Công nghiệp tăng vượt chỉ tiêu kế hoạch
Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, bên cạnh những thuận lợi có được, trong năm 2019, các lĩnh vực hoạt động của ngành Công Thương cũng đã gặp những khó khăn lớn cả về thị trường xuất khẩu và sản xuất trong nước.
Chưa bao giờ nền kinh tế thế giới chứng kiến những biến động nhanh, phức tạp và khó đoán định như hiện nay. Tình hình khu vực, quốc tế biến động khó lường; cạnh tranh chiến lược và căng thẳng thương mại giữa một số nền kinh tế lớn ngày càng gia tăng.
Cùng với đó, mặc dù các thị trường xuất khẩu được mở rộng thông qua các FTAs nhưng chúng ta cũng gặp phải những khó khăn rất lớn trước sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ, các hàng rào kỹ thuật và các biện pháp phòng vệ thương mại của nhiều thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam.
Đồng thời cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và diễn biến kinh tế - chính trị phức tạp ở nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới tạo ra thách thức lớn cho hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương triển khai thực hiện tốt nội dung các Nghị quyết của Chính phủ, các chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là tập trung triển khai thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ và đạt được những kết quả khả quan.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 9,1%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đặt ra cho toàn ngành từ đầu năm (tăng 9%), nhiều ngành công nghiệp tăng trên 20% như sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 21%; sản xuất kim loại tăng 28,6%...
Nhiều sản phẩm tăng trưởng ở mức 2 con số: than sạch tăng 11,6%; thép thanh, thép góc tăng 19,2%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 11,4%...
Nhiều dự án lớn đi vào hoạt động
Nhiều dự án lớn của ngành đi vào hoạt động và cho ra đời sản phẩm đã có những đóng góp tích cực cho tăng trưởng của toàn ngành như: Dự án thép Formosa Hà Tĩnh năm 2019 đi vào vận hành hết công suất 2 lò cao với sản lượng dự kiến đạt 6,7 triệu tấn/năm (Năm 2018, dự án này mới huy động khoảng 4,5 triệu tấn).
Nhà máy sản xuất ô tô VinFast đã khánh thành và chính thức đưa vào hoạt động vào tháng 6 thay vì tháng 9 năm 2019 như kế hoạch.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam đã khởi công các dự án với quy mô lớn từ năm 2017 - 2018 (như Thaco Bus, Thaco-Mazda, Hyundai Thành Công) đã có sản phẩm trong năm 2019.
Ngành điện đã hoàn thành và đưa vào phát điện Nhà máy điện mặt trời Vĩnh Tân 2 với dự kiến mỗi năm sẽ cung cấp cho hệ thống điện quốc gia khoảng 68,4 triệu kWh, qua đó tăng cường nguồn điện cấp cho phụ tải khu vực và hệ thống, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.
Xuất siêu kỷ lục
Hoạt động xuất nhập khẩu năm 2019 của Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả ấn tượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của nền kinh tế cả nước, qua đó góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát và cải thiện cán cân thanh toán.
Xuất khẩu tăng cao, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 263,45 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm 2018, hoàn thành vượt chỉ tiêu do Quốc hội và Chính phủ đặt ra (tăng 7 - 8%).
Nhập khẩu được kiểm soát tốt, cán cân thương mại duy trì thặng dư năm thứ 4 liên tiếp. Kim ngạch nhập khẩu năm 2019 ước đạt 253,5 tỷ USD, tăng 7%; Thặng dư thương mại năm 2019 đạt khoảng 9,94 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.
Với kim ngạch xuất nhập khẩu bình quân khoảng 43 tỷ USD/tháng, quy mô xuất nhập khẩu tăng trưởng ở mức cao, vượt mốc 500 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 ước đạt 516,96 tỷ USD, tăng 7,6% so với năm 2018.
Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến. Quy mô các mặt hàng xuất khẩu tiếp tục được mở rộng. Số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên đã tăng qua các năm, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Duy trì mức tăng 2 con số
Năm 2019, lưu thông hàng hóa được đẩy mạnh và thông suốt, đáp ứng tốt nhu cầu, nhất là nhu cầu đối với hàng hóa thiết yếu cho người dân ở mọi miền đất nước và trong những giai đoạn tiêu dùng cao điểm như ngày lễ, Tết.
Thị trường hàng hóa trong nước tương đối ổn định, riêng mặt hàng thịt lợn do ảnh hưởng của dịch bệnh tả lợn châu Phi nên nguồn cung giảm, giá tăng.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tiếp tục duy trì mức tăng 2 con số, ước cả năm đạt khoảng 4.939,98 nghìn tỷ đồng, tăng 11,85% so với năm 2018, đạt kế hoạch đề ra năm 2019 là tăng 11,5-12% so với năm 2018.
Theo đánh giá, thương mại nội địa giữ vững được đà tăng trưởng với tốc độ tăng tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ xã hội ở mức 2 con số, đạt kế hoạch đề ra, là một trụ đỡ quan trọng để góp phần vào bảo đảm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế chung của cả nước.
Nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá cả cơ bản ổn định, các chương trình bình ổn thị trường được triển khai tích cực, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên Đán, đã góp phần ổn định thị trường chung của cả nước.
Ngành Công Thương đã bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ trong công tác điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, nhất là việc điều hành giá mặt hàng xăng dầu để hạn chế thấp nhất sự tác động cộng hưởng vào CPI chung khi có sự điều chỉnh tăng giá các mặt hàng thiết yếu khác, bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát do Quốc hội giao (CPI dưới 4%).
Góp phần hoàn thành mục tiêu chung của Chính phủ
Trên cơ sở kết quả đạt được năm 2019, và dự báo tình hình kinh tế trong và ngoài nước, Bộ Công Thương đặt mục tiêu tổng quát đặt ra cho ngành Công Thương trong năm 2020 là tập trung thực hiện để bảo đảm hoàn thành mục tiêu chung của Chính phủ trong chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Một số chỉ tiêu ngành Công Thương năm 2020
a). Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng từ 9 - 10% so với năm 2019.
b). Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7 - 8% so với năm 2019.
c). Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 2%.
d). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 11,8 - 12%.
đ). Bảo đảm nhu cầu điện năm 2020 dự kiến tăng khoảng 9,1% so với năm 2019, điện sản xuất và mua năm 2020 khoảng 265,4 tỷ kWh.
e). Tăng trưởng thị trường thương mại điện tử B2C tăng 25%.
g). Doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử đạt 50%.
h). Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 đạt 70%.
Sau khi nghe Bộ Công Thương báo cáo và các đại biểu đại diện cho địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp tham luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ phát biểu chỉ đạo, định hướng cho ngành Công Thương năm 2020 và những năm tiếp theo.