Bộ Công Thương tính nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc
Trong cuộc họp về các dự án năng lượng trọng điểm tại trụ sở Bộ Công Thương sáng 17/7/2019, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, cần phải ưu tiên phát triển các dự án hạ tầng điện lên hàng đầu.
Báo cáo về tình hình thực hiện các dự án trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, ông Phương Hoàng Kim - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, đến năm 2020 về cơ bản nhu cầu về điện đáp ứng đủ nhưng tiếp tục tiềm ẩn một số rủi ro, có thể đối mặt với nguy cơ thiếu điện trong các tình huống cực đoan như: nhu cầu phụ tải cao hơn dự báo, lưu lượng nước về các hồ thủy điện kém, thiếu hụt nguồn nhiên liệu than, khí cho sản xuất điện...
Để đáp ứng nhu cầu điện với tốc độ tăng trưởng bình quân 8,6% năm theo phương án cơ sở trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh (theo đó, sản lượng điện sản xuất cần bổ sung bình quân 26,5 tỷ kWh/năm), mỗi năm công suất nguồn điện cần bổ sung tối thiểu 4.500-5.000 MW nguồn nhiệt điện hoặc từ 14.000-16.000 MW nếu sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo.
Hiện nay, các dự án nguồn điện được thực hiện theo 3 hình thức đầu tư gồm các dự án do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) là chủ đầu tư; các dự án đầu tư theo hình thức BOT; các dự án đầu tư theo hình thức IPP.
Tuy nhiên, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cũng thẳng thắn cho biết, trong 62 dự án có công suất lớn trên 200 MW thì có 15 dự án đạt tiến độ, còn lại 47 dự án chậm tiến độ hoặc chưa xác định được tiến độ so với tiến độ nêu trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
"Hầu như chỉ có EVN là đảm bảo tiến độ còn PVN, TKV chưa đảm bảo, nên nguy cơ thiếu điện hiện hữu những năm 2021 - 2025. Đã có nhiều chỉ đạo, có cơ chế quy trách nhiệm nhưng vẫn chưa có cơ chế, chế tài, gây nên những khó khăn triển khai" - ông Phương Hoàng Kim cho hay.
Trong khi đó, về năng lượng tái tạo, ông Phương Hoàng Kim biết, tổng công suất điện mặt trời theo đề xuất của các nhà đầu tư đã lên đến khoảng 25.000 MW, các dự án điện gió với tổng công suất khoảng 16.500 MW.
Tính đến hết tháng 6, đã có tổng số 89 nhà máy điện mặt trời đưa vào vận hành với tổng công suất gần 4.500 MW. Đây là nguồn điện đã bổ sung kịp thời cho hệ thống điện quốc gia, góp phần đảm bảo cung cấp điện trong 6 tháng đầu năm 2019.
Tuy nhiên, với hiện trạng cơ sở hạ tầng hiện có, trong một số thời gian cao điểm, lưới điện 500-220-110kV thuộc các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Đăk Nông, Đăk Lăk bị quá tải, ảnh hưởng đến việc vận hành hệ thống điện an toàn, ổn định. Đối phó với tình hình này, Bộ Công Thương cũng tính toán sẽ tăng nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc.
Chỉ ra những vướng mắc lớn nhất hiện nay trong phát triển các nguồn năng lượng, ông Phương Hoàng Kim cho rằng, đó là do công tác quy hoạch, thẩm định, bổ sung các công trình điện, gây kéo dài trong triển khai xây dựng. Theo đó, hiện có gần 400 dự án đang vướng mắc trong điều chỉnh bổ sung quy hoạch, trong đó có nhiều dự án đã được báo cáo các cấp, như dự án Tây Bắc, cụm khí Bạc Liêu, Cà Ná, Long Sơn vẫn chưa có phản hồi….
Ngoài ra là các vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng, các chính sách bảo lãnh triển khai dự án. Việc triển khai dự án trong đầu tư xây dựng, các thủ tục còn thiếu thống nhất, chồng chéo, thời gian thẩm tra, thẩm định có nhiều bước, phức tạp và mất nhiều thời gian, đồng thời có các rủi ro trong đảm bảo nhiên liệu phát điện như cấp than, khí...
Giải pháp cho các dự án năng lượng trọng điểm
Trước nguy cơ thiếu điện hiện hữu, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho rằng chúng ta cần có các giải pháp trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Về ngắn hạn, cần phải tiết kiệm điện và sử dụng điện hiệu quả hoặc nhanh chóng thúc đẩy việc mua điện từ Lào và Trung Quốc. Tiếp đến là đẩy nhanh thực hiện dự án năng lượng tái tạo bởi những thời gian thực hiện những dự án này nhanh hơn nhiệt điện.
Về trung hạn, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho rằng, cần đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai. Theo đó, một tháng phải họp báo cáo một lần, 3 tháng thành lập đoàn kiểm tra tới các công trình 1 lần để đẩy nhanh tiến độ của dự án. “Các dự án nào có vướng mắc mà đơn giản, có thể xử lý được sớm thì cần đẩy nhanh hơn”,Thứ trưởng Vượng nói.
Trong khi đó, về dài hạn, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho rằng cần phải thay đổi cách làm tổng sơ đồ điện VIII. Đồng thời phải có cơ chế đặc thù đối với từng dự án điện. “Đặc thù ở đây không phải là đặc lợi. Nhưng những dự án hạ tầng quy mô lớn, phức tạp lại quan trọng thì cần có những đặc thù riêng ”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, với những nguy cơ hiện hữu có cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Trong nguyên nhân chủ quan có những vấn để khó khăn do chồng chéo các quy định, thủ tục nhưng cũng có những vấn đề có thể tháo gỡ.
Vì vậy, Bộ trưởng yêu cầu Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cùng các đơn vị hữu quan của Bộ phải nhanh chóng thúc đẩy tiến độ các dự án, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh tới các đơn vị việc rà soát, thực hiện báo cáo Thủ tướng các vấn đề vượt thẩm quyền nhằm gỡ những vướng mắc khó khăn.
Bộ trưởng cho rằng, đến lúc này cần có biện pháp cụ thể, quyết liệt. Việc đầu tiên là phải đồng nhất trong sự chỉ đạo bởi điện, dầu khí là các vấn đề hạ tầng quan trọng, thiết yếu. “Các hạ tầng khác cũng quan trọng nhưng nếu một ngày thiếu điện, một giờ thiếu điện sẽ ảnh hưởng vô cùng lớn. Cần phải ưu tiên hàng đầu”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đối với các dự án chậm tiến độ, Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị, cơ quan liên quan rà soát lại khuôn khổ pháp lý, báo cáo, xử lý các vướng mắc, phải xem lại các chế tài, quy định pháp luật đối với các chủ đầu tư có dự án chậm tiến độ.
Bộ trưởng yêu cầu “làm rõ vướng ở đâu? Chậm ở đâu? Xem xét đến trách nhiệm của một số lãnh đạo địa phương do thiếu sự chỉ đạo quyết liệt đối với những dự án thuộc Quy hoạch điện VII điều chỉnh, dẫn đến tình trạng phá vỡ kết cấu của Quy hoạch”.
Đối với Quy hoạch điện VIII, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, trong đó, phải đổi mới phương thức thực hiện và cập nhật tình hình thực tế, chú ý cơ cấu nguồn và các vấn đề liên quan đến công nghệ, khung khổ pháp lý trong tương lai.