Đây là khẳng định của lãnh đạo Bộ Công Thương tại Tọa đàm Tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trọng tâm là 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) tổ chức chiều 21/2/2019.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhận định, năm 2018 nói riêng và 10 năm trở lại đây nói chung, ngành Công Thương đã đạt được những thành tựu tích cực trong nhiều lĩnh vực, đóng góp lớn và sự phát triển chung của nền kinh tế.
GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng cũng nhấn mạnh, tại Tọa đàm, Đoàn Hội đồng Lý luận Trung ương sẽ lắng nghe chia sẻ của lãnh đạo Bộ và các đơn vị trực thuộc Bộ không chỉ về những thành quả của ngành Công Thương trong quá trình triển khai, thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội 10 năm qua, mà còn cả những tồn tại, hạn chế, bất cập đi kèm với giải pháp, phương án giải quyết các vấn đề này, từ đó xác định rõ quan điểm, định hướng cho giai đoạn tiếp theo.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, qua gần 10 năm triển khai thực hiện Cương lĩnh, ngành Công Thương đã có những bước tiến trong nhiều lĩnh vực.
Về phát triển công nghiệp, đây đã trở thành ngành kinh tế chủ lực của đất nước với tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các ngành kinh tế và trở thành động lực chính của xuất khẩu Việt Nam với tỷ trọng trên 85% tổng kim ngạch xuất khẩu, qua đó đã đưa năng lực cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghiệp Việt Nam từ vị trí thứ 94 năm 1990 lên vị trí 58 vào năm 2009 và thứ 41 vào năm 2017.
Về xuất nhập khẩu và hội nhập quốc tế về kinh tế, kể từ sau khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007 tới nay, Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết tới 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA), mở rộng cánh cửa thị trường cho Việt Nam với hơn 60 nền kinh tế và nâng độ mở thương mại của quốc gia hiện nay lên trên 200% GDP.
Về thương mại nội địa, trong gần 10 năm qua, thương mại nội địa luôn giữ vững được đà tăng trưởng ổn định, từ mức 1.007,4 nghìn tỷ đồng năm 2008 lên 4.395,7 nghìn tỷ đồng năm 2018, cùng xuất khẩu và công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành trụ đỡ quan trọng góp phần vào bảo đảm thực hiện mục tiêu tăng trưởng của ngành Công Thương nói riêng và nền kinh tế đất nước nói chung.
Tuy nhiên, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng và Bộ trưởng Bộ Công Thương đều cho rằng, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, cần thẳng thắn nhìn vào những tồn tại, hạn chế để rút kinh nghiệm, phát triển mạnh mẽ hơn nữa ngành Công Thương, tạo động lực tăng trưởng cho toàn ngành kinh tế, đặc biệt là trong công nghiệp - ngành kinh tế trụ cột hiện nay.
“Chúng ta phải nhìn nhận lại nền công nghiệp Việt Nam sẽ có hướng phát triển như thế nào? Sau 10 năm nữa nền công nghiệp Việt Nam đang ở đâu?”, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Cùng với đó là bài toán làm sao để xây dựng “nền kinh tế độc lập, tự chủ”, làm sao để gia tăng sự tham gia của các doanh nghiệp Việt vào chuỗi cung ứng và tăng dần tỷ trọng của khối kinh tế trong nước, giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào thành phần FDI trong bối cảnh kinh tế thế giới liên tục có những biến động khó lường.
Để tìm được câu trả lời, Chủ tịch Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhận định năng lực phân tích, dự báo, bám sát thực tiễn thị trường của Bộ Công Thương đóng vai trò rất quan trọng nhằm tăng khả năng thích ứng của ngành công nghiệp cũng như của nền kinh tế với những thay đổi bên ngoài.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, trong thời gian tới, để tạo ra các động lực tăng trưởng mới để bứt tốc đối với phát triển ngành trong 10 năm tới và các năm tiếp theo, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tập trung tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và ngành Công Thương nói riêng theo hướng đổi mới sáng tạo để không bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình, nâng cao khả năng tiếp cận thông tin và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, trong lĩnh vực công nghiệp, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết sẽ thực hiện có hiệu quả việc phân bổ nguồn lực cho phát triển, trong đó khuyến khích và tập trung nguồn lực tạo ra các “đầu tàu” mạnh là các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn trong khối tư nhân phát triển, từ đó lôi kéo toàn nền kinh tế trên tất cả các lĩnh vực.
Đồng thời, tiếp tục thu hút hiệu quả FDI, tạo sự kết nối, hợp tác giữa FDI và doanh nghiệp tư nhân để nâng cao giá trị gia tăng của các ngành, song song với triển khai xây dựng và bố trí hợp lý các cụm ngành công nghiệp chuyên môn hóa theo chuỗi cung ứng trong nước và toàn cầu để nâng cao giá trị gia tăng.
Đáng chú ý, trong thời gian tới sẽ triển khai xây dựng và hình thành thêm nhiều trung tâm logistics lớn trong cả nước, trong đó có các mô hình trung tâm phân phối nhằm tăng cường công tác quản lý chuỗi cung ứng sản xuất với quy mô lớn, đảm bảo việc theo dõi và truy xuất thông tin hàng hóa nhanh chóng chính xác đối với việc sản xuất và lưu thông, phân phối hàng hóa.