Nhắm mục tiêu tăng trưởng 9-10%
Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong tháng đầu tiên của năm 2019, dù chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính giảm 3,2% so với tháng 12/2018, song so với cùng kỳ năm 2018 vẫn tăng 7,9%. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo đóng vai trò then chốt khi tăng 10,1%, đóng góp 8 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Ông Nguyễn Bích Lâm-Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định: Trong cả năm 2019, lĩnh vực công nghiệp chuyển dịch theo hướng phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao và giá trị XK lớn. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng với sự hỗ trợ tích cực của khu vực DN FDI, đặc biệt là từ các tập đoàn kinh tế lớn, có chuỗi giá trị toàn cầu như Samsung, LG, Formosa, Toyota…
Xung quanh vấn đề phát triển sản xuất công nghiệp, ông Hoàng Quốc Vượng-Thứ trưởng Bộ Công Thương phân tích, có khá nhiều điều kiện thuận lợi như môi trường kinh doanh được cải thiện một cách mạnh mẽ sẽ hỗ trợ tốt hơn cho DN trong nước đầu tư vào sản xuất, cũng như thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển. Bên cạnh đó, nhiều Hiệp định thương mại có hiệu lực vào năm 2019 đã và đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp Việt Nam có thêm năng lực sản xuất mới. Tuy nhiên, ông Vượng cũng nhấn mạnh, có không ít thách thức mà sản xuất công nghiệp phải đối mặt. Điển hình như, chưa có những dự án mới có quy mô lớn và tác động lan tỏa, đóng góp cho tăng trưởng và tạo sự bứt phá của ngành; chưa có thêm nhiều sản phẩm công nghiệp mang thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ngoài ra, tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp Việt Nam còn cao, phát triển công nghiệp hỗ trợ diễn ra còn chậm. Các DN chưa thực sự quan tâm đến tận dụng thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để nâng cao năng suất lao động, phát triển các ngành công nghệ mới có lợi thế...
Bộ Công Thương dự kiến, chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2019 tăng khoảng 9-10% so với năm 2018. Cụ thể, các nhóm ngành: Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13%; sản xuất phân phối điện tăng từ 9,5-10%...
Phát triển theo chiều sâu
Nhìn sâu vào “bức tranh” sản xuất công nghiệp Việt Nam thời gian qua, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, một số chuyên gia đánh giá, sản xuất công nghiệp đã và đang tồn tại không ít bất cập. Điều đó được thể hiện qua tình trạng chuyển dịch cơ cấu ở một số lĩnh vực công nghiệp chưa thực sự bền vững. Giá trị gia tăng của sản phẩm ở một số ngành tuy có tăng nhưng còn chậm (dệt may, da giày, điện tử...), đồng thời khả năng cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp còn hạn chế. Đặc biệt, sản xuất công nghiệp vẫn chưa tham gia được nhiều vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Chỉ số sản xuất sản phẩm trung gian thấp hơn so với chỉ số sản xuất sản phẩm phục vụ sử dụng cuối cùng. Điều này cho thấy, sản phẩm trung gian trong sản xuất công nghiệp Việt Nam còn phụ thuộc khá nhiều vào nguồn NK và ngành công nghiệp hỗ trợ chưa thực sự phát đáp ứng tốt được yêu cầu đề ra.
Một hạn chế cố hữu của sản xuất công nghiệp Việt Nam phải kể đến là mức độ liên kết và hợp tác kinh doanh giữa các DN trong cùng một ngành và giữa các ngành còn hạn chế, chưa tạo được nhiều mối liên kết phát triển giữa các ngành theo hướng hợp tác chuyên môn hoá phù hợp với cơ chế thị trường. Nhiều DN đầu tư khép kín, chưa phối hợp năng lực sẵn có của các DN khác để tăng nội lực cho ngành và đạt hiệu quả sản xuất kinh doanh cao hơn. Điều này một mặt làm tăng chi phí đầu tư cho sản xuất, mặt khác gây lãng phí năng lực chung của toàn ngành, tạo ra những cạnh tranh không đáng có giữa các DN trong ngành...
Để từng bước khắc phục những tồn tại, tạo đà phát triển cho sản xuất công nghiệp, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho hay: Trong năm 2019, Bộ Công Thương sẽ triển khai tích cực Đề án và Kế hoạch cơ cấu lại các ngành công nghiệp; tiếp tục phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Bộ cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở Việt Nam; hoàn thiện cơ chế, chính sách để hỗ trợ sản xuất trong nước, phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng tỷ lệ nội địa hóa.
“Bộ Công Thương sẽ rà soát cơ chế, chính sách tác động đến công nghiệp của từng ngành, sản phẩm để từng bước tháo gỡ khó khăn cho DN, tăng khả năng cạnh tranh, xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm NK để hỗ trợ sản phẩm trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa... Bộ Công Thương đã giao Cục Công nghiệp rà soát các dự án sản xuất, đặc biệt là các dự án sản xuất hàng công nghiệp lớn phục vụ cho XK và tiêu dùng trong nước, kịp thời tháo gỡ khó khăn để sớm đưa các dự án vào vận hành, tạo năng lực cho phát triển sản xuất, tạo nguồn hàng cho XK”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nói.
Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng: Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu gói tín dụng ưu đãi cho các ngành công nghiệp ưu tiên, trong đó có công nghiệp hỗ trợ để năng cao năng lực cạnh tranh và giá trị gia tăng cho sản phẩm công nghiệp; hỗ trợ, kết nối tạo các đơn hàng cho các sản phẩm cơ khí trọng điểm, có chính sách ưu tiên đối với những DN có khả năng đáp ứng yêu cầu ở những công trình trọng điểm quốc gia để tạo những đơn hàng lớn cho phát triển ngành…
Theo Bộ Công Thương, năm 2018, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 10,2%, vượt mức chỉ tiêu kế hoạch đã được đặt ra từ đầu năm (tăng 9%), tuy thấp hơn mức tăng 11,3% của năm 2017 nhưng cao hơn mức tăng các năm 2012 -2016. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành sản xuất phân phối điện tiếp tục có mức tăng trưởng tốt là những yếu tố tạo động lực vững chắc để đạt được mục tiêu kế hoạch tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp. Tỷ trọng GDP của nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng từ 14,6% bình quân giai đoạn 2011 - 2015 lên 16,2% năm 2016, 17,4% năm 2017 và 18,3% cho năm 2018; của nhóm ngành khai khoáng giảm từ 8,8% bình quân giai đoạn 2011 - 2015 xuống 7,6% năm 2016, 6,6% năm 2017 và 6% cho năm 2018