- Chợ Trời: (Angiang) Chợ nhóm ở cửa khẩu biên giới huyện Tịnh Biên (Angiang) và tỉnh TaKeo (Camphuchia). Chợ bán các mặt hàng ngoại nhập như xe gắn máy, hàng may mặc, vải vóc, máy thu băng, thuốc lá... đa số máy móc thuộc hàng “ second -hand” và thuốc lá ngoại 555, Con mèo, Hero..., tràn qua biên giới và lậu thuế. Người đi mua sắm, dùng xe gắn máy để dễ vận chuyển , luồn lách lúc bị Công an phát hiện rượt bắt.
- Chợ Trâu Bò: (Châu Đốc) Dưới chân Núi Sam thuộc xã Vĩnh Tế, thị xã Châu Đốc có nhóm Chợ Trâu Bò. Đa số cư dân quanh vùng Tịnh Biên - Nhà Bàn -Tri Tôn thường qua lại biên giới Campuchia mua trâu bò đem đến đây để bán cho nông dân cần mua về cày cấy. Cũng có loại trâu bò phế canh mua về để hạ thịt bán cho người tiêu dùng và các hàng quán.
- Chợ Chim Ngã Bảy: (Cần Thơ) Từ bảy nhánh sông đổ về, chợ Ngã Bảy, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Cần Thơ trở thành trung tâm tiêu thụ đặc sản. Tại đây, rùa, rắn, chim, chuột, cua đinh... được bày bán ngang dọc theo trục lộ quốc lộ 1, nhiều nhất là mặt hàng chim.
Các lái chim từ tờ mờ sáng rong xuồng đến các xã vùng sâu mua chim trời, bình quân 5.000đ/con mái, 7.000đ/con trống. Cảnh mua bán nhanh gọn không kỳ kèo mặc cả, cột 10 con chim cùng loại vào một xâu, cứ như vậy mà tính tiền. Các lái chim tụ lại ở chợ Vàm Xáng bên bờ Phụng Hiệp. Các chủ vựa chim đổ ra đây thu gom. Thông thường, mỗi xâu chim bán cho chủ vựa, các lái thu lợi nhuận từ 5.000đ đến 10.000đ. Mức lãi rất thoả đáng, nên đã kích thích các thương lái, chịu khó lùng sục tận các vùng sâu để tìm mua các loại chim trời mang về bán kiếm lời. Chợ Phùng Hiệp là nơi cung ứng động vật hoang dã lớn nhất miền Tây Nam Bộ. Tình trạng này cứ kéo dài, các loài chim trời không bao lâu sẽ bị cạn kiệt, các cơ quan thẩm quyền nên có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu việc săn bắt chim trái phép hiện nay.
Chợ Chiếu Định Yên Và Chợ Rơm Tân Hoà: (Đồng Tháp) chợ Chiếu ở đây tồn tại từ nhiều năm qua. Chợ nằm kế bên sông dài ven làng chiếu truyền thống Định Yên. Đặc biệt, không họp ban ngày, chỉ họp về đêm khi không còn mặt trời. Về khuya, chợ càng tất bật. Vì ban ngày, họ lo dệt sản phẩm, đêm đến mang hàng ra chợ bán. Dưới bến sông ghe xuồng nhộn nhịp đến lấy hàng. Độc đáo ở chợ này, người bán hàng thắp đèn dầu leo lét như đèn ma. Do vậy, dân còn gọi là chợ Ma.
Đồng thời, tại xã Tân Hòa, cũng có họp Chợ Rơm Tân Hòa để bán rơm cho dân các nơi mua về sản xuất nấm rơm hoặc cho trâu bò ăn, lúc thiếu cỏ tươi. Thông thường từ 20 giờ đêm, các ghe rơm thu mua từ những cánh đồng Nam Bộ chuyển đến để bán cho thương lái mua về gây meo nấm ủ rơm. Chợ họp từ 20 giờ đến hửng đông sáng ngày hôm sau khoảng 4 giờ chợ mới tan. Việc mua bán tấp nập trên bến dưới thuyền, huyên náo vui nhộn một khúc sông.
ã Chợ Âm Phủ (Cần Thơ):
Chợ chuyên bán các mặt hàng nông sản, cụ thể như: Đậu, khoai, bắp, củ quả từ miệt rẫy vườn Phong Điền, Cần Thơ chở đến. Chợ Âm Phủ họp ở bến tàu đò Ninh Kiều và các con đường quanh khu vực đèn Ba Ngọn. Mỗi đêm Chợ Âm Phủ nhóm họp từ 0 giờ đến khoảng 3 giờ sáng mới tan.
Đúng như tên gọi của nó là Chợ Âm Phủ, độc đáo nhất là cả người họp chợ cũng như người mua kẻ bán rất tôn trọng giờ giấc yên nghỉ của nhân dân chung quanh. Cho dù giữa đêm trường vắng lặng của Thành phố Tây Đô, nhưng sự trao đổi hàng hóa, mặc cả đều sử dụng âm lượng nhẹ nhàng vừa đủ nghe, nên nhân dân khi vào chợ chỉ một ngôn ngữ rì rào, không như ở các chợ lớn thuộc trung tâm thương mại khác, âm thanh hỗn tạp, tranh giành mua bán ồn ào, inh tai nhức óc.
ã Chợ Hoa: (TP.Hồ Chí Minh).
Đất phương Nam hội tụ nhiều Chợ Hoa rất phong phú đa dạng. Nhưng chỉ có Chợ hoa ở đường Nguyễn Huệ TP. Hồ Chí Minh là đông vui và náo nhiệt. Chợ Hoa tại đây rất hấp dẫn với nhiều chủng loại hoa cảnh ở các miền vườn: Sa Đéc - Bến Tre - Cần Thơ, Mỹ Tho, Vĩnh Long... và từ Đà Lạt chuyển đến. Chợ Hoa đường Nguyễn Huệ nổi tiếng với nhiều chủng loại rất đặc sắc mà các nơi khác không có. Từ loại cây cảnh đắt giá cho đến các loại thông thường, tuỳ đối tượng ưa thích chọn lọc cho phù hợp túi tiền, phổ biến nhất tại Chợ Hoa là 2 loại: Hoa Đào và Hoa Mai. Rồi đến Hồng, Cúc, Thược dược... Song song đó, nhiều giỏ phong lan đủ sắc màu trông hoang dã được nhập từ Đà Lạt về. Nhiều loại hoa giản dị mang tính đại trà: Vạn thọ, Huệ, Hướng dương, Mào gà... giá rất bình dân, thích nghi với nhân dân lao động. Chợ Hoa đường Nguyễn Huệ họp liên tục trong ngày từ sáng đến tối mới vãn.
ã Chợ Nổi Gành Hào: (Cà Mau).
Chợ họp đông đảo, ghe xuồng chật ních cả khúc sông dài hàng cây số, chen chúc đậu kề nhau san sát tựa hồ chiếc cầu phao nổi. Khách có thể đi từ ghe này qua ghe kia mà không ai phiền phức, đi cả trăm mét mà khỏi phải lên bờ, xuống nước. ở mỗi đầu chiếc ghe, có cắm cây sào cao dài, treo lơ lửng những mặt hàng có trên ghe, mỗi thứ một ít nhằm biểu trưng cho khách biết hàng mẫu. Có ghe treo dừa khô, trái cây, có ghe treo các loại cá khô, tôm khô, khô mắm và nhiều thực phẩm tươi sống như gà, vịt, heo, cá, cua, ếch... Độc đáo là gà, vịt, cá tươi vẫn được treo như thế. Khách cứ tuỳ tiện có thể bơi xuồng, hoặc xuống từ ghe này chuyển qua ghe khác để mặc cả mua sắm tự do.
ã Chợ Heo Thừa Vú: (Mỹ Quí Cai Lậy – Tiền Giang).
Chợ chuyên bán heo con, diễn ra ban đêm. Thí dụ: heo nái có 13 vú, mà trong đàn heo mới sanh có từ 14 con trở lên, bị coi là heo thừa vú. Vì thiếu vú bú, nên những con heo này hay bị chết. Qua đó, người ta thường bán những con heo này cho người có heo sanh ít, thiếu vú để nuôi. Khoảng gà gáy là bắt đầu có người mang heo đến bán. Cảnh mua bán diễn ra đến lúc rạng sáng là kết thúc, nhường chỗ cho hoạt động khác. Giá bán heo thừa vú ở đây từ 20 đến 60 ngàn đồng/con, tùy theo tiêu chuẩn phân loại. Heo càng lớn ngày tuổi, giá càng giảm, heo mới sanh lông càng mượt càng có giá. Những con heo như vậy, người mua rất chuộng. Heo để qua vài ngày rụng rốn thường bị chê, vì họ khả nghi heo mẹ bệnh chết đem heo con bán.
Ngày nay, phương tiện liên lạc dễ dàng, nhiều người đã mở dịch vụ ra cả ngoại tỉnh, tới các vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh để thu mua heo con thừa vú qua điện thoại để liên hệ trước. Chợ heo thừa vú có ít nhất từ hơn 100 năm nay. Nhiều chủ vựa heo thừa vú, có người làm nghề này, nay trên 80 tuổi.
ã Chợ Nổi Trái Cây Cái Bè: (Tiền Giang).
Chợ nổi trái cây Cái Bè hoạt động mua bán thường xuyên suốt ngày đêm. Đây là điểm giao lưu cây trái từ các cù lao Sông Tiền, điển hình như Tân Phong, Ngũ Hiệp... Rồi từ Vĩnh Long, Cái Mơn, Chợ Lách... các nhà vườn chuyên chở đến chợ nổi ngày càng nhiều. Mọi thổ sản từ miệt vườn chuyển về chợ nổi ngày càng nhiều. Mọi thổ sản từ miệt vườn chuyển về chợ nổi Cái Bè bán cho thương lái vận chuyển bằng ôtô đi khắp nơi, sang cả Trung Quốc hoặc theo các ghe hàng, toả xuống các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cần Thơ, An Giang... Đồng thời, các ghe thường trao đổi hàng hai chiều, các mặt hàng nông sản mà tại đây không có để đổi hàngtại chỗ. Gần đây, cùng với sự phát triển chung của các Chợ nổi trên sông nước Nam bộ, các quán ăn uống lưu động trên sông cũng được mở rộng, phục vụ tận nơi, nào là mì, hủ tiếu, cơm tấm, cà phê, bia bọt... với những đĩa mồi “ bén” thu hút các tay “ nhậu” trên ghe chờ hết hàng nhổ sào cho kịp con nước.
Những cảnh chợ ở Đồng Bằng Sông Cửu Long rất đa dạng, từ chợ “ chồm hổm” đến những trung tâm thương mại hiện đại ngày càng nhiều, xóa dần hình ảnh xưa cũ, nhưng vẫn tồn tại những chợ mà nếp sinh hoạt khả dĩ không thể thiếu trong đời sống xã hội dân quê Việt Nam.
Hình ảnh một số chợ miệt vườn ở nông thôn phương Nam, tự thân đã thể hiện phong cách sống phóng khoáng, tài tử của người Nam Bộ, hấp dẫn nhiều khách nước ngoài, đẩy mạnh ngành du lịch các nơi kịp đưa chương trình tham quan các chợ vào khuôn khổ các tour du lịch để thưởng thức các đặc sản. Cho dù thời gian có biến đổi, nhưng không thể xóa được những chợ có quá trình gắn liền với nhiều thế hệ cư dân bằng mọi sinh hoạt thường xuyên, vừa có nguồn thu nhập kinh tế gia đình, vừa có nơi trao đổi hàng hóa, mua sắm, tạo cơ sở vững chắc để phát triển kinh tế - xã hội./.