc đưa ra các giải pháp để bảo vệ quyền thông tin của người tiêu dùng là rất quan trọng và để thực hiện điều này, cần thiết đề xuất một số nội dung phù hợp với thực tiễn như sau:

Một là, Bộ Tài chính cần xây dựng các văn bản pháp luật trong việc cấp chứng chỉ phụ trợ bảo hiểm về tư vấn và giao cho các cơ sở đào tạo phải xây dựng chương trình, nội dung đào tạo chuyên sâu để nâng cao chất lượng đội ngũ tư vấn viên trong hoạt động bảo hiểm. Bên cạnh đó, các trường đại học cần mở rộng thêm khối ngành đào tạo chuyên ngành liên quan đến bảo hiểm, giáo dục Luật Bảo hiểm và mở rộng mô hình của các lớp nghiệp vụ bảo hiểm, nhằm cung cấp đầy đủ kiến thức chuyên môn cho nhân viên tư vấn. Việc tuyển dụng tư vấn viên bảo hiểm phải đảm bảo xét về học vấn chuyên ngành bảo hiểm và các điều kiện để trở thành một nhân viên tư vấn, kinh doanh ngành bảo hiểm nhân thọ.

Hai là, cần có cơ chế tư vấn hợp đồng trung lập và tự nguyện áp dụng cho người mua bảo hiểm nhân thọ. Người mua bảo hiểm ở Việt Nam thường thiếu thông tin và kiến thức pháp lý hạn chế. Do vậy, cần có những người có kiến thức chuyên môn về hợp đồng để tư vấn cho họ khi tham gia thương lượng hợp đồng trong trường hợp họ có nhu cầu tư vấn, đặc biệt ở giai đoạn 21 ngày “thời gian cân nhắc”. Theo chúng tôi, cơ chế tư vấn hợp đồng trung lập và mang tính tự nguyện sẽ giúp ích cho cả hai bên cùng thỏa mãn được các vấn đề vướng mắc về pháp lý trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, với nhiều thuật ngữ pháp lý chuyên môn rất phức tạp.

Ba là, cần sớm thông qua và ban hành Nghị định mới về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2013/NĐ-CP, Nghị định số 48/2018/NĐ-CP, Nghị định số 80/2019/NĐ-CP, Nghị định số 102/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm,... Đồng thời, tăng mức xử phạt đối với hành vi cố tình tư vấn sai thông tin cho khách hàng của tư vấn viên; Nghiên cứu để bổ sung hình thức xử phạt hành chính tương xứng, nhằm đảm bảo sự công bằng trong việc thể hiện trách nhiệm của tư vấn viên đối với người tiêu dùng trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm đối với trường hợp tư vấn viên vì không đủ trình độ chuyên môn dẫn đến việc lý giải, cung cấp thông tin chưa đầy đủ cho khách hàng.

2.2. Bất cập và giải pháp về quyền được lựa chọn của người tiêu dùng

Theo pháp luật Việt Nam, quy định về quyền được lựa chọn của người tiêu dùng khi tham gia hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thay đổi theo từng thời điểm khác nhau và với các quy định tương ứng thì quyền này của người tiêu dùng cũng được thể hiện theo nhiều cách khác nhau. Cụ thể, có thời điểm Hợp đồng Bảo hiểm nhân thọ được xem là hợp đồng mẫu, là điều kiện giao dịch chung[21]. Tức là, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ giai đoạn này gồm những điều khoản do một bên đưa ra theo mẫu để bên kia trả lời trong một thời gian hợp lý; nếu bên được đề nghị trả lời chấp nhận thì coi như chấp nhận toàn bộ nội dung hợp đồng theo mẫu mà bên đề nghị đã đưa ra[22], về phía doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện đăng ký mẫu hợp đồng tại Bộ Công Thương. Đồng thời, sau khi đăng ký thành công, hợp đồng mẫu được công bố công khai và lưu trữ trên trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương để người tiêu dùng tham khảo trước khi muốn giao kết, tham gia hợp đồng bảo hiểm[23]. Cũng trong thời điểm này, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 sửa đổi, bổ sung năm 2019 đang có hiệu lực lại quy định về trường hợp thỏa thuận, sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng bảo hiểm, theo đó bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có thể thỏa thuận sửa đổi, bổ sung phí bảo hiểm, điều kiện, điều khoản bảo hiểm, và phải được lập thành văn bản[24]. Như vậy, mặc dù từ thời điểm ngày 15/10/2015 đến ngày 01/10/2019, Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được quy định là hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung,[25] nhưng pháp luật vẫn cho phép các bên có quyền thỏa thuận sửa đổi, bổ sung phí bảo hiểm, điều kiện và điều khoản bảo hiểm. Tuy nhiên, đến Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, nội dung này không còn được quy định, mà nội dung chủ yếu của Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được quy định trực tiếp vào trong điều khoản của Luật, đồng thời giao về cho Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết nội dung này[26]. Điều này đã tạo ra 2 cách hiểu khác nhau đối với quyền thỏa thuận, lựa chọn của người tiêu dùng đối với việc tham gia ký kết các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Cụ thể như sau:

Cách hiểu thứ nhất, người tiêu dùng hoàn toàn không được quyền tham gia thỏa thuận, bàn bạc trước khi tiến hành ký kết hợp đồng bảo hiểm và cũng không được quyền thỏa thuận bất kỳ điều khoản nào có trên hợp đồng bảo hiểm. Theo quy định, mặc dù doanh nghiệp bảo hiểm được tự do phát triển sản phẩm và khi soạn thảo hợp đồng, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ phải đăng ký phương pháp, cơ sở tính phí bảo hiểm của các sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ và được Bộ Tài chính chấp thuận[27]. Trường hợp này, người tiêu dùng chỉ có quyền chấp nhận hoặc không chấp nhận tham gia sau khi nhận được hợp đồng trong một khoảng thời gian nhất định. Nếu vượt quá khoảng thời gian này, người tiêu dùng hoàn toàn không có quyền thỏa thuận, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bất kỳ nội dung, điều khoản nào trong hợp đồng. Như vậy, với cách hiểu và quy định như trên, hợp đồng kinh doanh bảo hiểm được thực hiện như một dạng hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung và việc sửa đổi, bổ sung hay thay đổi các điều khoản trong đó hoàn toàn áp dụng các quy định về hợp đồng theo mẫu được quy định tại Điều 405 BLDS[28]. Đồng thời, các hạn chế của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cũng chính là hạn chế của các hợp đồng theo mẫu, bao gồm:

Thứ nhất, bên mua bảo hiểm hoàn toàn không có quyền thỏa thuận với bên bán về việc thay đổi những điều khoản, nội dung cơ bản của hợp đồng và trường hợp này, người tiêu dùng không có quyền lựa chọn trong việc giao kết, thay đổi nội dung hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.

Thứ hai, việc đăng ký, công khai hợp đồng bảo hiểm nhân thọ không được thực hiện vì chưa được quy định đầy đủ. Hiện tại, pháp luật bỏ ngỏ quy định đăng ký theo mẫu đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ chỉ giới hạn ràng buộc một số nội dung phải đăng ký với Bộ Tài chính, còn lại doanh nghiệp tự do phát triển sản phẩm bảo hiểm. Vì vậy, không doanh nghiệp nào muốn thỏa thuận từng điều khoản với khách hàng, do rất khó để đi đến giao kết hợp đồng, khách hàng cũng khó có đủ điều kiện và kiến thức để xây dựng hợp đồng giao kết với doanh nghiệp.

Thứ ba, việc giải thích hợp đồng bảo hiểm nhân thọ khi hợp đồng bảo hiểm có điều khoản không rõ ràng, dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau, thì điều khoản được giải thích có lợi cho bên mua bảo hiểm[29]. Như vậy, với quy định này hoàn toàn không khác gì so với quy định tại khoản 6 Điều 404 BLDS quy định về hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung. Đồng thời, với kiểu quy định như vậy nhằm hướng đến sự ràng buộc trách nhiệm của bên soạn thảo hợp đồng không được đưa ra các điều khoản không rõ ràng, gây nhầm lẫn, bất lợi cho bên còn lại với mục đích bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng khi tham gia giao kết hợp đồng nhưng đây cũng là một trong những điều khó áp dụng trên thực tiễn nhất. Bởi lẽ, pháp luật cũng không quy định cụ thể điều khoản như thế nào là không rõ ràng và thẩm quyền ai là người có quyền giải thích hợp đồng. Do đó, khi giải quyết vấn đề này vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập.

Cách hiểu thứ hai, các bên hoàn toàn có quyền thỏa thuận mọi điều khoản trong hợp đồng ngoại trừ phương pháp, cơ sở tính phí bảo hiểm do Bộ Tài chính phê duyệt và bên mua bảo hiểm được thay đổi người thụ hưởng, nhưng phải có sự đồng ý của người được bảo hiểm bằng văn bản[30]. Với cách hiểu này, người tiêu dùng có thể đề ra yêu cầu sửa đổi, bổ sung các nội dung, điều khoản trên hợp đồng trước khi tham gia ký kết. Tuy nhiên, trên thực tế, người tiêu dùng không thể đủ kiến thức và kinh nghiệm để có thể đưa ra các điều khoản chặt chẽ, đủ cơ sở để bảo vệ quyền lợi cho chính mình. Ngoài ra, thực tiễn các hợp đồng bảo hiểm đều rất dài và vô cùng nhiều điều khoản[31], các thuật ngữ sử dụng trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đều mang tính chuyên môn cao, nên người tiêu dùng thường không thể hiểu hết được nội dung của các câu từ, do vậy họ dễ rơi vào “bẫy điều khoản” của các doanh nghiệp bảo hiểm và không được thực hiện chi trả bảo hiểm khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra. Đồng thời, thông thường, người tiêu dùng không thể trao đổi trực tiếp với doanh nghiệp bảo hiểm và bản thân đại lý, tư vấn viên cũng không thể tự quyết định về việc thay đổi các điều khoản có trong hợp đồng soạn sẵn. Do vậy, quy định này chỉ mang tính hình thức, không thể vận dụng một cách triệt để.

Điển hình như vụ khởi kiện bảo hiểm nhân thọ của diễn viên Ngọc Lan tranh chấp với Công ty TNHH A kinh doanh bảo hiểm. Nữ nghệ sĩ chia sẻ nội dung vụ việc, đó là cô và con trai tham gia đóng bảo hiểm với mức chi phí là 700 triệu đồng/năm và đã đóng bảo hiểm được vài năm, với mong muốn sau 10 năm được nhận về số tiền gần 10 tỷ đồng cả gốc lẫn lãi theo lời của nhân viên tư vấn. Tuy nhiên, sau đó, cô đã đến Công ty bảo hiểm và nhận ra mình đã bị lừa, trong quá trình làm hợp đồng do thông tin được tư vấn không rõ ràng, dẫn đến thời gian phải đóng bảo hiểm dài hơn dự kiến. Ngọc Lan thừa nhận lỗi của bản thân một phần khi không đọc kỹ hợp đồng dài hơn 100 trang trước khi ký, nhưng lỗi chính là ở nhân viên tư vấn và cách mà Công ty bảo hiểm đã đưa ra chiến thuật xây dựng hợp đồng sẵn quá dài khi gửi cho người tiêu dùng[32].

Từ vụ việc trên, có thể thấy mặc dù trước đó áp dụng quy định về hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ phải đăng ký và công bố, nhưng người tiêu dùng vẫn bị thiệt thòi vì phương thức xây dựng hợp đồng quá dài và sử dụng nhiều thuật ngữ chuyên môn. Với các quy định trong Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 hiện nay không quy định hình thức hợp đồng bảo hiểm nhân thọ phải theo hợp đồng mẫu và việc tạo lập hợp đồng lại giao về cho chính doanh nghiệp bảo hiểm tự biên soạn cho người tiêu dùng ký kết. Thêm vào đó, việc xây dựng hợp đồng quá dài gây tâm lý “lười đọc” của khách hàng - là nguyên nhân của việc nhầm lẫn trong giao kết và những tranh chấp về sau này.

Như vậy, cùng một quy định của Luật nhưng tạo ra 2 cách hiểu khác nhau khi áp dụng trên thực tiễn về quyền được lựa chọn khi tham gia hợp đồng bảo hiểm của người tiêu dùng làm cho tính chất quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm khó có thể đi vào đời sống xã hội. Chính vì thế, hiện nay các doanh nghiệp bảo hiểm có khi tuân theo hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung khi lại áp dụng nguyên tắc thỏa thuận hoặc có doanh nghiệp áp dụng kết hợp cả hai. Vì vậy bản thân người tiêu dùng vốn chưa đảm bảo lượng kiến thức chuyên môn để nắm rõ các quy định trong hợp đồng bảo hiểm lại càng không có cơ hội nắm được ưu thế khi tham gia vào quan hệ pháp luật bảo hiểm nhân thọ.

Chính vì thế, để bảo vệ quyền lựa chọn của người tiêu dùng trong giai đoạn tiền hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cần có những giải pháp thực tiễn sau:

Một là, pháp luật cần quy định các nội dung trong hợp đồng phải cụ thể, rõ ràng như việc ghi nhận các quyền lợi và nghĩa vụ (các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm) của người tiêu dùng phải được thể hiện ở những phần đầu tiên trong hợp đồng để họ nắm được ngay từ giai đoạn tư vấn. Đối với những phần người tiêu dùng được thỏa thuận cần nêu cụ thể trong điều khoản trong hợp đồng để cả hai cùng thương lượng và thống nhất. Đồng thời, cần có quy định cụ thể về thẩm quyền giải thích hợp đồng trước khi xảy ra tranh chấp thuộc về bên thứ ba, trung gian hòa giải. Nếu đã xảy ra tranh chấp thẩm quyền giải thích hợp đồng thuộc về người, cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc. Có như vậy, quyền lợi người tiêu dùng mới cơ bản được đảm bảo. 

Hai là, doanh nghiệp xây dựng hợp đồng phải tập trung vào những phần quan trọng, ngắn gọn, dễ hiểu, ngôn từ được sử dụng phải trong sáng, rõ ràng. Bên cạnh đó, cần xây dựng bổ sung thêm các quyền tự do thỏa thuận vào mục cuối hợp đồng để người tiêu dùng được lựa chọn các điều khoản cần đàm phán. Đồng thời, doanh nghiệp cần tư vấn cho người tiêu dùng được thỏa thuận các điều khoản nào phải được thể hiện trên bản hợp đồng giao kết giữa các bên. Mặc khác, đối với những phần được phép thỏa thuận thay đổi, bổ sung hợp đồng sau khi hợp đồng đã được ký kết[33] thì phải được thông báo và triển khai đến người tiêu dùng để họ nắm được quyền lợi của mình.

3. Kết luận

Pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ở giai đoạn tiền hợp đồng đang phát sinh nhiều vấn đề vướng mắc. Đáng chú ý là quyền được thông tin, quyền được lựa chọn đối với người tham gia bảo hiểm nhân thọ chưa được pháp luật quan tâm, điều chỉnh một cách đầy đủ. Thực tiễn cho thấy, những năm qua, nhiều vụ tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đã xảy ra có liên quan đến quyền được thông tin, quyền được lựa chọn đối với người tiêu dùng và phần thua thiệt thường nghiêng về phía người tiêu dùng. Do vậy, các tác giả đã đưa ra một số giải pháp khắc phục thực trạng này như sau: Một là, hoàn thiện pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, xử lý vi phạm trong việc tư vấn hợp đồng của bên cung cấp dịch vụ bảo hiểm; Hai là, xây dựng hình thức hợp đồng bảo hiểm ngắn gọn, thể hiện rõ các quyền được tự do thỏa thuận của người tiêu dùng; Ba là, đảm bảo các quyền đóng góp ý kiến của người tiêu dùng nhằm xây dựng niềm tin sự công bằng, công khai, minh bạch trong bảo hiểm nhân thọ; Cuối cùng là cần có cơ chế tư vấn hợp đồng trung lập và tự nguyện. Thực hiện tốt các giải pháp này chính là góp phần xây dựng một môi trường thuận lợi, công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho sự phát triển của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nói riêng và ngành Bảo hiểm nói chung. Đồng thời, cũng góp phần thúc đẩy chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn hội nhập và phát triển hiện nay.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Xem Điều khoản 4 Điều 15 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022

[2] Xem từ Điều 386 đến Điều 400 Bộ luật Dân sự năm 2015

[3] Lê Trường Sơn, Giai đoạn tiền hợp đồng, tr.9, Nxb Hồng Đức, 2016

[4] Đối với hợp đồng bảo hiểm có thời hạn trên 01 năm, thời gian cân nhắc là 21 ngày kể từ ngày bên mua bảo hiểm nhận được hợp đồng bảo hiểm. Xem Điều 35 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022

[5] Đại học Luật Hà Nội, “Giáo trình Luật Dân sự 1” Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2023, tr 178

[6] Điều 36 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022

[7] “Quyền tự do giao kết hợp đồng được hiểu là quyền của các bên chủ thể được tự do trong việc tham gia giao kết, đề nghị giao kết và nội dung chấp nhận giao kết, việc có tham gia giao kết hợp đồng hay không là do các chủ thể tự quyết định”. Hoàng Trung Hiếu: “Một số trường hợp ngoại lệ của nguyên tắc tự do giao kết hợp đồng”, Tạp chí Khoa học Kiểm sát - số 4, 2020, tr 48-57

[8] Điều 87 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022.

[9] Trích từ Từ điển Luật học, Viện Khoa học pháp lý Bộ Tư pháp, Nxb Tư pháp và Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa, tr 651.

[12] Nguyễn Hoàng Thủy (2013), Bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, những vấn đề lí luận và thực tiễn, Luận văn thạc sỹ Luật học, Đại học Quốc gia Hà Nội. tr.11

[12] Điều 4 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023

[13] Khoản 2 Điều 4 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023

[13] Khoản 1, Điều 22 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023

[14] Khoản 3 Điều 4 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023

[15] Bản án số 13/2023/DS-PT ngày 09/01/2023 của Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án Nhân dân tối cao. Truy cập tại  https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta1130367t1cvn/chi-tiet-ban-an [truy cập ngày 26/02/2024]

[16] Mục 3.2, khoản 3, Điều 51 Thông tư số 67/2023/TT-BTC ngày 02 tháng 11 năm 2023 hướng dẫn một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Nghị định số 46/2023/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm.

[17] Tạp chí Điện tử Luật sư Việt Nam (2023), Đề nghị Bộ Công an làm rõ dấu hiệu lừa đảo của bảo hiểm nhân thọ. Truy cập tại https://lsvn.vn/de-nghi-bo-cong-an-lam-ro-dau-hieu-lua-dao-cua-bao-hiem-nhan-tho-1685520901.html

[18] Hà Cường, (2023), “5 trường đại học đào tạo ngành Bảo hiểm”, Truy cập tại: https://vtcnews.vn/5-truong-dai-hoc-dao-tao-nganh-bao-hiem-ar765834.html

[19]  Xem khoản 1, Điều 142 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022.

[20]  Christian Armbruester (2013), PEICL-The Project of a European Insurance Contract Law, Connecticut Insurance Law Journal, pg.131

[21]  Xem khoản 3, Điều 2 Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg ngày 20/8/2015, tlđd.

[22]  Điều 405 Bộ luật Dân sự năm 2015.

[23]  Xem Điều 10 và khoản 1, 2 Điều 14 Nghị định số 99/2011/NĐ-CP ngày 27/10/2011 của Chính phủ quy định chi tiết về và hướng dẫn thi hành một số điều của luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

[24]  Điều 25 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, sửa đổi bổ sung năm 2019.

[25] Khoảng thời gian Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg ngày 20/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực pháp luật đến ngày bị bãi bỏ.

[26]  Điều 17 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022.

[27]  Khoản 1, khoản 3 Điều 87 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022

[28] Vneconomy, (2023), “Có thể sửa đổi điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đã ký hay không”, Truy cập tại, https://vneconomy.vn/co-the-sua-dieu-khoan-trong-hop-dong-bao-hiem-nhan-tho-da-ky-hay-khong.htm

[29] Điều 24 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022

[30]  Khoản 3, Điều 41 và khoản 1, 2 Điều 87 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022

[31] Bài phỏng vấn ông Ngô Trung Dũng - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam: “Thị trường bảo hiểm: Nhiều thay đổi chưa từng có đang diễn ra”, Truy cập tạihttps://tienphong.vn/thi-truong-bao-hiem-nhieu-thay-doi-chua-tung-co-dang-dien-ra-post1548264.tpo

[32] Báo Pháp luật & Đời sống, (2023), Bộ Tài chính yêu cầu MVI báo cáo vụ mua bảo hiểm của diễn viên Ngọc Lan, Truy cập tại https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-tai-chinh-yeu-cau-mvi-bao-cao-vu-mua-bao-hiem-cua-dien-vien-ngoc-lan-a571822.html

[33]  Khoản 3 Điều 41 Luật Kinh doanh bảo hiểm nhân thọ năm 2022

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Quốc hội (2015). Bộ luật Dân sự năm 2015.

2. Quốc hội (2022). Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022.

3. Quốc hội (2023). Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023

4. Chính phủ (2011). Nghị định số 99/2011/NĐ-CP ngày 27/10/2011 quy định chi tiết về và hướng dẫn thi hành một số điều của luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

5. Chính phủ (2023). Nghị định số 46/2023/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm.

6. Bộ Tài chính (2023). Thông tư số 67/2023/TT-BTC ngày 02 tháng 11 năm 2023 hướng dẫn một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm.

7. Thủ tướng Chính phủ (2012). Quyết định số 02/2012/QĐ-TTg ngày 13/01/2012 được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg ngày 20/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định về danh mục hàng hóa dịch vụ thiết yếu phải đăng ký theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.

8. Thủ tướng Chính phủ (2015). Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg ngày 20/8/2015 quy định về việc sửa đổi bổ sung quyết định số 02/2012/QĐ-TTg ngày 13/0/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.

9. Ủy ban Thường vụ Quốc hội (1999). Pháp lệnh số 13/1999/PL-UBTVQH10 ban hành ngày 27 tháng 4 năm 1999, Pháp lệnh về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

10. Viện Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp (2022), Từ điển Luật học, Nxb Tư pháp và Nhà xuất bản từ điển bách khoa, tr 651.

11. Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội (2023). Bản án số 13/2023/DS-PT ngày 09/01/2023, được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án Nhân dân tối cao. Truy cập tại https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta1130367t1cvn/chi-tiet-ban-an [truy cập ngày 26/02/2024]

12. PV (2023). Thị trường bảo hiểm: Nhiều thay đổi chưa từng có đang diễn ra, Báo Tiền phong, Truy cập tại https://tienphong.vn/thi-truong-bao-hiem-nhieu-thay-doi-chua-tung-co-dang-dien-ra-post1548264.tpo

13. Ngọc Châu (2021), Nghĩa vụ tiền hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự, Truy cập tại https://pbgdpl.haiphong.gov.vn/Nghien-cuu-trao-doi/Nghia-vu-tien-hop-dong-theo-quy-dinh-cua-Bo-luat-Dan-su-65680.html

14. Đại học Luật Hà Nội (2023). Giáo trình luật Dân sự 1. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tr 178.

15. Hà Cường, (2023). 5 trường đại học đào tạo ngành Bảo hiểm, Truy cập tại: https://vtcnews.vn/5-truong-dai-hoc-dao-tao-nganh-bao-hiem-ar765834.html

16. Hoàng Lan, (2023). Có thể sửa đổi điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đã ký hay không”, Vneconomy, Tạp chí điện tử của Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, truy cập tại https://vneconomy.vn/co-the-sua-dieu-khoan-trong-hop-dong-bao-hiem-nhan-tho-da-ky-hay-khong.htm

17. Hoàng Trung Hiếu (2020). Một số trường hợp ngoại lệ của nguyên tắc tự do giao kết hợp đồng, Tạp chí Khoa học Kiểm sát, số 4, tr 48-57.

18. Lê Trường Sơn, (2016). Giai đoạn tiền hợp đồng, Nxb Hồng Đức, tr9.

19. Mộc Miên, (2023). Bộ Tài chính yêu cầu MVI báo cáo vụ mua bảo hiểm của diễn viên Ngọc Lan, Báo Pháp luật và Đời sống, truy cập tại https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-tai-chinh-yeu-cau-mvi-bao-cao-vu-mua-bao-hiem-cua-dien-vien-ngoc-lan-a571822.html

20. Minh Quý (2023). Đề nghị Bộ Công an làm rõ dấu hiệu lừa đảo của bảo hiểm nhân thọ, Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam, Truy cập tại https://lsvn.vn/de-nghi-bo-cong-an-lam-ro-dau-hieu-lua-dao-cua-bao-hiem-nhan-tho-1685520901.html

21. Nguyễn Hoàng Thủy (2013). Bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, những vấn đề lý luận và thực tiễn, Luận văn thạc sỹ Luật học, Đại học quốc gia Hà Nội. 11.

22. Christian Armbruester (2013). PEICL-The Project of a European Insurance Contract Law, Connecticut Insurance Law Journal, 131.

 23. United Nations Guidelines for Consumer Protection (as expanded in 1999), II (3).

Protecting the rights of insurance buyers in the pre-contractual stage

Vo Thi Kieu Trang1

Notary, Ph.D Nguyen Thanh Dinh

1Specialist, People's Procuracy of Ninh Kieu district, Can Tho city

Abstract:

Protecting the rights of consumers when participating in life insurance contracts is a legal issue of great concern. When consumers decide to get a life insurance contract, they are often advised and guided by insurance companies or agents. According to the Theory of Asymmetric Information (Akerlof, 1970), consumers are always in a disadvantageous position due to a lack of information and legal knowledge compared to insurance companies. Notably, in the pre-contractual stage, insurance buyers have not been adequately protected by law. This study analyzed the limitations of current laws and proposed solutions to better protect the rights of insurance buyers in the pre-contractual stage, including the rights to information and the right to choose.

Keywords: consumers, life insurance contracts, the rights of consumers in life insurance contracts, pre-contract phase.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 11 tháng 5 năm 2024]

Tạp chí Công Thương