Chiều ngày 24/02/2025, phiên họp lần thứ hai năm 2025 của Nhóm Công tác kỹ thuật số 4 về Hiệu quả Năng lượng được tổ chức tại Hà Nội do Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) và Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) đồng chủ trì, trong khuôn khổ nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam (VEPG).

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững Nguyễn Thị Lâm Giang nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sửa đổi Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nhằm thúc đẩy chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, khuyến khích đầu tư vào công nghệ tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu khí thải. Các nội dung sửa đổi đang được đăng tải lấy ý kiến rộng rãi để chỉnh sửa trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương.
Dự kiến, Luật sửa đổi sẽ được trình Chính phủ vào tháng 02 năm 2025 và Quốc hội thông qua vào tháng 5 năm 2025.


Đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, ông Hoàng Việt Dũng cho biết các nội dung sửa đổi, tập trung vào 04 Nhóm chính sách, bao gồm:
i) Các nội dung về nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;
ii) Nội dung về quản lý, phát triển đối với dịch vụ tư vấn năng lượng, kiểm toán năng lượng, đào tạo nhân lực trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;
iii) Nội dung quy định về chính sách ưu đãi, công cụ hỗ trợ tài chính cho lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;
iv) Nội dung về chuyển đổi thị trường và quản lý hiệu suất phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng.

Tại phiên họp, đại diện UNDP chia sẻ kết quả nghiên cứu của Tổ chuyên trách về hiệu quả năng lượng và đưa ra các góp ý cụ thể đối với các điều khoản sửa đổi Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đại diện Cơ quan Năng lượng Đan Mạch cũng trao đổi về kinh nghiệm thực tế của Đan Mạch, từ đó đưa ra một số đề xuất và tham vấn cho các nội dung sửa đổi được đưa ra.
Phần thảo luận của phiên họp nhận được đóng góp tích cực từ đại diện EU, UNDP, GIZ, các đại sứ quán và các đối tác phát triển quốc tế khác về các lĩnh vực chính sách mà nội dung sửa đổi đề cập và xin ý kiến rộng rãi. Các đại biểu tham dự cũng đánh giá cao việc cơ quan chủ trì chia sẻ thông tin và tiếp thu đóng góp của các đối tác phát triển quốc tế trong quá trình xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Điều này một lần nữa khẳng định sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các bên đồng chủ trì trong công tác tổ chức, điều phối hoạt động của Nhóm công tác kỹ thuật về Hiệu quả năng lượng của VEPG.




Kết thúc phiên họp, các đồng chủ trì đánh giá cao những ý kiến đóng góp từ các đại biểu và nhấn mạnh vai trò quan trọng của những chia sẻ này trong việc hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Luật, góp phần thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phát triển bền vững và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

Hiện, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân về Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Theo Bộ Công Thương, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (Luật số 50/2010/QH12) được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 17/6/2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011. Luật đã tạo dựng hành lang pháp lý, tháo gỡ rào cản, cụ thể hóa các quy định về biện pháp quản lý, kỹ thuật và chính sách thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong toàn bộ hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng dân dụng, chiếu sáng và sinh hoạt của cộng đồng, tạo điều kiện triển khai đồng bộ hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả bền vững của đất nước.
Tuy nhiên, sau 15 năm triển khai thi hành, cần phải rà soát để sửa đổi, bổ sung một số nội dung được quy định tại Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các luật liên quan để kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong thực tiễn hoạt động sử dụng năng lượng trong các ngành công nghiệp sản xuất, chế biến các sản phẩm công nghiệp để ứng phó với các thách thức mới.
Bên cạnh đó, việc huy động các nguồn lực cho chuyển đổi công nghiệp xanh, bền vững, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn năng lượng, tài nguyên tại Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Việt Nam đã cam kết đưa phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Vì vậy, cùng với việc chuyển đổi mạnh mẽ cơ bản nguồn năng lượng hợp lý theo hướng giảm thiểu nguồn năng lượng có nguồn gốc hóa thạch, tăng mạnh nguồn năng lượng tái tạo, Việt Nam cần phải xem xét sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo hướng tăng cường các quy định, chế tài mang tính bắt buộc thay vì khuyến khích thực thi các giải pháp tiết kiệm năng lượng...
Do đó, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là hết sức cần thiết, nhằm tiếp tục quán triệt, thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước giải quyết được các vấn đề của thực tiễn trong nước đặt ra, phù hợp với luật pháp, thông lệ quốc tế, đồng thời tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, loại bỏ vướng mắc, rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, tăng cường các cơ chế khuyến khích, thúc đẩy hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.