Các doanh nghiệp không đáp ứng các điều kiện kỹ thuật, hàng hoá có thể bị từ chối nhập khẩu

Những năm gần đây, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam ngày càng phải đối mặt với nhiều rào cản thương mại do các nước dựng lên. Để khắc phục tình trạng này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lươ
PV: Ông có bình luận gì khi có ý kiến cho rằng các rào cản thương mại đang là thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam? 

Ông Lương Hoàng Thái: Rào cản thương mại là bất kì biện pháp hay hành động nào gây cản trở đối với thương mại quốc tế và các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Do khủng hoảng kinh tế, các rào cản thương mại đang được dựng lên khắp nơi trên thế giới, ngày thêm dày đặc và tinh vi, thường là liên quan tới các tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh, môi trường với mục đích cuối cùng nhằm hạn chế nhập khẩu, bảo hộ sản xuất và tiêu dùng nội địa, trong đó hạn chế nhập khẩu hàng hóa không đạt tiêu chuẩn từ các nước xuất khẩu, tăng chi phí kiểm tra và kiểm định hàng hóa cũng như các chi phí lưu kho, bảo quản,... làm giảm tính cạnh tranh của hàng nhập khẩu so với các sản phẩm cùng loại trong nước. Trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), có 2 Hiệp định liên quan đến tiêu chuẩn kỹ thuật, đó là Hiệp định các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT) quy định các quy tắc về xây dựng, chấp nhận và áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn và quy trình đánh giá sự phù hợp và Hiệp định các biện pháp kiểm dịch động, thực vật và vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS) điều chỉnh việc áp dụng các biện pháp kiểm dịch động, thực vật và vệ sinh an toàn thực phẩm. Hai hiệp định này khẳng định sự cần thiết của các biện pháp kỹ thuật, vệ sinh và an toàn thực phẩm nhưng đồng thời đề ra các nguyên tắc kiểm soát sao cho các biện pháp này được các thành viên WTO sử dụng đúng mục đích và không trở thành công cụ bảo hộ (rào cản thương mại trá hình). 

PV: Ông có thể nói cụ thể về những khó khăn, thách thức? 

Ông Lương Hoàng Thái
: Một thực tế là các biện pháp kỹ thuật sẽ luôn luôn tồn tại cùng hoạt động thương mại quốc tế. Đa số các tiêu chuẩn đặt ra ở các thị trường nhập khẩu được áp dụng một cách ổn định, thường xuyên và liên tục (không phải biện pháp bất thường và cũng không mang tính trừng phạt). Hàng hoá nhập khẩu từ tất cả các nguồn đều phải đáp ứng các yêu cầu này. Vì vậy, về nguyên tắc, đối với doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu, không có biện pháp phòng tránh hay đối phó mà chỉ có biện pháp duy nhất là tuân thủ. Việc tuân thủ các biện pháp này đôi khi đòi hỏi những thay đổi quan trọng không chỉ đối với hàng hoá thành phẩm xuất khẩu mà cả quá trình nuôi trồng, khai thác nguồn nguyên liệu đến quy trình chế biến, đóng gói, vận chuyển sản phẩm. Đây là việc khó nhưng phải làm bởi nếu không đáp ứng các điều kiện kỹ thuật, hàng hoá có thể bị từ chối nhập khẩu. Nghiêm trọng hơn, trong một số trường hợp, nếu việc vi phạm xuất hiện quá nhiều và khó kiểm soát, nước nhập khẩu có thể tăng cường các biện pháp kiểm soát hoặc thậm chí cấm nhập khẩu hàng hoá tương tự từ tất cả các doanh nghiệp của nước xuất khẩu liên quan (dù một số doanh nghiệp không vi phạm). 

Mặt khác, trong quá trình hoạt động của mình, nếu doanh nghiệp phát hiện các nước áp dụng những biện pháp trên nhằm mục đích bảo hộ, tạo nên các rào cản thương mại bất hợp lý thì doanh nghiệp có thể cùng các cơ quan Nhà nước có liên quan đấu tranh thông qua cơ chế giải quyết tại WTO để bảo đảm các nước thành viên tuân thủ đúng các cam kết trong hiệp định TBT và SPS. 

PV: Theo ông, đâu là nguyên nhân chính dẫn tới việc ngày càng có nhiều sản phẩm hàng hóa kém chất lượng thâm nhập vào Việt Nam? 

Ông Lương Hoàng Thái: Sau khi gia nhập WTO, Việt Nam đã thực hiện nhiều cam kết mở cửa thị trường, trong đó có cam kết giảm thuế nhập khẩu cho hàng hóa nước ngoài được nhập khẩu vào thị trường Việt Nam. Việc xuất hiện nhiều loại sản phẩm hàng hóa kém chất lượng của nước ngoài thâm nhập vào thị trường Việt Nam có thể do một số nguyên nhân như sau: 

Thứ nhất, do đã là thành viên WTO nên ta không thể chỉ áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng cao với hàng nhập khẩu mà không áp dụng với hàng nội địa, trong khi đó, chất lượng hàng nội địa nói chung còn thấp; Thứ hai, năng lực sản xuất trong nước nhiều ngành của ta còn yếu, chi phí cao nên không đáp ứng đủ nhu cầu trong nước; Thứ ba, thu nhập bình quân đầu người của ta vẫn còn thấp nên người tiêu dùng có xu hướng tìm đến những mặt hàng giá rẻ, mẫu mã, chủng loại đa dạng mặc dù chất lượng có thể không cao; Thứ tư là công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, chống hàng giả của ta đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn chưa thể chưa kiểm soát được sự lưu thông của toàn bộ hàng nhập khẩu kém chất lượng trên thị trường. 

PV: Vậy chúng ta cần làm gì để bảo vệ người tiêu dùng trong nước cũng như lợi ích quốc gia trước hiện tượng này, thưa ông? 

Ông Lương Hoàng Thái: Từ những nguyên nhân như trên, có thể đưa ra một số giải pháp và các hàng rào thương mại để bảo vệ người tiêu dùng và lợi ích quốc gia như sau: 

1. Nâng cao năng lực sản xuất trong nước: muốn cạnh tranh với hàng ngoại, triệt tiêu hàng lậu, trước hết bản thân doanh nghiệp trong nước phải nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã với giá thành cạnh tranh. 

2. Cần tiếp tục hoàn thiện chính sách quản lý nhập khẩu để hạn chế nhập khẩu công nghệ, thiết bị lạc hậu, ô nhiễm môi trường, hàng hóa chất lượng thấp và xây dựng một hệ thống tiêu chuẩn đối với hàng nhập khẩu hoàn chỉnh và hiệu quả (phù hợp các cam kết trong WTO): các biện pháp vệ sinh, an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật, tiêu chuẩn kỹ thuật. Đặc biệt cần lưu ý, việc xây dựng các yêu cầu này phải đáp ứng nguyên tắc Đối xử quốc gia (National Treatment): các tiêu chuẩn vệ sinh, kỹ thuật phải được áp dụng bình đẳng giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước cùng loại. 

3. Cần xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu Việt Nam kèm theo các chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng. 

Tất nhiên những việc này đều đòi hỏi thời gian và sự phối hợp của nhiều cơ quan chứ không phải chỉ là mục tiêu ngắn hạn. 

PV: Xin cảm ơn ông!
  • Tags: