Tại buổi gặp, Bộ trưởng Vũ
Huy Hoàng đã điểm lại quá trình đàm phán Hiệp định đồng thời phổ biến nhanh cho cộng đồng doanh
nghiệp những nội dung chính của Hiệp định.
Hiệp định FTA Việt Nam - EEU được khởi nguồn từ tuyên bố
chung giữa hai Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Nga nhân chuyến thăm chính thức Cộng hòa Liên bang
Nga của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2009 và bắt đầu khởi động đàm phán từ tháng 3/2013.
Trải qua 8 phiên đàm phán chính thức và nhiều phiên chuyên đề, ngày 29/5/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chính thức ký kết Hiệp định FTA Việt Nam - EEU với 5 Thủ tướng các nước thành viên và Chủ tịch EEU tại thị trấn Burabay - Kazakhstan. Hiệp định bao gồm 15 chương, 187 điều tiêu biểu cho các FTA thế hệ mới bao trùm từ lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ đầu tư, di chuyển thế nhân, sở hữu trí tuê, phát triển bền vững, v.v ...
Sau khi Hiệp định được ký
kết, 90% dòng thuế tương đương với hơn 90% kim ngạch hai chiều sẽ được giảm về 0%. Đặc biệt một số
mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như thủy sản sẽ được áp dụng thuế 0% ngay từ khi có hiệu lực. Ngược
lại, phía Việt Nam cũng mở cửa ngay cho một số mặt hàng như thịt bò, sữa và các sản phẩm của sữa,
lúa mì, máy móc thiết bị cho Liên minh. Các mặt hàng sắt thép và xăng dầu cũng được mở cửa có lộ
trình. Về dịch vụ và đầu tư, phía Việt Nam mở cửa thị trường cho phía Liên minh tương đương với các
nước trong ASEAN, ngược lại Liên minh cũng mở cửa hầu hết các lĩnh vực cho Việt Nam gần tương đương
như các nước trong nội khối. Như vậy Liên minh sẽ có điều kiện thuận lợi đầu tư trong các ngành cơ
khí, chế tạo, khai khoáng, đối lại phía Bạn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào
các ngành công nghiệp nhẹ, công nghiệp chế biến.
Dự kiến, kim ngạch song phương hai chiều sẽ tăng từ 4 tỷ USD năm 2014 lên mức 10 tỷ USD vào năm 2020.
Tại buổi gặp gỡ, thay mặt cho công đồng doanh nghiệp, ông Nguyễn Bắc Hà - Chủ tịch ngân hàng BIDV và ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam đều bày tỏ vui mừng khi Hiệp định FTA Việt Nam - EEU được ký kết sẽ gây dựng lại một thị trường truyền thống bị bỏ quên nhiều năm qua. Ông Lê Tiến Trường dự đoán kim ngạch dệt may có thể tăng đến 50% ngay trong năm đầu tiên. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp cũng kiến nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể cho các ngành nghề để chuẩn bị tham gia FTA, điều chỉnh ngân sách xúc tiến thương mại cho các thị trường mới ký FTA, xây dựng cẩm nang và phổ biến rộng rãi để cộng đồng doanh nghiệp nắm vững FTA.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ khẳng định đây là một FTA mang tính lịch sử cả về mặt kinh tế và chính trị. Việc Liên minh chọn Việt Nam là nước đầu tiên ký kết FTA và ký cấp Thủ tướng đã khẳng định Bạn luôn coi trọng mối quan hệ với Việt Nam và vai trò của Việt Nam tại ASEAN. Hiệp định được ký kết mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức với doanh nghiệp. Thủ tướng giao Bộ Công Thương phối hợp cùng các cơ quan hữu quan phổ biến cả hai mặt của Hiệp định để doanh nghiệp được nắm vững, có thể cạnh tranh có hiệu quả trên thị trường. Cộng đồng doanh nghiệp cần nhạy bén, năng động, cùng đoàn kết nắm bắt cơ hội, đồng thời xây dựng hệ thống phân phối hàng Việt Nam để từ đó phát triển thị trường một cách lâu dài và có hệ thống.
Buổi gặp gỡ tuy chỉ mang tính phổ biến nhanh Hiệp định khi vừa đươc ký nhưng rất kịp thời đáp ứng mong chờ của giới doanh nghiệp đang mong ngóng thông tin vốn được bảo mật trong quá trình đàm phán. Công đồng doanh nghiệp đánh giá cao nỗ lực của đoàn đàm phán đảm bảo hài hòa lợi ích hai bên để mang lại một FTA thật sự có chất lượng và hữu ích cho giới doanh nghiệp nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung.