Các sản phẩm công nghiệp có mức tăng cao hơn tốc độ tăng của toàn ngành: điện sản xuất tăng 12,1%, alumin tăng 20,9%, thép cán tăng 17,3%, điện thoại di động tăng 89%, ô tô tăng 58,4%, dép da tăng 24,7%, ti vi tăng 41,8%...
Cùng với đó, tình hình tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng khá. 3 tháng đầu năm tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước, tăng hơn gấp 2 lần mức tăng 5,5% của cùng kỳ 2014 so với 2013.
Tiêu thụ tăng thì tồn kho giảm. Tại thời điểm 1/4/2015 chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 11,3% so với cùng thời điểm năm 2014, thấp hơn 2% so với mức 13,9% của cùng kỳ 2014 so với 2013.
Trong hoạt động ngoại thương, 4 tháng xuất khẩu ước đạt 50,1 tỷ USD tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2014. Nhập khẩu ước đạt 53,1 tỷ USD, nhập siêu khoảng 3 tỷ USD. Việc nhập siêu được cho mang tín hiệu tích cực bởi nhóm hàng cần nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn nhất với 88,3% cũng là nhóm hàng có mức tăng cao nhất 19,8%. Trong đó, máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng có số lượng và giá trị nhập khẩu lớn nhất trong nhóm do đẩy mạnh hoạt động triển khai các dự án . Bên cạnh đó, các doanh nghiệp mở rộng nhập khẩu nhiều mặt hàng nguyên, nhiên phụ liệu phục vụ sản xuất. Tăng trưởng nhập khẩu nhóm này là tiền đề cho dự báo xuất khẩu có khả năng tăng trưởng mạnh mẽ trong những tháng tiếp theo.
Một minh chứng khác là nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu và hạn chế nhập khẩu có mức tăng thấp hơn nhiều so với nhóm hàng cần nhập khẩu, lần lượt tăng 13,9% và 2,8%. Hơn nữa, xét về tỷ trọng, cả 2 nhóm này mới chiếm 11,7%, thấp hơn 7,5 lần nhóm hàng cần nhập khẩu.