Vượt kế hoạch đề ra
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 9,1%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đặt ra cho toàn ngành từ đầu năm (tăng 9%), tuy thấp hơn mức tăng của năm 2015, 2017, 2018 nhưng cao hơn mức tăng các năm 2012 – 2014 và 2016. Cụ thể, tốc độ tăng IIP các năm 2012-2016 lần lượt là: 5,8%; 5,9%; 7,6%; 9,8%; 7,4%; 11,3%; 10,2%.
Đây là mức tăng khá cao, thể hiện tính gia công trong ngành công nghiệp ngày càng giảm, tỷ lệ nội địa hóa, khả năng chủ động tận dụng nguồn nguyên liệu trong nước của một số ngành trong sản xuất chế biến đang dần được nâng cao.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo duy trì đà tăng trưởng (ước tăng 10,5% so với năm 2018), phù hợp với định hướng tái cơ cấu mô hình tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp.
Kết quả này tiếp tục phản ánh những dịch chuyển đúng hướng và các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong thời gian qua của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và triển khai thực hiện của Bộ Công Thương.
Tiêu thụ tăng, tồn kho giảm
Trong đó, nhiều ngành công nghiệp có mức tăng trưởng cao và vững chắc trong bối cảnh thị trường có nhiều khó khăn như. Nhiều ngành có mức tăng trên 20% như sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 21%; sản xuất kim loại tăng 28,6%...
Ngoài ra, sản xuất xe có động cơ tăng 7,3%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 8,6%; sản xuất các sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học tăng 6,6%...
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu năm 2019 tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: than sạch tăng 11,6%; thép thanh, thép góc tăng 19,2%; ô tô tăng 9,6%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 11,4%; bia các loại tăng 9,8%; vải dệt từ sợi tổng hợp hoặc sợi nhân tạo tăng 7,7%; giầy, dép da tăng 6,3%...
Ngành khai khoáng đã vượt mục tiêu đề ra tại kịch bản tăng trưởng nhờ khai thác than tăng cao, bù đắp cho sự sụt giảm của khai thác dầu thô. Tính chung cả năm 2019, ngành khai khoáng đã có mức tăng trưởng dương, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước (năm 2018 giảm 2,2%), vượt mục tiêu đề ra (giảm 4,4%).
Ngành điện bảo đảm sản xuất, cung ứng và phân phối theo kế hoạch, vận hành hệ thống điện an toàn, linh hoạt, kịp thời, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tiêu thụ của ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục duy trì xu hướng tăng. Chỉ số tiêu thụ của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tính đến hết 12 tháng năm 2019 tăng 9,5% so với năm trước.
Nhiều ngành đã có tốc độ tăng trưởng tiêu thụ sản phẩm đạt mức 2 con số như: sản xuất đồ uống; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ, tinh chế; sản xuất kim loại; sản xuất dệt tạo động lực thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển.
Tồn kho các sản phẩm công nghiệp tiếp tục duy trì mức thấp hơn so với mức tăng của 2018. Chỉ số tồn kho toàn ngành chế biến chế tạo tại thời điểm 31/12/2019 tăng 13,6% so với cùng thời điểm năm 2018 (năm 2018 tăng 14,1% so với cùng thời điểm năm 2017).