Hà Nội dẫn đầu cả nước trong việc triển khai đề án 06
Cụ thể, toàn TP Hà Nội đã thu nhận và được phê duyệt cấp tài khoản định danh mức 1 và mức 2 là 6.369.117 trường hợp (đạt 106,4%), đã kích hoạt 5.584.946 tài khoản định danh mức 1 và mức 2 (đạt 93,3%). Việc xây dựng hệ sinh thái, dữ liệu dùng chung, làm sạch dữ liệu dân cư, các nhóm dữ liệu đảm bảo tiêu chí "đúng, đủ, sạch, sống”.
Để hướng tới mục tiêu sử dụng mã số định danh cá nhân làm mã số thuế để bảo đảm đồng bộ dữ liệu về thuế với CSDL quốc gia về dân cư, Cục Thuế TP Hà Nội đã hoàn thành 99,9% việc triển khai rà soát, chuẩn hóa dữ liệu mã số thuế cá nhân. Trên cơ sở kết quả chuẩn hóa mã số thuế cá nhân theo Đề án 06, Cục Thuế TP Hà Nội đã định danh thông tin được 418 doanh nghiệp sở hữu sàn thương mại điện tử; 668 chủ thể kinh doanh sản phẩm, nội dung số; 54 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lưu trú, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu về định danh các chủ thể kinh doanh thương mại điện tử, doanh thu kê khai, số thuế đã nộp, tài khoản ngân hàng... của trên 366.857 shop, tương ứng 197.848 mã số thuế.
Với các hoạt động nội bộ cơ quan nhà nước, năm 2022, lần đầu tiên, lãnh đạo thành phố đã thực hiện ký số hoàn toàn trên Hệ thống phần mềm dùng chung quản lý văn bản và điều hành; 100% cơ quan nhà nước thành phố đã triển khai ký số văn bản trên hệ thống; hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính 3 cấp được kết nối với Trung ương...
Thành phố đã cơ bản hoàn thành việc thí điểm Hồ sơ sức khỏe điện tử. Thành phố cũng đã tạo được dữ liệu của gần 10 triệu người dân với trên 16,6 triệu lượt khám qua phần mềm hồ sơ sức khỏe thành phố; đồng bộ 3,5 triệu hồ sơ người dân với 48/48 trường thông tin theo quy định của Bộ Y tế lên hệ thống của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, sẵn sàng kết nối hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử VNeID của Bộ Công an. Hà Nội là một trong 2 địa phương đầu tiên cấp phiếu Lý lịch tư pháp trên VNeID...
Ngoài ra, thành phố cũng chỉ đạo các cơ sở y tế, bệnh viện sử dụng thẻ CCCD gắn chip tích hợp BHYT trong khám chữa bệnh. 100% các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố chấp hành nghiêm việc khám chữa bệnh cho người dân bằng CCCD gắn chip thay thế BHYT. Đã có trên 7 triệu người có thẻ BHYT trên địa bàn thành phố được đồng bộ dữ liệu, sử dụng CCCD để đi khám chữa bệnh
iHanoi - thúc đẩy chuyển đổi số cả người dân và chính quyền
Chỉ sau 3 tháng hoạt động, iHanoi đã tiếp nhận hơn 12.000 phản ánh, kiến nghị của người dân. Qua đó, các cơ quan chức năng đã xử lý hơn 9.500 phản ánh (đạt gần 80%). Tỷ lệ người dân đánh giá hài lòng, chấp nhận đối với kết quả giải quyết phản ánh, kiến nghị chiếm 60%. Tính tới hiện tại, iHanoi đã có hơn 1 triệu lượt cài đặt và sử dụng.
Nếu như trước kia, phản ánh của người dân nhiều khi chưa được xử lý hoặc xử lý triệt để thì từ khi có ứng dụng iHanoi các phản ánh được quan tâm và xử lý kịp thời. Thông qua ứng dụng iHanoi, người dân có thể cùng các cơ quan chức năng khác theo dõi, giám sát đến cùng những vấn đề phát sinh tại cơ sở. Đây là ưu thế, mặt tích cực mà chuyển đổi số đã và đang đem lại để góp phần cùng nâng cao hiệu quả quản trị của chính quyền cũng như đời sống của người dân.
Về lộ trình triển khai iHanoi từ nay đến cuối năm 2024, Văn phòng UBND thành phố sẽ tập trung một số tiện ích, ứng dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp, như: Hỗ trợ tìm xe buýt; bản đồ điểm đỗ; chat bot; xây dựng nền tảng thanh toán trực tuyến; tiếp nhận đơn khiếu nại, kiến nghị. Người dân Hà Nội sẽ tiến tới đồng bộ, chuyển sử dụng tài khoản VNeID để “chạm để kết nối” iHanoi trong thời gian tới.
Thúc đẩy thanh toán không tiền mặt
Cuối tháng 9/2023, dưới sự chỉ đạo của thành phố, Sở TT-TT, Sở Công thương phối hợp cùng UBND quận Hoàn Kiếm và các ngân hành triển khai tuyến phố không dùng tiền mặt. Điều này đã tạo hiệu ứng mạnh mẽ sau đó được nhân rộng ra nhiều khu vực, giúp đem lại nhiều giá trị cho người dân, doanh nghiệp.
Thanh toán không tiền mặt cũng lần lượt được triển khai tại các chợ truyền thống. Chính quyền địa phương phối hợp với các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp viễn thông khai trương các mô hình “chợ thông minh 4.0” tại chợ Đồng Xa (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, tháng 7/2024); trước đó là các mô hình chợ 4.0 tại chợ Thái Hà (phường Trung Liệt, quận Đống Đa), chợ Mơ (xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì), chợ Quảng Oai (thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì), chợ Thượng Thanh (quận Long Biên)...
Cũng liên quan đến thanh toán không tiền mặt, đến nay, Hà Nội có 64 điểm đỗ xe thí điểm thanh toán không dùng tiền mặt (quận Hoàn Kiếm có 24 điểm, Nam Từ Liêm 9 điểm, Cầu Giấy 9 điểm, Tây Hồ 8 điểm, Đống Đa 4 điểm, Hai Bà Trưng 4 điểm, Bắc Từ Liêm 4 điểm, Ba Đình 2 điểm), đạt tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt 98% đối với ô tô và 87% với xe máy (số liệu đến tháng 8/2024).
Không chỉ ở lĩnh vực mua bán, thanh toán không tiền mặt còn được triển khai ở nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục …và đều nhận được sự hưởng ứng của người dân. Điều này cho thấy sự quyết liệt của thành phố trong chuyển đổi số giúp đem lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp.
Ngoài ra, để dần thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của người dân, doanh nghiệp, Hà nội là địa phương đầu tiên trong cả nước đã ban hành nghị quyết miễn phí, lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Đây được xem là bước đi quan trọng của Thủ đô trong việc xây dựng một xã hội không tiền mặt.