Tham dự Hội nghị có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo Bộ Công Thương, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương và đại diện các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội và doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2019, chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá và ổn định, ước tính tăng 9,1%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đặt ra cho toàn ngành từ đầu năm (tăng 9%).
Sản xuất của nhóm công nghiệp chế biến chế tạo tuy tăng trưởng chậm dần trong các tháng cuối năm nhưng vẫn giữ vững đà tăng trưởng, ước tăng 10,5% so với năm 2018, tiếp tục khẳng định công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực chính thúc đẩy mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.
Chỉ số sản xuất ngành sản xuất và phân phối điện tăng trưởng 8,7%, bảo đảm đáp ứng tốt cho hoạt động sản xuất và sử dụng của người dân.
Nhiều dự án lớn của ngành đi vào hoạt động và cho ra đời sản phẩm đã có những đóng góp tích cực cho tăng trưởng của toàn ngành như: Dự án thép Formosa Hà Tĩnh; Nhà máy sản xuất ô tô VinFast; các dự án sản xuất, lắp ráp ô tô với quy mô lớn như Thaco Bus, Thaco-Mazda, Hyundai Thành Công,…
Xuất khẩu năm 2019 hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao, với kim ngạch xuất nhập khẩu bình quân khoảng 43 tỷ USD/tháng, quy mô xuất nhập khẩu tăng trưởng ở mức cao, vượt mốc 500 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 ước đạt 516,96 tỷ USD, tăng 7,6% so với năm 2018, trong đó kim ngạch xuất khẩu ước đạt 263,45 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm 2018.
Cán cân thương mại năm 2019 ghi nhận mức xuất siêu kỷ lục (9,94 tỷ USD) góp phần làm tích cực cán cân thanh toán và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.
Thị trường xuất khẩu, nhập khẩu được mở rộng, không chỉ tăng cường ở các thị trường truyền thống mà còn khai thác được các thị trường mới, tiềm năng và tận dụng hiệu quả các FTA.
Đáng chú ý, xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục tăng trưởng tốt. Năm 2019, khối doanh nghiệp trong nước xuất khẩu đã đạt 82,1 tỷ, tăng 17,7%; cao hơn 2 lần so với tốc độ tăng trưởng chung cả nước và cao hơn 4 lần so với tốc độ tăng trưởng của khối doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô, đạt 4,2%).
Thương mại nội địa giữ vững được đà tăng trưởng với tốc độ tăng tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ xã hội ở mức 2 con số. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tiếp tục duy trì mức tăng trưởng tốt, ước cả năm đạt khoảng 4.939,98 nghìn tỷ đồng, tăng 11,85% so với năm 2018, đạt kế hoạch đề ra năm 2019 là tăng 11,5-12% so với năm 2018.
Nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá cả cơ bản ổn định, các chương trình bình ổn thị trường được triển khai tích cực, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên Đán, đã góp phần ổn định thị trường chung của cả nước.
Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương cũng đã chủ động trong phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan để nắm bắt thông tin nguồn cung, tình hình dịch bệnh, khả năng tái đàn, xác định mức độ thiếu hụt nguồn cung thịt lợn để đề xuất với Chính phủ lượng nhập khẩu cần thiết để bù đắp nguồn cung cho thị trường; bảo đảm cân đối cung cầu mặt hàng thịt lợn nhất là trong dịp Tết Nguyên Đán.
Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, xác định được rõ yêu cầu nhiệm vụ và bối cảnh, tình hình trong nước và quốc tế như nêu trên, để triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ kế hoạch của toàn Ngành năm 2019, ngay từ cuối năm 2018 Bộ Công Thương đã tập trung chỉ đạo xây dựng Kế hoạch hành động chi tiết của Ngành để triển khai thực hiện Nghị quyết số 01, Nghị quyết số 02 và Nghị quyết số 35 của Chính phủ với 155 nhiệm vụ cụ thể, xác định rõ thời gian hoàn thành để phân giao cho từng đồng chí Lãnh đạo Bộ và Thủ trưởng từng Đơn vị thuộc Bộ để tập trung triển khai từ ngày đầu tiên của năm 2019.
“Nhìn lại những kết quả đạt được của năm 2019 cho thấy những nỗ lực, cố gắng to lớn của toàn ngành Công Thương, nhưng qua đó cũng bộc lộ những điểm hạn chế, điểm nghẽn trong phát triển của Ngành cần được nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá để có hướng giải quyết, xử lý kịp thời mới có thể đáp ứng được yêu cầu phát triển trong tình hình mới ở những năm tiếp theo”, Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Bộ Công Thương xác định năm 2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, là năm tổng kết đánh giá và chuẩn bị nội dung xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới để trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
“Để tiếp tục góp phần tích cực vào sự phát triển chung của cả nước, Bộ Công Thương xin cam kết với Thủ tướng Chính phủ sẽ nỗ lực ở mức cao nhất để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao”, Bộ trưởng khẳng định.
Dự kiến 11h30 trưa nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ có bài phát biểu chỉ đạo, định hướng cho ngành Công Thương năm 2020.
Để phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội, Chính phủ giao cho năm 2020, Bộ Công Thương đã tiến hành rà soát, xây dựng Kịch bản tăng trưởng cho các lĩnh vực cụ thể và xác định tập trung vào 7 nhóm giải pháp trọng tâm:
Một là, tiếp tục tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư kinh doanh, khơi dậy các nguồn lực phục vụ phát triển công nghiệp, thương mại.
Hai là, đẩy nhanh quá trình thực hiện các mục tiêu tái cơ cấu trong ngành Công Thương gắn với ứng dụng khoa học công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Ba là, tập trung giải quyết các vấn đề còn tồn tại nhằm bảo đảm nguồn năng lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững trên cơ sở huy động sự tham gia mạnh mẽ của khu vực kinh tế ngoài nhà nước.
Bốn là, thực hiện đồng bộ và khai thác hiệu quả các FTA đã có hiệu lực, đồng thời tích cực chuẩn bị trong nước cho việc thực thi hiệu quả các FTA thế hệ mới.
Năm là, xử lý một cách căn bản hơn các vấn đề về xuất nhập khẩu, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường ngoài nước.
Sáu là, nhanh chóng tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại, gian lận xuất xứ.
Bảy là, thúc đẩy sự phát triển và phát huy hiệu quả vai trò thị trường trong nước, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động thương mại, phát triển mạnh thương mại điện tử và sự gắn kết giữa thương mại điện tử với các loại hình thương mại truyền thống.