Kinh tế toàn cầu và những nhóm dễ bị tổn thương do suy giảm kinh tế

Vài nét về khủng hoảng kinh tế toàn cầu Cuộc khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ Mỹ đã gây ra một chấn động mạnh mẽ đối với nền kinh tế toàn cầu. Chính sự gia tăng liên kết, trao đổi giữa các quốc gia

Đối phó với khủng hoảng, chính phủ, ngân hàng trung ương của các nước cũng như các tổ chức khác đã có những biện pháp can thiệp, giải cứu thị trường, hàng loạt các gói kích thích tăng trưởng kinh tế và hỗ trợ tài chính đã được đưa ra. Cho đến nay, Mỹ đã cam kết chi hơn 1.500 tỷ USD cho hai gói giải cứu và kích thích kinh tế, trong khi đó, Nhật chi trên 750 tỷ USD còn Trung Quốc là 586 tỷ USD, còn các nước khác đều kích cầu tùy thuộc vào khả năng của mình.

Vậy Việt Nam có chịu tác động của cuộc khủng hoảng tài chính này không? Câu trả lời đã được rất nhiều chuyên gia đưa ra và đa số đều có chung nhận định rằng, Việt Nam vẫn nằm ngoài “tâm bão” khủng hoảng tài chính, bởi chúng ta chưa hội nhập sâu rộng vào hệ thống tài chính toàn cầu, nhưng sự suy giảm chung của nền kinh tế thế giới vẫn có những tác động tới nền kinh tế của Việt Nam. Theo các chuyên gia kinh tế nhận định, khủng hoảng tài chính tác động đến nền kinh tế Việt Nam rõ rệt nhất ở hai góc độ là xuất khẩu và đầu tư.

Những nhóm dễ bị tổn thương và vấn đề xã hội

Về xuất khẩu sẽ chịu tác động trên 3 phương diện: Thứ nhất, đơn đặt hàng ít đi do các nước nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam gặp khó khăn về tài chính, đặc biệt là thị trường Mỹ, Nhật và châu Âu. Thứ hai, nhu cầu tiêu dùng giảm, giá cả một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dầu thô, gạo, cao su, cà phê, thủy sản,... giảm. Thứ ba, các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gặp nhiều khó khăn về vốn và đầu ra. Theo báo cáo tình hình kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2009 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản đã giảm 40%, sang EU giảm 16%, sang Hàn Quốc giảm 11%, sang Trung Quốc giảm 9% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu của 8 mặt hàng xuất khẩu chủ yếu (gồm dầu thô, than đá, gạo, cà phê, hạt điều, cao su, chè, hạt tiêu) 6 tháng đầu năm 2009 chỉ đạt 7,7 tỷ USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước. Xét về các nhóm hàng hóa xuất khẩu thì chỉ có kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng nông, lâm sản tăng so với cùng kỳ năm 2008 (tăng 4,5%), trong khi đó kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản giảm 23%, nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp giảm nhiều nhất (giảm 25%). Như vậy, sự thay đổi cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu của 6 tháng đầu năm 2009 so với cùng kỳ năm 2008 thay đổi theo hướng tăng xuất khẩu hàng nông, lâm sản, giảm hàng công nghiệp nặng, khoáng sản và hàng công nghiệp nhẹ, tiểu thủ công nghiệp.

Bên cạnh xuất khẩu hàng hóa, còn một lĩnh vực xuất khẩu nữa cần kể đến đó là xuất khẩu lao động, một trong những biện pháp tạo công ăn việc làm cho người dân nông thôn và góp phần vào xóa đói, giảm nghèo. Nhưng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã khiến cho nhiều nước tận dụng nhân công trong nước, không nhập khẩu lao động nước ngoài, khiến cho xuất khẩu lao động của Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 6 tháng đầu năm 2009 đã có gần 34.000 lao động đi làm ở nước ngoài có thời hạn, mới đạt được 37% so với chỉ tiêu đặt ra. Hầu hết các thị trường nhập khẩu lao động Việt Nam đều chịu ảnh hưởng suy thoái kinh tế của Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc,... Bên cạnh việc xuất khẩu lao động gặp khó khăn, thì có một tình trạng phổ biến đối với lao động xuất khẩu là phải về nước trước thời hạn. Theo nghiên cứu của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn tiến hành tại 4 tỉnh Nam Định, Lạng Sơn, Bình Thuận, An Giang đã cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2009, tỷ lệ lao động xuất khẩu phải về nước trước thời hạn tính chung cho cả 4 tỉnh là 17,2% trong tổng số lao động xuất khẩu tại các địa phương, trong đó tại An Giang có tỷ lệ cao (29,3%).

Về mặt đầu tư có sự giảm sút do suy giảm dòng vốn từ bên ngoài chảy vào. Chẳng hạn như nguồn kiều hối từ Mỹ và các nước khác chịu tác động của cuộc khủng hoảng tài chính sẽ giảm sút do thu nhập của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài suy giảm. Vốn FDI đăng ký và thực hiện sẽ giảm đáng kể khi các nhà đầu tư nước ngoài gặp khó khăn về tài chính và thận trọng hơn khi đưa ra các quyết định đầu tư mới, hoặc tiếp tục giải ngân hay mở rộng các khoản đầu tư đang triển khai. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn đầu tư toàn xã hội 6 tháng đầu năm 2009 theo giá thực tế ước tính đã tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước, nhưng cơ cấu nguồn vốn lại có sự thay đổi đáng kể, cụ thể, vốn khu vực Nhà nước chiếm 43,9% tổng số và giá trị tăng 33,4%; vốn khu vực ngoài Nhà nước chiếm 34,1% và giá trị tăng 37,4%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 22% và giá trị giảm 18,4%. Riêng ở Hà Nội thì số dự án FDI cấp mới bằng 95% và số vốn chỉ bằng 15% so với cùng kỳ năm 2008.

Bên cạnh việc suy giảm nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài, ngày càng nhiều dự án phát triển ở Việt Nam rơi vào tình trạng chậm triển khai thực hiện. Hầu hết các dự án đầu tư nói chung, dự án FDI nói riêng, phần vay nợ thường chiếm một tỷ lệ lớn trong tổng số vốn đầu tư, nên khi kinh tế gặp khó khăn, nhiều hợp đồng vay vốn sẽ không được ký kết hoặc không được giải ngân, khiến nhiều dự án trở thành dự án treo. Ví dụ, ở Hà Nội, theo báo cáo của UBND Thành phố, từ 2003 đến 2008, có 3.401 dự án được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao đất và cho thuê đất, có tới 294 dự án chậm triển khai trong công tác giải phóng mặt bằng, 48 dự án không sử dụng đất trong vòng 12 tháng kể từ khi nhận bàn giao, 39 dự án chậm 24 tháng so với tiến độ được duyệt. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, các doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư khiến cho ngày càng nhiều dự án rơi vào tình trạng “treo”.

Vậy hệ quả của những dự án treo đó là gì? Thậm chí khi các dự án đi vào hoạt động mà cam kết của nhà đầu tư về việc tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương không được thực hiện hoặc thực hiện phần nào đó sẽ tạo ra những hệ quả xã hội như thế nào? Đây là những câu hỏi chưa có lời giải đáp thực sự, nhưng cũng có thể phán đoán được rằng, sự gia tăng của đội quân thất nghiệp, đặc biệt là ở vùng nông thôn sẽ tạo ra áp lực lớn đối với xã hội, là nguồn gốc nảy sinh các tệ nạn xã hội.  

Từ các phân tích và số liệu trên cho thấy, khủng hoảng tài chính toàn cầu đã có tác động đến các ngành sản xuất như công nghiệp, nông và lâm nghiệp và tới lĩnh vực xuất khẩu và đầu tư. Trong đó, chịu ảnh hưởng nhiều nhất là công nghiệp nhẹ/tiểu thủ công nghiệp, rồi đến công nghiệp nặng và khai thác khoáng sản, tiếp theo là một số mặt hàng nông, lâm sản. Do vậy, những đối tượng chịu tác động rõ rệt nhất của khủng hoảng tài chính là công nhân trong các ngành công nghiệp nhẹ, những người làm tiểu thủ công nghiệp, tiếp đến là công nhân ngành công nghiệp nặng và khai thác khoáng sản, lao động xuất khẩu rồi đến nông dân.

Tóm lại, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu, Việt Nam trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế đã không thể tránh khỏi những ảnh hưởng nhất định đối với sự phát triển xã hội. Những đối tượng tiêu biểu chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng này chính là công nhân và nông dân. Tuy nhiên, ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng này không chỉ dừng lại ở hai nhóm đối tượng này, mà sự suy giảm về mặt kinh tế đã có tác động tới mọi nhóm dân cư, song mức độ tác động là khác nhau. Các nhóm dân cư chịu ảnh hưởng nhiều nhất là những nhóm thiếu năng lực ứng phó với những biến động về lao động, việc làm. Chính điều này đã làm nảy sinh các vấn đề xã hội cần quan tâm giải quyết.

  • Tags: