Phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 10/4, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thống nhất với quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, trước mắt là tập trung phòng chống hiệu quả dịch bệnh, cũng như đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Đồng thời, tháo gỡ khó khăn ở cả 2 khía cạnh, một là đối với người lao động, đối tượng xã hội đang gặp khó khăn và người dân nói chung; hai là hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tất cả lĩnh vực đang bị tác động rất mạnh mẽ.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, việc Chính phủ xây dựng và ban hành gói hỗ trợ về kinh tế mà Chính phủ chỉ đạo trong thời gian vừa qua là rất kịp thời và có ý nghĩa. Việc triển khai gói hỗ trợ này sẽ mang lại hiệu qủa rất lớn cho đời sống nhân dân, hướng tới ổn định trật tự và an toàn xã hội và vượt qua khó khăn sau hậu dịch bệnh để tiếp tục phục hồi và phát triển mạnh mẽ hơn.
Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã rất chủ động, bám sát chỉ đạo của Thủ tướng để nghiên cứu và đưa ra đề xuất giải pháp để tháo gỡ khó khăn về kinh tế và tham gia phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân. Cụ thể, là gói hỗ trợ trong cắt giảm giá điện đã báo cáo Chính phủ và được sự chấp thuận chung của Thủ tướng và của Chính phủ để tổ chức triển khai trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ cùng với EVN để tiếp tục cân đối, tính toán xây dựng các phương án thực sự khả thi, có hiệu quả để việc cắt giảm giá điện sẽ không tác động mạnh đến hiệu quả hoạt động của EVN cũng như liên quan đến các nguồn thu của nhà nước.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh bày tỏ, việc đầu tiên phải quán triệt đó là đảm bảo phòng chống dịch bệnh một cách nghiêm túc, triệt để nhất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh; không được lơ là, chủ quan; ngay cả nhiệm vụ “kép” để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh cũng phải dựa trên nguyên tắc đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh, an toàn cho người dân và tất cả các đối tượng trong xã hội chúng ta.
Bộ Công Thương thống nhất, trong giai đoạn hiện nay, ngoài tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân, chúng ta phải tiếp tục cố gắng khai thác những cơ hội, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghiệp, thương mại, dịch vụ và các ngành kinh tế khác đều có thể vượt qua khó khăn, tiếp tục duy trì thị trường và ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh. Hiện nay, đối với các thị trường chính của Việt Nam, chúng ta vẫn tiếp tục khai thác, phát huy. Với thị trường Trung Quốc, mặc dù còn một số khó khăn mới phát sinh nhưng Bộ Công Thương đã bám rất sát để cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng với các địa phương tiếp tục thúc đẩy trong hoạt động thương mại hàng hóa, đặc biệt là thương mại qua biên giới.
Tiếp tục tập trung phát triển thị trường trong nước để hỗ trợ tạo tâm lý ổn định, nhất là khai thác tốt cơ hội mới của thương mại điện tử; Hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa, trước hết là chuỗi cung ứng hàng nông sản thực phẩm thiết yếu của thị trường nội địa; Đẩy mạnh liên kết chuỗi, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất với các doanh nghiệp bán lẻ và liên kết trong toàn chuỗi cung ứng.
Về những giải pháp của Bộ Công Thương trong thời gian tới, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ sẽ tập trung vào các giải pháp trọng tâm:
Với các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Đông Á… vẫn là các thị trường tiềm năng để khôi phục thúc đẩy phát triển đóng góp cho tăng trưởng xuất khẩu. Đối với thị trường Trung Quốc, Bộ Công Thương đang tiếp tục tập trung xử lý nhằm khơi thông tối đa các kênh giao thương qua tuyến biên giới giữa 2 nước.
Hiện nay, trước việc Trung Quốc có chủ trương siết chặt hơn hoạt động thông quan do lo ngại về dịch bệnh lây lan trở lại Trung Quốc qua các khu vực biên giới. Bộ Công Thương đang bám rất sát để tập trung xử lý. Dự kiến trong tuần tới Bộ trưởng Công Thương sẽ cùng trao đổi với Đại sứ Trung Quốc và sẽ lên tuyến biên giới để khảo sát thực tế để có biện pháp tháo gỡ.
Đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp có cơ hội để thu hút đầu tư cả trong nước và ngoài nước để tái cơ cấu trong thời gian tới đây. Do vậy cần tập trung vào thúc đẩy tái cơ cấu trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tái cơ cấu ngành hàng sản xuất kinh doanh. Trong đó, trọng tâm là khu vực công nghiệp hỗ trợ và ngay từ bây giờ cần tập trung tái cơ cấu các chuỗi liên kết để phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là một số ngành công nghiệp chế biến chế tạo lớn của ta như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ... theo hướng bền vững hơn với một số đối tác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ..., tránh phụ thuộc quá lớn vào một hoặc một số ít đối tác hoặc thị trường.
Về việc hiện nay, có nhiều địa phương có phản ánh đối với việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là việc xác định diện các mặt hàng thiết yếu, do đó đề nghị cần có hướng dẫn thêm về xác định hàng hóa thiết yếu cho các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp thực hiện. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị, về phía các địa phương, cần tập trung thực hiện tốt nội dung số 12 của Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho nhân dân trên địa bàn trong các tình huống dịch bệnh.
Về điều hành xuất khẩu gạo, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cũng như sự đồng thuận từ các Bộ, ngành có liên quan, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục bám sát và thực hiện điều hành trên nguyên tắc kiểm soát chặt chẽ xuất khẩu (trong tháng 4 là 400 nghìn tấn) và bảo đảm tuyệt đối an ninh lương thực quốc gia, không để xảy ra tình trạng thiếu lương thực trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đồng thời duy trì chuỗi sản xuất lúa gạo; hỗ trợ tiêu thụ thóc, gạo cho người nông dân với giá tốt; bảo đảm mục tiêu "kép" là chiến thắng dịch bệnh và duy trì sản xuất, tăng trưởng kinh tế.