Bước “chạy đà” cho nền kinh tế số của quận Cầu Giấy

Quận Cầu Giấy, với mật độ dân cư đông, người tiêu dùng ngày càng trẻ hóa, chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao, đang trở thành một trung tâm kinh tế mới ở phía Tây Thủ đô.

Để hoàn thành, hoàn thành vượt mức 21 chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, quận Cầu Giấy xác định chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử và kinh tế số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành, tạo tiền đề phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số trong GRDP chiếm hơn 50% (Thành phố Hà Nội phấn đấu đạt 30%).

Bước “chạy đà” cho nền kinh tế số của quận Cầu Giấy

Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Ngô Ngọc Phương cho biết, theo hướng đi này, quận Cầu Giấy đã triển khai nhiều mô hình hay, cách làm mới nhằm đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong mọi mặt của đời sống xã hội như cơ sở kinh doanh thanh toán không dùng tiền mặt; trường học thanh toán không dùng tiền mặt; sử dụng chữ ký số trong xử lý văn bản đi, đến thanh toán không dùng tiền mặt tại Bộ phận một cửa quận và các phường... Gần đây nhất, việc thí điểm các khu chợ không dùng tiền mặt được người dân nhiệt tình hưởng ứng.

Tại chợ Đồng Xa, phường Mai Dịch, từ ngày quận Cầu Giấy triển khai "chợ không dùng tiền mặt", phía trên nhiều quầy hàng đều được treo biển có ghi đầy đủ thông tin về mã QR kèm số tài khoản thanh toán. Đa số người dân đồng tình ủng hộ bởi chỉ cần có điện thoại thông minh, khách hàng có thể trả tiền khi quét mã QR hoặc trả qua ví điện tử... Về phía tiểu thương, không còn phải lo lắng về chuyện tiền giả len lỏi vào chợ, cũng không phải chuẩn bị tiền lẻ để trả lại tiền thừa cho khách. Người đi chợ không cần phải mang theo nhiều tiền mặt, bảo đảm an toàn, vệ sinh...

Qua một thời gian thực hiện, đến nay, các hộ tiểu thương kinh doanh tại chợ Đồng Xa cơ bản đã đăng ký tài khoản thanh toán qua ngân hàng hoặc các nền tảng số, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng tăng, thanh toán bằng tiền mặt ngày càng giảm. Đặc biệt, đã có một số hộ tiểu thương tiên phong sử dụng tem truy xuất nguồn gốc để quản lý sản phẩm mà mình bán ra thị trường. Đây cũng là những người đi đầu trong xu hướng tiêu dùng thông minh, hiện đại tại các chợ truyền thống trên địa bàn quận Cầu Giấy.

Ở cấp cơ sở, Ban quản lý các chợ cũng tích cực ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động quản lý chợ, như xây dựng trang fanpage tại chợ nhằm kịp thời đưa các thông tin về hoạt động của chợ lên diễn đàn công khai, tăng cường kiểm tra và công bố công khai chất lượng thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh để người dân biết và tin tưởng mua sắm hàng hóa...

Cùng với đó, Quận đã và đang huy động đoàn viên, thanh niên, cán bộ phụ nữ - lực lượng tiên phong trong chuyển đổi số làm nòng cốt hỗ trợ, hướng dẫn các tầng lớp nhân dân cài đặt, sử dụng các ứng dụng trên nền tảng số, như VNeID; tạo mã QR; Sổ sức khỏe điện tử; tài khoản Mobile Money; các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt... Thông qua những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả đó, thông điệp “chuyển đổi số” sẽ thấm sâu trong mọi hoạt động, tạo đà phát triển kinh tế số. Mô hình này được kỳ vọng là bước đi chiến lược trên con đường xây dựng, phát triển xã hội số và kinh tế số, góp phần xây dựng quận Cầu Giấy ngày càng văn minh, hiện đại.

Bài viết được hỗ trợ thực hiện bởi Kế hoạch “Hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025” do UBND thành phố Hà Nội ban hành tại Quyết định số 3457/QĐ-UBND ngày 23/9/2022.

Doanh nghiệp có thể tham gia tự đánh giá trực tuyến mức độ sẵn sàng chuyển đổi số tại địa chỉ: https://hotrodoanhnghiep.cds.hanoi.gov.vn/KhaoSatCDS/...MucDoCDS

Nho Phan