Chia sẻ tại Ngày hội Trí tuệ Nhân tạo Việt Nam (AI4VN) 2019 được tổ chức hôm 15-16/8, PGS.TS Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Y tế cho biết, để tiếp cận các ứng dụng mới, Bộ rất quan tâm đến việc ứng dựng trí tuệ nhân tạo (AI) trong ngành. Cụ thể, Bộ Y tế đã có các nghiên cứu thành tựu về trí tuệ nhân tạo ứng dụng trên thế giới để từ đó xây dựng Đề án "Ngành y tế Việt Nam chủ động tiếp cận cuộc Cách mạng CN 4.0", trong đó có việc ứng dụng công nghệ thông minh trong phòng, chữa bệnh và quản trị y tế.
Trên cơ sở đó, Bộ đang nghiên cứu đẩy mạnh, chỉ đạo một số đơn vị ứng dụng công nghệ gene trong việc dự báo và phòng chữa bệnh. "Ở Mỹ, thông qua các xét nghiệm máu, xét nghiệm gen để từ đó giải mã gene kết hợp ứng dụng AI có thể giúp dự báo sau bao lâu có nguy cơ bị nhiễm các bệnh ung thư, tiểu đường hay tăng huyết áp", Cục trưởng Cục CNTT (Bộ Y tế) cho biết thêm.
Ông Tường cho rằng, Bộ Y tế đã đề nghị trường Đại học Y Hà Nội và Đại học Y dược TP.HCM xây dựng 2 trung tâm dữ liệu gene cho người Việt Nam. "Chúng tôi rất muốn thông qua gene có thể phòng, dự báo bệnh, nhất là cho những người lớn tuổi, để có thể dự đoán đươc một số bệnh trước từ 5 - 10 năm", ông Tường nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia về công nghệ y tế, việc sử dụng công nghệ AI trong giải mã gene giúp chúng ta tìm ra lời giải về năng lực bản thân, xác định đúng tiềm năng phát triển của trẻ và sàng lọc được các nguy cơ ung thư do di truyền. Công nghệ này được chứng nhận bởi IIIumina - tổ chức giải mã gene số 1 thế giới và có độ chính xác tối thiểu là 99%.
Cũng tại AI4VN 2019, ông Tuấn Cao, CEO Genetica đã giới thiệu ứng dụng vi sinh của công ty mình.Theo ông, giải mã gene là xu hướng đã có tại Mỹ và nhiều nước trên thế giới nhưng còn khá mới ở các nước Đông Nam Á. Cụ thể, ứng dụng giải mã gen của Genetica không chỉ giúp giải trình tự gen mà còn phân tích kết quả mã gene cho người dùng một cách dễ hiểu, dễ ứng dụng. Vị này dự đoán, 2 đến 3 năm nữa, tại các bệnh viện có thể cung cấp bản đồ gene cho người bệnh thay vì phát các mẫu khám, bệnh nhân vẫn có thể hiểu được phương pháp và thuốc chữa.
Công nghệ Genetica phát triển không cần phải lấy máu để phân tích gene. Thay vào đó, nó sẽ dùng một bộ dụng cụ chuyên dụng (Saliva Collection Kit) để thu thập và bảo quản mẫu nước bọt. Công nghệ được phát triển bởi cựu thành viên Google và các chuyên gia hơn 10 năm kinh nghiệm nghiên cứu về gene đến từ các trường đại học nổi tiếng tại Mỹ như Đại học Cornell, Đại học California tại San Francisco và Davis.
Tầm soát ung thư bằng công nghệ gene tiên tiến có mặt trên thế giới từ 16 năm nay. Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực y tế những năm gần đây đã cho ra đời một phương pháp tầm soát ung thư hiệu quả, chất lượng được kiểm chứng khi mang lại kết quả khả quan cho những người mới mắc bệnh và cả những trường hợp có nguy cơ mắc bệnh được phát hiện sớm để có phương án ngăn ngừa và điều trị thích hợp.
Dự án bản đồ gene người là tiền thân khởi phát cho việc ứng dụng giải mã gene vào quá trình tầm soát ung thư với mục đích chính là xác định trình tự của các cặp cơ sở (base pairs) tạo thành phân tử DNA và xác định khoảng 25.000 gene trong bộ gene của con người. Dự án được khởi xướng từ năm 1990 bởi nhà sinh vật học phân tử Hoa Kỳ James D. Watson và đến 2003 bản đồ gene người được hoàn thiện. Đến thời điểm hiện tại, nó đã được ứng dụng hiệu quả trong việc phát hiện ngăn ngừa và điều trị ung thư.