Cà Mau đầu tư 20.000 tỷ đồng để phát triển ngành tôm đến năm 2030

Cà Mau đề ra mục tiêu cụ thể, đến năm 2025 sẽ nâng giá trị kinh ngạch xuất khẩu đạt 1,4 tỷ USD, năm 2030 khoảng 1,65 tỷ USD; dự kiến, tổng vốn đầu tư cho ngành tôm đến năm 2030 khoảng 20.000 tỷ đồng.

Tỉnh Cà Mau vừa có quyết định số 1026/QĐ-UBND phê duyệt Phương án phát triển ngành tôm tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Với mục tiêu nhằm phát triển ngành tôm Cà Mau trở thành trung tâm lớn nhất của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước với mô hình tổ chức sản xuất phù hợp, công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm tôm Cà Mau. Đồng thời, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái, mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp.

Cà Mau dành 20.000 tỷ đồng để phát triển ngành tôm đến năm 2030.
Cà Mau đề ra mục tiêu đến năm 2030, giá trị kim ngạch xuất khẩu ngành tôm đạt 1,65 tỷ USD. 

Theo phương án trên, Cà Mau dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư cho phát triển tôm đến năm 2030 của tỉnh là khoảng 20.000 tỷ đồng (vốn ngân sách đạt 4.050 tỷ đồng, vốn từ các thành phần kinh tế khác đạt 15.950 tỷ đồng). Trong đó, giai đoạn 2021 – 2025, vốn đầu tư là 11.670 tỷ đồng; giai đoạn 2026 – 2030 là 8.330 tỷ đồng.

Mục tiêu đến năm 2025, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 280.000 ha; diện tích nuôi tôm càng xanh 20.000 ha. Sản xuất tôm giống đảm bảo chất lượng đáp ứng trên 70% nhu cầu nuôi của tỉnh, sản xuất thức ăn trong tỉnh đáp ứng đủ nhu cầu và sản xuất các loại vật tư khác đáp ứng 30% nhu cầu. Tổng sản lượng tôm đạt 280.000 tấn. Giá trị kim ngạch xuất khẩu 1,4 tỷ USD.

Đến năm 2030, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ của Cà Mau ở mức 280.000 ha, diện tích nuôi tôm càng xanh 20.000 ha. Sản xuất tôm giống đảm bảo chất lượng đáp ứng trên 80% nhu cầu nuôi của tỉnh; sản xuất thức ăn đáp ứng đủ nhu cầu và sản xuất các loại vật tư khác đáp ứng 40% nhu cầu.

Tổng sản xuất lượng tôm nuôi đạt 350.000 tấn, trong đó tôm càng xanh đạt 10.000 tấn. Giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 1,65 tỷ USD.

Tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Cà Mau đặt mục tiêu ngành tôm của tỉnh phát triển bền vững, năng suất, chất lượng cao, có thương hiệu uy tín trên thị trường trong, ngoài nước. Sản xuất được kiểm soát chặt chẽ ở tất cả các khâu trong toàn chuỗi, 100% sản phẩm từ tôm nuôi, truy xuất được nguồn gốc xuất xứ. Cơ sở hạ tầng vùng nuôi tôm tập trung được đầu tư đồng bộ, hiện đại.

Ngành tôm tỉnh Cà Mau tiếp tục là ngành sản xuất chính để tạo sản phẩm, giá trị, kim ngạch xuất khẩu trong ngành thủy sản, là trung tâm chế biến tôm của thế giới và trong nước với kim ngạch xuất khẩu trên 6 tỷ USD/năm.

Về phương hướng phát triển, theo phương án của UBND tỉnh, TP Cà Mau sẽ phát triển 4 khu nuôi tôm siêu thâm canh tập trung với diện tích 450 ha; huyện Đầm Dơi phát triển 2 khu với diện tích 181 ha gồm: xã Tắc Vân 60 ha; xã Hòa Tân 170 ha; xã Hòa Thành 120 ha và xã Định Bình 100 ha.

Tại huyện Năm Căn, phát triển tôm nuôi siêu thâm canh tập trung với khoảng 2.000 ha (chủ yếu tại vùng nuôi tôm siêu thâm canh trong Khu Kinh tế Năm Căn). Trong đó, Cà Màu đặt mục tiêu thu hút doanh nghiệp đầu tư thí điểm nuôi tôm siêu thâm canh tập trung theo hình thức hợp tác công tư (PPP).

Tại huyện Ngọc Hiển, giữ nguyên hiện trạng các vùng nuôi tôm siêu thâm canh hiện nay trên địa bàn huyện với diện tích 369 ha. Trong đó, diện tích vùng nuôi tôm siêu thâm canh tập trung của 3 công ty là 120,4 ha.

Theo đó, tập trung phát triển nuôi tôm - rừng có chứng nhận quốc tế tại các huyện Năm Căn và Ngọc Hiển.

Tại huyện Phú Tân, phát triển nuôi tôm siêu thâm canh theo các tuyến sông có điều kiện thuận lợi với diện tích là 2.895 ha. Huyện Trần Văn Thời phát triển nuôi tôm siêu thâm canh tập trung với diện tích 3.199,15 ha tại 02 xã Phong Điền và Khánh Hải.

Phương án cũng nêu rõ, khuyến khích, mời gọi các doanh nghiệp đầu tư các vùng nuôi tôm siêu thâm canh. Đến năm 2030, Cà Mau muốn hình thành 5 vùng nuôi tôm siêu thâm canh do doanh nghiệp đầu tư như vùng nuôi tôm siêu thâm canh Tân Thuận (huyện Đầm Dơi với 141 ha); khu nuôi tôm siêu thâm canh Tân Dân (huyện Đầm Dơi với 40 ha); vùng nuôi tôm siêu thâm canh Khu Kinh tế Năm Căn (huyện Năm Căn với 2.000 ha); vùng nuôi tôm siêu thâm canh Phong Điền (huyện Trần Văn Thời với 400 ha); vùng nuôi tôm siêu thâm canh Khánh Hải (huyện Trần Văn Thời với 299,15 ha).

Cà Mau dành 20.000 tỷ đồng để phát triển ngành tôm đến năm 2030.
Con tôm vẫn luôn là chủ lực của ngành thủy sản nói riêng, nông nghiệp Việt Nam nói chung.

Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện các vùng nuôi tôm siêu thâm canh tập trung, để tận dụng cơ sở hạ tầng đã được đầu tư, người dân được phát triển nuôi tôm siêu thâm canh phân tán ở quy mô trang trại, hộ gia đình có diện tích từ 2- 10 ha. Tuy nhiên, các cơ sở này phải đảm bảo các điều kiện theo quy định.

Tập trung phát triển nhanh, mạnh đối với tôm chân trắng, tôm sú có thị trường tốt, nhân rộng và phát triển mô hình nuôi an toàn sinh học, nuôi 02 giai đoạn để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng và phát triển bền vững. Tổ chức triển khai chuyển đổi các mô hình nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh phân tán, kém hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường sang các mô hình nuôi phù hợp khác.

Chuyển đổi mạnh phương thức nuôi từ quảng canh sang quảng canh cải tiến. Phát triển các vùng nuôi tôm quảng canh cải tiến (chuyên tôm, tôm - lúa, tôm - rừng) hữu cơ, tiêu chuẩn quốc tế có quy mô lớn để tạo ra sản phẩm chất lượng cao.

Tổ chức lại vùng nuôi tôm - rừng phù hợp với điều kiện, quy định của pháp luật về thủy sản, lâm nghiệp. 

Tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết các hộ đơn lẻ thành các tổ, nhóm; từ các tổ, nhóm liên kết thành các Hợp tác xã để đảm bảo quy mô nuôi của mỗi ô, vuông nuôi đạt từ 05-10 ha. Đồng thời, liên kết với các doanh nghiệp để cải tiến kỹ thuật nuôi tôm, đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào nuôi tôm nhằm tăng năng suất tôm nuôi.

Triển khai xây dựng dự án Khu công nghiệp giống thủy sản tập trung; hoàn thiện cơ sở hạ tầng và thu hút nhà đầu tư vào đầu tư sản xuất giống tại Dự án khu sản xuất và kiểm định giống thủy sản tập trung. 

Nâng cao năng lực chế biến, đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại bảo quản, chế biến, quản lý để nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị sản phẩm và các phụ phẩm, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm; đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao tỷ lệ hàng giá trị gia tăng. Công suất chế biến phải đáp ứng được năng lực sản xuất.

Song song đó, địa phương cũng xây dựng khu phức hợp thủy sản là đô thị thủy sản kiểu mẫu, nơi có thể cung cấp nhà ở cho cán bộ, chuyên gia, người lao động làm nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản; khu tái định cư cho người dân cần di dời để xây dựng vùng nuôi tôm siêu thâm canh; trung tâm kiểm định con giống chất lượng cao; trung tâm dịch vụ logistic, sàn giao dịch trong nước và quốc tế về thủy sản.

Hiện nay, tỉnh Cà Mau là địa phương có diện tích nuôi tôm lớn nhất cả nước. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh ước đạt 303.320 ha, trong đó diện tích nuôi tôm đạt 278.365 ha.

Theo thống kê của Hội Thủy sản Việt Nam, nhiều năm nay, con tôm vẫn luôn là chủ lực của ngành thủy sản nói riêng, nông nghiệp Việt Nam nói chung. Hằng năm, ngành tôm mang về cho đất nước từ gần 4 tỷ USD và đóng góp khoảng 45-50% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Hiện tại, Việt Nam là một trong những nước sản xuất tôm lớn nhất thế giới và nằm trong top 4 thế giới về xuất khẩu cùng với các nước Ecuador, Ấn Độ và Indonesia.

Trên địa bàn tỉnh Cà Mau hiện có nhiều doanh nghiệp tôm lớn đang hoạt động như Thủy sản Minh Phú (MPC)… Quý 1/2024, MPC mang về 2.705 tỷ đồng doanh thuần, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt 7,2 tỷ đồng (cùng kỳ ghi nhận -98 tỷ đồng). 

Năm nay, Cà Mau phấn đấu giữ ổn định diện tích nuôi tôm và sản lượng, bên cạnh đó là phát triển loại hình nuôi tôm phù hợp với từng vùng sinh thái để ứng dụng khoa học công nghệ mới và áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận quốc tế. Cụ thể, giữ vững diện tích nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh 6.800ha; diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến 187.000ha.

Thùy Dương