Nếu như năm 2016 tổng kim ngạch XK cả nước chỉ tăng trưởng ở mức 8,6% thì con số này ở năm 2017 đạt 21% và năm 2018 dự kiến khoảng 10-12%, đáp ứng tiêu chí năm sau tăng trưởng cao hơn năm trước. Xin Bộ trưởng phân tích rõ bức tranh tăng trưởng của hoạt động xuất nhập khẩu thời gian vừa qua? Việc chuyển dịch cơ cấu ngành hàng đã có tác động như thế nào tới sự tăng trưởng này?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Có thể nói bức tranh xuất nhập khẩu giai đoạn 2015-2018 đã có sự chuyển dịch đáng kể và đạt được nhiều thành tựu thể hiện rõ ở con số tăng trưởng xuất khẩu bình quân giai đoạn 2015-2018 đạt khoảng 14,7%/năm. Trong đó, tăng trưởng xuất khẩu đạt mức cao, trên hai con số trong hai năm 2017 (tăng 21,8%) và 2018 (ước tăng 13,7%).
Cơ cấu hàng xuất khẩu chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng hàng công nghiệp chế biến, giảm tỉ trọng nhóm nhiên liệu, khoáng sản. Nhóm hàng công nghiệp chế biến luôn chiếm tỉ trọng trên 80% trong tổng kim ngạch xuất khẩu và có mức tăng trưởng xuất khẩu cao hơn mức tăng trưởng chung.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều thâm nhập được vào các thị trường lớn và có mức tăng trưởng xuất khẩu tốt.
Có thể kể đến như mặt hàng gạo đã xuất khẩu sang hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, bên cạnh thị trường truyền thống đã từng bước mở rộng thị trường xuất khẩu vào các nước châu Mỹ, Trung Đông; sản phẩm gạo trắng cao cấp và gạo thơm đã bước đầu thâm nhập vào thị trường “khó tính”, giúp sản phẩm gạo Việt Nam từng bước hiện diện trên khắp thế giới.
Hạt điều xuất khẩu đến 90 thị trường, đứng đầu thế giới về xuất khẩu (chiếm 28% lượng điều thô chế biến và trên 50% lượng hạt điều xuất khẩu toàn cầu).
Đối với giày dép, Việt Nam đang là nước sản xuất giày dép đứng thứ 4 thế giới và là nước đứng thứ 2 về xuất khẩu giày sau Trung Quốc. Thị trường xuất khẩu sản phẩm giày dép của Việt Nam đã vượt trên 100 nước, trong đó 72 nước có kim ngạch xuất khẩu trên 1 triệu USD.
Mặt hàng rau quả cũng đạt nhiều thành tích trong công tác mở rộng thị trường xuất khẩu, thâm nhập và mở rộng xuất khẩu vào các thị trường tương đối khó như: vải, nhãn, chôm chôm, thanh long và mới đây là vú sữa vào thị trường Hoa Kỳ; vải thiều vào thị trường Australia, Malaysia, EU (Pháp, Đức, Anh, Hà Lan); thanh long, xoài vào thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc; cam, quýt, thanh long vào thị trường Singapore…
Nhờ sự tăng trưởng xuất khẩu của nhiều mặt hàng trên, xuất khẩu cả nước đã tăng nhanh và vững chắc, không còn phụ thuộc lớn vào tăng trưởng xuất khẩu điện thoại. Mặc dù điện thoại tiếp tục là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất (50 tỷ USD) nhưng chỉ đóng góp 4,73 tỷ USD trong mức tăng chung 29,6 tỷ USD của xuất khẩu Việt Nam so với năm trước, chiếm 16%.
Sang năm 2019 hoạt động XNK của Việt Nam sẽ đối mặt với những thách thức nào (nội tại của nền kinh tế và cả những thách thức đến từ bên ngoài
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Năm 2019 được dự báo là sẽ có nhiều khó khăn, biến động đến kinh tế thế giới nói chung, qua đó sẽ có những tác động đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung cũng như chu kỳ 10 năm của kinh tế toàn cầu là nỗi lo của nhiều thị trường tài chính, nhiều nền kinh tế. Các báo cáo gần đây của nhiều tổ chức như IMF, OECD, Oxford Economics đều hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng tăng, đặc biệt là sau khi Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu của các nước. Các nước tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe như EC xiết chặt mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nông sản nhập khẩu, áp dụng các quy định về đánh bắt thủy sản hợp pháp (IUU) và sử dụng gỗ nguyên liệu hợp pháp (FLEGT); nhiều nước ban hành quy định về truy xuất nguồn gốc…
Dự báo năm 2019, giá xuất khẩu nông sản khó có khả năng tăng như năm 2017 và có xu hướng ổn định như năm 2018, do vậy, đây không còn là yếu tố thuận lợi tác động đến tăng trưởng xuất khẩu. Nhiều mặt hàng nông, thủy sản, do hạn chế về diện tích đất canh tác và nuôi trồng nên khả năng tăng sản lượng là thách thức lớn nếu không đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Ngoài ra, dự báo về xu hướng nắng hạn trong năm 2019 do ảnh hưởng từ hiện tượng El Nino cũng sẽ gây nhiều khó khăn cho sản xuất nông nghiệp.
Giải pháp của Bộ Công Thương khi đối diện những thách thức này như thế nào?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Năm 2019, Quốc hội vẫn giao Chính phủ, Bộ Công Thương phấn đấu chỉ tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7-8% so với năm 2018; tỉ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%.
Trên cơ sở bối cảnh hiện nay, để giữ vững và phát huy đà tăng trưởng, Bộ Công Thương chú trọng triển khai nhiều biện pháp, giải pháp quan trọng nhằm phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, phù hợp với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.
Giải pháp đầu tiên là tăng cường công tác tuyên truyền và tổ chức triển khai tận dụng tốt các cam kết hội nhập quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, đặc biệt là CPTPP để thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu. Nghiên cứu các giải pháp, biện pháp phát triển xuất khẩu, nhập khẩu với từng thị trường quan trọng; tìm kiếm khả năng mở rộng các thị trường xuất khẩu mới còn tiềm năng đồng thời củng cố và mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam tại thị trường truyền thống, thị trường là đối tác FTA. Lựa chọn các mặt hàng có thế mạnh để xúc tiến xuất khẩu vào các thị trường theo từng giai đoạn cụ thể…
Chú trọng cải cách thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý và cải cách bộ máy tổ chức quản lý nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để huy động nguồn lực cho sản xuất. Chú trọng tạo nguồn hàng có chất lượng cho sản xuất, đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm và phù hợp với nhu cầu thị trường nhập khẩu.
Tăng cường các biện pháp tháo gỡ rào cản, tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt là nông, thủy sản, thâm nhập vào các thị trường mới. Đổi mới, đẩy mạnh triển khai hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường sự phối hợp giữa các tổ chức xúc tiến thương mại Trung ương và địa phương, các tổ chức xúc tiến thương mại phi Chính phủ.
Tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, cảnh báo đối với các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Kịp thời chỉ đạo các giải pháp cụ thể, quyết liệt, có định hướng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, phát triển thị trường. Phát huy công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ hợp lý sản xuất trong nước.
Tiếp tục theo dõi sát biến động của tình hình thế giới, đặc biệt là diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung để chủ động trong công tác điều hành, có biện pháp thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng có khả năng tận dụng cơ hội để xuất khẩu và tăng cường quản lý chặt chẽ trước nguy cơ gian lận thương mại và gian lận xuất xứ hàng hóa.
Qua Báo điện tử Chính phủ, tôi cũng muốn khẳng định Bộ Công Thương sẽ luôn đồng hành và chúng tôi thực sự mong muốn được lắng nghe ý kiến phản hồi của doanh nghiệp về các vấn đề chính sách để cùng tháo gỡ những khó khăn, phát triển thị trường xuất khẩu cho hàng hóa Việt Nam.
Bộ trưởng đã đi được nửa nhiệm kỳ (từ tháng 4/2016 đến nay), xin Bộ trưởng chia sẻ những suy nghĩ cũng như trăn trở của mình đối với ngành Công Thương khi đứng ở vị trí "tư lệnh" ngành. Thời gian tới, Bộ trưởng sẽ dành thời gian và tâm sức cho những mục tiêu nào?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Suy nghĩ của tôi vào thời điểm này là vừa mừng, vừa lo.
Mừng vì sau hơn 2 năm vừa qua, với trách nhiệm được giao là thành viên Chính phủ, người đứng đầu ngành Công Thương, đảm nhận trọng trách lớn lao, nhiều việc khó khăn phức tạp đòi hỏi phải giải quyết vừa khẩn trương vừa dài hạn..., nhưng tới nay nhiều việc đã được giải quyết đạt kết quả tích cực, được cử tri, doanh nghiệp ủng hộ.
Đặc biệt là quan điểm đổi mới xuyên suốt của ngành Công Thương từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến nay được kiên trì thực hiện, cho thấy là hướng đi đúng, có kết quả bước đầu khá rõ nét và vững chắc. Đó là việc tổ chức lại bộ máy, sắp xếp cán bộ theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả hơn; hoàn thiện thể chế gắn với cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính và thực hiện chính phủ điện tử...
Nhưng thực sự tôi lo lắng và trăn trở rất nhiều. Bởi còn rất nhiều việc mà Bộ Công Thương muốn làm mà chưa làm được, nhất là xử lý những hạn chế, điểm nghẽn còn tồn tại. Đó là các vấn đề đẩy mạnh tái cơ cấu trong lĩnh vực Công Thương, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của doanh nghiệp, sản phẩm hàng hóa dịch vụ trong nước; là vấn đề hỗ trợ, hướng dẫn cho cộng đồng doanh nghiệp thực thi tốt hơn các cam kết quốc tế; là vấn đề hiện đại hóa công vụ trong quản lý điều hành của Bộ và của toàn ngành, tạo thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp trong tiếp cận các dịch vụ công của ngành Công Thương...
Với những điều vừa mừng, vừa lo như vậy, trong thời gian tới chắc chắn tôi sẽ đặt trọng tâm cùng tập thể Lãnh đạo Bộ và đội ngũ cán bộ công chức, người lao động trong toàn ngành tiếp tục thực hiện quá trình đổi mới, tái cơ cấu trong ngành Công Thương theo quan điểm, mục tiêu xuyên suốt đã xác định từ đầu nhiệm kỳ như nêu trên.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
(Title bài do TCCT đặt)