Tuy nhiên tờ Financial Times của Anh cho rằng có 4 lý do khiến Bắc Kinh phải cân nhắc khi sử dụng "vũ khí" này.
Thứ nhất, cần phân tích câu hỏi vì sao trước đây Trung Quốc luôn duy trì sự ổn định của tỷ giá hối đoái? Trung Quốc đã gặp nhiều khó khăn khi cố gắng kiểm soát sự sụp đổ trong mối quan hệ với Mỹ, trong khi vẫn thể hiện mình là một trụ cột thay thế của trật tự toàn cầu và mang lại sự ổn định cho hệ thống quốc tế.
Vì lẽ đó, Trung Quốc có kỷ lục đáng chú ý về việc sử dụng sự ổn định của tỷ giá hối đoái để nâng cao danh tiếng của mình như là lực lượng cho sự ổn định toàn cầu.
Sau cuộc khủng hoảng châu Á năm 1997 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, tỷ giá hối đoái của Trung Quốc ổn định như là một cách thể hiện sự tin cậy và cam kết đối với trật tự đa phương của Trung Quốc.
Nếu bây giờ để đồng NDT hạ giá "không phanh", thì cái giá phải trả đối với nỗ lực của nước này nhằm trở thành người bảo vệ sự ổn định toàn cầu có thể là rất lớn.
Điều này là đúng vì vấn đề thứ hai Trung Quốc phải cân nhắc đó là đồng NDT yếu hơn có hiệu quả trong việc duy trì lợi thế thương mại của Trung Quốc hay không?
Sự đồng hành của đồng NDT với đồng tiền của các quốc gia khác mà Trung Quốc phải cạnh tranh ngày càng tăng. Khi đồng NDT thay đổi so với đồng USD, đồng đô la Đài Loan, đồng won Hàn Quốc, đồng nội tệ Singapore và đồng rupee của Ấn Độ cũng vậy.
Ngoài ra, tác động ngắn hạn của đồng NDT yếu nhiều khả năng sẽ kiềm chế nhập khẩu hơn là mở rộng xuất khẩu và do đó tác dụng của việc hạ giá đồng NDT sẽ giảm đi.
Việc hạ giá đồng NDT không hiệu quả có thể trở nên đặc biệt vô dụng vì rủi ro thứ ba mà Trung Quốc cần xem xét đó là nguy cơ bị Chính quyền Mỹ trả đũa.
Chắc chắn là có nhiều bằng chứng thể hiện điều này. Tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ rằng Trung Quốc là nước "thao túng tiền tệ" vào ngày 5/8 không cho thấy nhiều mối liên quan đến những tiêu chuẩn chính thức mà bộ này sử dụng để xác định thuật ngữ đó.
Bằng việc từ bỏ cách tiếp cận dựa trên các quy định về định nghĩa thao túng tiền tệ, Mỹ đã mở rộng cánh cửa cho sự đối kháng hơn nữa và Bắc Kinh không nên nghi ngờ rằng Washington sẽ bước qua cánh cửa đó nếu muốn.
Rủi ro thứ tư và có thể là gây hại nhất mà Trung Quốc phải cân nhắc đó là đồng NDT yếu hơn có thể gây mất ổn định tài khoản vốn, khiến dòng tiền chảy ra và làm các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc gặp khó khăn.
Thật vậy, đã có bằng chứng cho thấy người dân Trung Quốc cảm thấy ít tin tưởng rằng đồng NDT là một công cụ cất trữ tài sản tin cậy, bởi giờ đây họ không còn cảm giác rằng đồng tiền này được định giá theo đồng đô la Mỹ.
Trong vòng vài năm qua, Trung Quốc đã chứng kiến dòng tiền chảy ra tăng lên rất nhiều, trung bình khoảng 200 tỷ USD/năm, tương đương gần 2% GDP, trong bốn năm vừa qua và khoảng 90 tỷ USD chỉ trong ba tháng đầu năm 2019. Đây là con số lớn đến mức gây lo ngại.
Nguy cơ ở đây là khi đồng NDT càng yếu thì người dân Trung Quốc lại càng nghĩ là nó sẽ tiếp tục yếu hơn và do đó nhu cầu đối với đồng đô la Mỹ tăng lên.
Về nguyên tắc, cách duy nhất để đối phó với rủi ro này là Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, Ngân hàng trung ương Trung Quốc) thực hiện một sự hạ giá lớn và chỉ một lần đối với đồng NDT, đến mức đồng USD trở nên đắt đỏ và không ai muốn mua.
Tuy nhiên, điều này sẽ rất nguy hiểm, đòi hỏi PBoC phải dự báo được trước giá trị "cân bằng" của đồng NDT và đòi hỏi lãnh đạo ngân hàng này phải đặc biệt dũng cảm để có thể khẳng định dự báo đó, bởi vì giá trị cân bằng có thể khác đi trước những thay đổi mạnh mẽ như vậy trong chính sách.