Công điện gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ; Các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam; Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam; Dầu khí Việt Nam; Hóa chất Việt Nam; Xăng dầu Việt Nam; Các Tổng công ty, doanh nghiệp thuộc Bộ.
Công văn nêu rõ: Bão số 3 đã gây mưa lớn trên diện rộng ở Bắc Bộ, đặc biệt các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ đã có mưa từ 200 - 350mm (nhiều nơi 400 - 500mm, có nơi gần 600mm), lũ trên sông Thao và Lục Nam đã vượt mức báo động 3, ngập lụt cục bộ, sạt lở đất đã xảy ra tại nhiều nơi, nhất là ở Cao Bằng, Hòa Bình, Lào Cai. Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia trong những ngày tới khu vực miền núi và trung du Bắc Bộ sẽ tiếp tục có mưa lớn với lượng mưa 100 - 200mm, có nơi trên 350mm nguy cơ rất cao xảy ra lũ lớn, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét và ngập lụt cục bộ tại các vùng trũng thấp.
Thực hiện Công điện số 89/CĐ-TTg ngày 09/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung khắc phục sự cố sập nhịp cầu Phong Châu, tỉnh Phú Thọ và ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại các tỉnh miền núi, trung du Bắc Bộ, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị trong ngành Công Thương nghiêm chỉnh thực hiện với trách nhiệm cao nhất các nhiệm vụ được giao trong các Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương về ứng phó với bão số 3 và khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ sau:
1. Sở Công Thương các tỉnh, thành phố
- Tăng cường công tác rà soát, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn, phòng chống thiên tai tại các dự án, công trình ngành Công Thương, nhất là các công trình đang thi công xây dựng tại các địa bàn có nguy cơ bị lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, vùng trũng thấp nhằm kịp thời chỉ đạo các đơn vị khắc phục các hạn chế, khiếm khuyết đảm bảo an toàn cho người và công trình.
- Chỉ đạo các đơn vị trong ngành Công Thương tăng cường công tác giám sát an toàn, có phương án ứng phó đảm bảo an toàn cho người, công trình, máy móc, thiết bị và chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, phương tiện, vật tư để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với các tình huống khẩn cấp do thiên tai gây ra; Không cho phép xây dựng lán trại, nhà tạm tại những khu vực có nguy cơ bị lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, vùng trũng thấp; Cương quyết xử lý các đơn vị vi phạm.
- Chỉ đạo các chủ đập thủy điện trên địa bàn thực hiện nghiêm quy trình vận hành liên hồ chứa và quy trình vận hành hồ chứa đã được cấp thẩm quyền phê duyệt và các yêu cầu nhiệm vụ tại công điện này;
- Chủ trì, phối hợp với các cấp, các ngành tại địa phương khẩn trương tổ chức kiểm tra công tác vận hành xả lũ của các nhà máy thủy điện, nhất là các thủy điện có dung tích phòng lũ và các công trình thủy điện có vùng hạ du đang bị ngập lụt; kiểm tra công tác đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy điện, nhất là các hồ đập xung yếu, các thủy điện nhỏ hoặc đang thi công, sửa chữa, kịp thời phát hiện các điểm có nguy cơ sạt lở để cắm biển cảnh báo, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tại địa phương thông tin kịp thời, bảo đảm an toàn cho người dân, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp.
2. Tập đoàn Điện lực Việt Nam:
- Chỉ đạo các nhà máy thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát, Tuyên Quang, Thác Bà và các công trình thủy điện thuộc phạm vi quản lý khu vực miền Bắc, miền Trung tuân thủ nghiêm quy trình vận hành liên hồ chứa, quy trình vận hành hồ chứa đã được cấp thẩm quyền phê duyệt và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai và các cấp có thẩm quyền; chủ động, sẵn sàng các phương án khi xuất hiện các tình huống bất thường khi vận hành công trình, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình thủy điện và hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất về người và tài sản cho nhân dân vùng hạ du do lũ gây ra; tăng cường thông tin cảnh báo, thông báo sớm cho chính quyền địa phương các cấp, nhân dân vùng thượng, hạ lưu trước khi vận hành xả lũ theo quy trình.
- Tổ chức các đoàn kiểm tra và yêu cầu các đơn vị thủy điện thuộc phạm vi quản lý tự kiểm tra việc ứng phó, khắc phục thiệt hại và các sự cố do hoàn lưu cơn bão số 3 và tình hình mưa lũ đang diễn biến phức tạp.
- Theo dõi chặt chẽ diễn biến của các hình thái thiên tai; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó với các sự cố bất thường có thể xảy ra.
- Phối hợp với Sở Công Thương các địa phương chỉ đạo, kiểm tra việc triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu, các thủy điện nhỏ hoặc đang thi công, sửa chữa; công tác vận hành các hồ chứa thủy điện đảm bảo an toàn công trình, an toàn hạ du phù hợp với diễn biến của mưa, lũ, nhất là các hồ chứa nước lớn trên hệ thống bậc thang thủy điện sông Đà.
3. Các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp thuộc Bộ
- Tăng cường công tác kiểm tra các đơn vị và chỉ đạo các đơn vị tự kiểm tra công tác đảm bảo an toàn và phòng chống thiên tai đối với các công trình xây dựng thuộc phạm vi quản lý, nhất là các công trình đang thi công xây dựng tại các địa bàn có nguy cơ bị lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, vùng trũng thấp nhằm kịp thời chỉ đạo các đơn vị khắc phục các hạn chế, khiếm khuyết đảm bảo an toàn cho người và công trình.
- Chỉ đạo các đơn vị thuộc phạm vi quản lý huy động tối đa nguồn lực, phương tiện, vật tư để sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai; theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo về thời tiết, mưa, lũ, sạt lở đất để chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn.
- Tăng cường nhận thức và kỹ năng cho người lao động về các biện pháp đảm bảo an toàn, ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra.
4. Các chủ đập công trình thủy điện
- Nghiêm túc tuân thủ quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ chứa thủy điện đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, đặc biệt là khi xuất hiện các tình huống bất thường; vận hành khoa học, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình, không để xảy ra lũ nhân tạo, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, trong đó phải lưu ý thông báo sớm cho người dân trước khi vận hành xả lũ.
- Huy động tối đa nguồn lực, thiết bị để thông tin cảnh báo, thông báo sớm nhất cho chính quyền địa phương, người dân khu vực phía hạ du trước khi tiến hành xả lũ theo quy trình và theo lệch vận hành của cơ quan thẩm quyền, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp.
- Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá tình trạng đập, các thiết bị, hạng mục vận hành xả lũ, nhận nước, hệ thống cảnh báo xả lũ khu vực hạ du… và khắc phục kịp thời các khiếm khuyết (nếu có).
- Tổ chức trực ban 24/24h, giữ thông tin liên lạc thông suốt với Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp, triển khai thực hiện các phương án đảm bảo an toàn hồ đập, vùng hạ du hồ chứa và các công trình đang thi công dở dang, đặc biệt là các công trình trọng điểm, xung yếu; kịp thời cắm biển thông báo, cảnh báo cho người dân về các khu vực nguy hiểm trong phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tại địa phương trong công tác ứng phó thiên tai và bảo đảm an toàn cho người dân khu vực hạ du, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp.
5. Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp
- Theo dõi chặt chẽ diễn biến của hoàn lưu bão số 3 để kịp thời chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị triển khai các biện pháp ứng phó.
- Đôn đốc các đơn vị thực hiện nghiêm túc các Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương và các quy định về an toàn kỹ thuật và phòng chống thiên tai thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương.
Trước đó, ngày 9/9/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Công điện số 6844/CĐ-BCT về tăng cường ứng phó với mưa lớn do hoàn lưu bão số 3 và đảm bảo an toàn trong vận hành công trình thủy điện.
Công văn nêu: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện 86, 87 và 88/CĐ-TTg, để đảm bảo an toàn các công trình thủy điện, đặc biệt vùng hạ du khi xả lũ, tiếp theo các Công điện hoả tốc của Bộ Công Thương số: 6638, 6650, 6751 và 6814/CĐ-BCT, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Thủ trưởng tại các đơn vị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo về việc tăng cường ứng phó với mưa lớn do hoàn lưu bão số 3 và đảm bảo an toàn trong vận hành các công trình thủy điện