Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, đối với những kiến nghị của tỉnh Thái Bình liên quan đến lĩnh vực Công Thương, Bộ sẽ ủng hộ và cố gắng sớm nhất có thể để giải quyết những đề xuất của địa phương.
Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Hồng Diên báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và Đoàn công tác về kết quả phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh năm 2018, nhiệm vụ trọng tâm năm 2019. Ông Nguyễn Hồng Diên khẳng định, đến nay, Thái Bình đã cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt mức hầu hết các mục tiêu, định hướng lớn của Nghị quyết Đại hộ Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra.
Các ngành kinh tế đều đạt mức tăng trưởng khá cao. Trong đó, nông nghiệp đạt mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm qua và đang chuyển mạnh sang sản xuất hàng hoá, gắn với tích tụ đất đai, phát triển nông nghiệp hữu cơ, sản xuất theo chuỗi giá trị. Công nghiệp, xây dựng duy trì đà tăng trưởng tốt, tiếp tục là động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế với một số dự án quy mô lớn đã và đang hoàn thành đi vào hoạt động, bước đầu đạt hiệu quả tích cực. Thương mại, dịch vụ được chú trọng phát triển theo hướng văn minh, cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay có 350 dự án đầu tư mới hoặc điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn đăng ký trên 31.600 tỷ đồng, tăng 83,4% về số dự án và tăng gần 70% về vốn đầu tư; có 2.500 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện được thành lập mới, tăng 76,8% so với cùng kỳ nhiệm kỳ trước.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, thế mạnh của địa phương chính là Khu kinh tế Thái Bình, nơi có điều kiện để phát triển tương đối toàn diện và tổng hợp, tạo nền tảng để Thái Bình phát triển bước đệm mới.
Theo Bộ trưởng, địa phương nên phối hợp tổng thể các nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ, cụ thể là "giai đoạn 2 và giai đoạn 3 phải rút ngắn thời gian chứ không phải đến 2025 - 2030 mới hoàn thiện hệ thống hạ tầng của Khu kinh tế Thái Bình". Đây chính là chìa khóa đẩy nhanh sự phát triển mạnh mẽ của tỉnh, nâng cao năng lực sản xuất.
Ngoài ra, Thái Bình còn có lợi thế về quá trình đô thị hóa phát triển rất nhanh, từ đó phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng thương mại, tạo ra sức lan tỏa và phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Các ngành nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh học, nông nghiệp hữu cơ... cũng đang là điểm nhấn của Thái Bình
Bộ trưởng cũng đề nghị, Thái Bình nên tập trung vào các ngành kinh tế trọng điểm như: năng lượng, công nghiệp chế biến, điện tử, dệt may, chế biến gỗ... Đối với ngành thép, Bộ trưởng lưu ý địa phương cân nhắc không nên tập trung phát triển vì đây không phải là thế mạnh của địa phương, bên cạnh đó, vị trí địa lý, tình hình thị trường... không thuận lợi.
Thái Bình cũng cần quan tâm hơn nữa công tác phát triển nội địa, bao gồm các chợ truyền thống, các trung tâm thương mại... do quá trình đô thị hóa của Thái Bình diễn ra nhanh, sự liên kết giữa các vùng lân cận tốt, rất có điều kiện phát triển thương mại nội địa.
Đối với kiến nghị của địa phương, liên quan đến các doanh nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước, Bộ trưởng khẳng định, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia các dự án đầu tư, phát triển tại địa phương (như Công ty bia Hà Nội - Thái Bình, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam).
Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 là một Dự án lớn, có công suất 1.200 MW. Dự án này do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia làm Chủ đầu tư, hiện mới đạt khoảng 83% khối lượng, tiến độ. Bộ trưởng nhấn mạnh: "không có lí do gì mà chúng ta lại để thất thoát tài sản, thất thoát nguồn lực đầu tư lớn như vậy, nhất là khi Dự án có điều kiện để hoàn thành". Bộ trưởng cũng khẳng định sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phải cứu Dự án này, nhưng để làm được điều đó thì cần sự phối hợp chặt chẽ của Bộ với Ủy ban Quản lý vốn tại doanh nghiệp, với các Bộ, ngành liên quan và địa phương.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề xuất trong tháng 3/2019, Bộ Công Thương sẽ cử Đoàn công tác của Bộ về làm việc cụ thể với địa phương về những vấn đề phát triển kinh tế xã hội của Tỉnh liên quan đến lĩnh vực Công Thương, trong đó có nội dung liên quan đến Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Thủ tướng ghi nhận ý kiến của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc khuyến khích địa phương phát triển đa dạng các nguồn lực kinh tế cũng như sự tích cực trong việc phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để có hướng xử lý vướng mắc của Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 thời gian tới.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra trong năm 2019 và những năm tiếp theo, Thủ tướng đề nghị Đảng bộ và nhân dân Thái Bình cần tiếp tục đổi mới tư duy, trong đó chú trọng đổi mới tư duy xã hội hóa nguồn lực; hoạt động mạnh mẽ hơn, đoàn kết, sốc tới hơn nữa đưa Thái Bình trở thành tỉnh giàu có của cả nước, của đồng bằng Bắc Bộ.
Thủ tướng cũng đề nghị Thái Bình cần phát huy kết quả đạt được phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra trong năm 2019 và phải chọn lĩnh vực, mũi nhọn để bứt phá.
Sáng cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác tham dự Lễ khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình tại xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Nhà máy có tổng công suất là 600 MW, do EVN làm Chủ đầu tư và dự Lễ khởi công Dự án bệnh viện Đa khoa 1.000 giường do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư tại Thành phố Thái Bình.