Trong bài phát biểu của mình, thay vì nhắc lại những thành tích của năm 2019, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tập trung vào những thách thức năm 2020 mà ngành phải đối mặt cũng như những trọng tâm ưu tiên trong một năm được cho sẽ rất khó khăn.
Theo Bộ trưởng, năm 2019, Ngành Công Thương đã nỗ lực, vượt mức kế hoạch mục tiêu đề ra, tuy nhiên, còn nhiều vấn đề đang tiếp tục đặt ra cho ngành. Để giải quyết khắc phục được những tồn tại, bất cập kể cả trong những chiến lược phát triển cũng như công tác điều hành và tham gia điều hành những chỉ đạo chung của Chính phủ, đặc biệt là nhiệm vụ liên quan đến hoàn thiện thể chế, những nhiệm vụ của nhà nước giao.
Bộ trưởng nhấn mạnh, Bộ Công Thương là bộ đã hoàn thành sớm cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành, song công việc này sẽ không dừng lại mà là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2020.
Năm 2019, chúng ta đã chứng kiến một sự tăng trưởng rất nhanh chóng của thương mại quốc tế nhưng đồng thời cũng thấy được sự gia tăng rất nhanh chóng, những xung đột thương mại trong nội tại và giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác ở các khu vực trên thế giới.
"Chưa bao giờ chúng ta thấy số lượng các cuộc điều tra về chống buôn lậu, chống bán phá giá cũng như các tranh chấp thương mại khác với hàng hóa, sản phẩm và doanh nghiệp của Việt Nam ở trên thị trường quốc tế đang tăng nhanh như vậy", Bộ trưởng nói.
Vì vậy trong năm 2020, Bộ Công Thương xác định sẽ là đầu mối trong việc tăng cường quản lý nhà nước về các biện pháp lẩn tránh phòng vệ thương mại và gia nhập xuất xứ. Những biện pháp này sẽ phải phát huy các cơ chế phối hợp cũng như có những biện pháp rất cụ thể để tạo ra sự tương tác và kết dính chặt chẽ, thường xuyên hơn nữa giữa cộng đồng doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước, giữa khu vực trong nước với các đối tác quốc tế ở trong khu vực và quốc tế.
Đặc biệt, dù là bộ đi đầu cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh đợt đầu, và trong khi một số bộ còn chưa hoàn tất thì Bộ Công Thương đã hoàn thành chương trình giai đoạn 2 trong cắt giảm với 202 điều kiện đầu tư kinh doanh, chiếm tới 36% trong tổng số các điều kiện đầu tư kinh doanh và đã hoàn thành Dự thảo, Nghị định để điều chỉnh các nghị định có liên quan tới cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh và đang trình lên Thủ tướng chính phủ để sớm ban hành.
“Tinh thần của cải cách hành chính sẽ được tiếp tục mạnh mẽ trong năm 2020. Chúng tôi có 292 dịch vụ công thì có tới 166 dịch vụ, thủ tục đã được cấp online ở cấp độ 3, cấp độ 4. Trong năm nay, toàn bộ các dịch vụ công của ngành Công Thương sẽ tiếp tục được nâng cấp hoàn thiện để đưa vào cấp độ 3 và cấp độ 4 trong đó.
Ngoài 2 dịch vụ công đang liên kết với Cổng dịch vụ công quốc gia, chúng tôi sẽ tiếp tục đưa hàng loạt các dịch vụ công khác lên Cổng dịch vụ công quốc gia với sự tham gia giám sát và kiểm tra cũng như là cơ chế để đảm bảo hiệu quả chung cho các tổ chức, các thành phần kinh tế và người dân ở trong chủ thể của các dịch vụ công này”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Tương tự, trong kiểm tra chuyên ngành, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, hiện nay đã thực hiện cắt giảm tới 66% nhưng chắc chắn trong năm 2020, mỗi đơn vị trong Bộ Công Thương sẽ phải tiếp tục tham gia rà soát và có những kế hoạch, biện pháp cụ thể để triển khai việc cắt giảm các thủ tục mà vẫn đảm bảo hiệu quả của quản lý nhà nước nhưng đồng thời cũng phải hướng tới việc đổi mới những yêu cầu trong quản lý nhà nước có sự đồng bộ với các Bộ, ngành để đảm bảo các thủ tục kiểm tra/chuyển giao liên ngành/chuyên ngành không còn là rào cản cho các doanh nghiệp, chủ thể liên quan.
“Mục tiêu của chúng tôi xác định rất rõ trong năm 2020 công tác về thể chế, về cải cách, hoàn thiện thể chế để hoàn thiện xây dựng pháp luật cũng như tham mưu chính sách và điều hành chính sách đều hướng tới một mục tiêu duy nhất đó là phục vụ cho cộng đồng doanh nghiệp, cho người dân, cho nền kinh tế của chúng ta và trong tâm thế của những chiến lược và kế hoạch mới của công nghiệp hóa - hiện đại hóa, của phát triển bền vững, của hội nhập quốc tế sâu và rộng”, Bộ trưởng nói thêm.
Đánh giá cao về việc cải cách hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh của Bộ Công Thương trong năm 2019, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, việc cải cách đã được Bộ Công Thương thực hiện một cách bài bản, tự nguyện, tự thân chứ không hẳn từ sức ép của Chính phủ.
“Cộng đồng doanh nghiệp cũng đánh giá rất cao Bộ Công Thương trong việc thực hiện cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh hay đàm phán quốc tế thì Bộ đều tham vấn các ý kiến của doanh nghiệp”, ông Lộc chia sẻ.