Các mô hình văn hóa doanh nghiệp và bài học từ các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam trong việc lựa chọn mô hình văn hóa

Đề tài Các mô hình văn hóa doanh nghiệp và bài học từ các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam trong việc lựa chọn mô hình văn hóa do ThS. Phan Y Lan (Viện Kinh tế và Quản lý - Đại học Bách Khoa Hà Nội) thực hiện.

TÓM TẮT:

Văn hóa doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của mỗi doanh nghiệp. Một tổ chức khi thiếu đi yếu tố văn hóa sẽ rất khó có thể đứng vững và tồn tại thịnh vượng trong giai đoạn hội nhập như hiện nay. Để đạt được doanh số cũng như các giá trị kỳ vọng, việc xây dựng và lựa chọn mô hình văn hóa phù hợp với các doanh nghiệp ở Việt Nam là điều cần thiết. Bài viết giúp tìm hiểu về vai trò của văn hóa doanh nghiệp và các mô hình văn hóa doanh nghiệp cho các doanh nghiệp công nghệ ở Việt Nam, hướng tới sự phát triển bền vững của tổ chức với bối cảnh hội nhập toàn cầu.

Từ khóa: văn hóa doanh nghiệp, mô hình văn hóa doanh nghiệp, doanh nghiệp công nghệ.

1. Đặt vấn đề

Văn hóa doanh nghiệp là một phần không thể thiếu trong hoạt động của doanh nghiệp và đóng vai trò quan trọng trong việc theo đuổi các mục tiêu chiến lược. Văn hóa doanh nghiệp kết nối các nhân viên của công ty với nhau, cũng như sứ mệnh và mục tiêu chung của công ty một cách hữu hình. Một cuộc khảo sát của Pricewaterhouse Coopers cho thấy 72% người quản lý và nhân viên cho rằng văn hóa mạnh mẽ là một phần thiết yếu để tạo ra những thay đổi thành công trong doanh nghiệp. Trong khi đó, 69% cho rằng, văn hóa giúp các công ty thích ứng trong hoạt động để ứng phó với các thách thức [8]. Thành công của các công ty, tập đoàn hàng đầu tại Việt Nam cũng như trên thế giới cho thấy: văn hóa doanh nghiệp là tài sản lớn của mỗi tổ chức. Do đó hiểu được tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn của văn hóa doanh nghiệp, các mô hình văn hóa doanh nghiệp đã được các công ty/tập đoàn lớn tại Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ áp dụng sẽ là bài học trong xây dựng, duy trì và phát triển văn hóa để gặt hái được những thành công nhất định trong tương lai.

2. Tổng quan về văn hóa doanh nghiệp và các loại mô hình văn hóa doanh nghiệp

Văn hóa doanh nghiệp là gì?

Theo E.Schein [2] - Nhà nghiên cứu xã hội học người Mỹ cho rằng: “Văn hóa doanh nghiệp là tổng thể những thủ pháp và quy tắc giải quyết vấn đề thích ứng bên ngoài và thích ứng bên trong của các nhân viên trong tổ chức. Các quy tắc này đã tỏ ra hiện hữu trong quá khứ và vẫn cấp thiết trong hiện tại”.

Mặt khác, các tác giả của cuốn sách “Changing Culture: New Organizational Approaches” gồm Williams, A., Dobson, P và Walters, M. [3] cho rằng: “Văn hóa doanh nghiệp là những niềm tin, thái độ và giá trị tồn tại phổ biến và tương đối ổn định trong doanh nghiệp”.

Có thể thấy, văn hóa doanh nghiệp được hiểu theo rất nhiều cách diễn giải phong phú, khác nhau nhưng có điểm tương đồng nhất định và hiểu một cách đơn giản, những điểm chung đó tạo ra cách hiểu chung nhất cho văn hóa doanh nghiệp như sau: 

Văn hóa doanh nghiệp (VHDN) là hệ thống các giá trị, nhận thức, hành vi và biểu hiện trong doanh nghiệp, làm nên bản sắc riêng của mỗi doanh nghiệp. VHDN bắt nguồn từ nền tảng ngầm định, thể hiện qua những hành vi, biểu hiện cụ thể và trở thành những thói quen, nghi thức, biểu tượng khác biệt.

Vai trò của văn hóa doanh nghiệp

  • Giúp nâng cao hiệu suất, góp phần tạo ra doanh số và lợi nhuận;
  • Giúp mang đến trải nghiệm khách hàng và nhân viên hoàn hảo;
  • Giúp hạn chế và phòng ngừa các rủi ro từ sự khác biệt (tư duy, tầm nhìn, giá trị theo đuổi, nhu cầu cuộc sống…) trong tổ chức;
  • Giúp xây dựng bộ máy gắn bó, đoàn kết;
  • Giúp định hướng rõ ràng cho nhân viên mới;
  • Góp phần gia tăng thiện cảm của cộng đồng.

Các loại mô hình văn hóa doanh nghiệp

Có nhiều mô hình văn hóa doanh nghiệp khác nhau, mỗi mô hình phản ánh các đặc điểm và cách tiếp cận riêng biệt trong quản trị và giao tiếp nội bộ.

Hai giáo sư Robert Quinn và Kim Cameron [4] của Trường Đại học Michigan đưa ra 4 mô hình văn hóa doanh nghiệp được hình thành theo hai trục “khuynh hướng” chính, hay còn gọi là hai trục định hình văn hóa doanh nghiệp. Hai trục đó lần lượt là trục “linh hoạt - kiểm soát” và trục “hướng nội - hướng ngoại”. Dựa trên lý thuyết về khung giá trị cạnh tranh, so sánh mức độ phân cực của mỗi doanh nghiệp về tính linh hoạt so với sự kiểm soát và mức độ tập trung nội bộ so với bên ngoài, đã chia văn hóa doanh nghiệp thành 4 loại hình cơ bản.

Hình 1: 4 mô hình văn hóa doanh nghiệp

Mô hình văn hóa gia đình (Clan)

Trong mô hình văn hóa gia đình, môi trường làm việc khá thân thiện, người lãnh đạo công ty được xem như người đỡ đầu. Nhân viên trong tổ chức gắn kết với nhau dựa trên hệ giá trị như lòng trung thành, truyền thống của công ty. Doanh nghiệp gia đình cũng chú trọng đến các triết lý giá trị như làm việc theo nhóm, sự đoàn kết, tham gia và đồng thuận chung của mọi cộng sự. Sự hài lòng trong tập thể tạo ra động lực làm việc. Quyền lực chủ yếu được thực thi thông qua khả năng hòa hợp, gắn bó giữa các thành viên, ít sử dụng trừng phạt. Tại công ty gia đình, nhân sự nhiều tuổi, gắn bó lâu dài với công ty thường được cho nhiều quyền hành hơn và họ cũng tuyệt đối trung thành để xứng đáng với vị trí của mình. 

Ưu điểm: tập trung vào việc phát triển mối quan hệ giữa các thành viên trong công ty, tạo ra một môi trường làm việc tích cực, mọi người được đánh giá cao và động viên để đóng góp ý kiến và ý tưởng của mình; nhân sự sẽ có cảm giác  được coi trọng và giá trị, đồng thời cũng được đào tạo và phát triển để đạt được mục tiêu cá nhân và của công ty.

Nhược điểm: kìm hãm sự sáng tạo cá nhân, không tạo được môi trường cạnh tranh để nhân sự phát triển; Việc tiếp thu công nghệ mới bị hạn chế do quyền lực đa số được trao cho người lớn tuổi.

Mô hình văn hóa sáng tạo (Adhocracy Culture)

Văn hóa năng động và sáng tạo, hay còn gọi là "Adhocracy Culture", là một mô hình văn hóa doanh nghiệp đặc biệt, nơi sự đổi mới và sáng tạo không chỉ được khích lệ mà còn được coi là yếu tố sống còn. Doanh nghiệp không ngừng nỗ lực để tạo ra những ý tưởng độc đáo, tiên phong. Môi trường làm việc đặc trưng bởi không gian mở và tính tương tác cao. Sự hợp tác và giao tiếp không giới hạn giữa các bộ phận làm tăng khả năng phát triển ý tưởng và dự án đột phá.

Ưu điểm: linh hoạt và thích ứng nhanh với sự thay đổi, doanh nghiệp có thể nhanh chóng thích ứng với những thay đổi của thị trường và công nghệ; thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới (nhân viên được khuyến khích đưa ra ý tưởng mới và thử nghiệm các cách tiếp cận mới); tạo ra môi trường làm việc năng động và thú vị (nhân viên có thể phát huy tối đa khả năng của mình trong một môi trường làm việc cởi mở và sáng tạo).

Nhược điểm: nhân viên dễ bị áp lực trong môi trường có tính cạnh tranh cao; thiếu ổn định và tập trung vì liên tục đầu tư sáng kiến mới.

Mô hình văn hóa cạnh tranh (Market Culture)

Văn hóa cạnh tranh, hay "Market Culture", là một mô hình văn hóa doanh nghiệp, tại đó, việc đạt được mục tiêu kinh doanh và hiệu suất là ưu tiên hàng đầu. Mô hình này chú trọng vào việc tạo ra kết quả cụ thể, hiệu quả và nhanh chóng, phản ánh một phong cách quản lý đặc biệt hướng đến thành công thị trường. Trong môi trường cạnh tranh, mọi quyết định và hành động đều được đánh giá dựa trên kết quả đạt được. Sự cạnh tranh và khả năng thích ứng nhanh chóng với thị trường là nền tảng của mô hình này.

Ưu điểm: nhân viên có động lực vượt qua các mục tiêu đề ra, từ đó hoàn thành mục tiêu chung của doanh nghiệp; hiệu quả của công ty được cải thiện; nhân viên nhận được phần thưởng tốt theo công sức.

Nhược điểm: môi trường làm việc áp lực; công ty ít quan tâm đến trải nghiệm của nhân viên, dẫn đến thiếu gắn kết.

Mô hình văn hóa thứ bậc (Hierarchy Culture)

Văn hóa thứ bậc, còn được gọi là "Hierarchy Culture", là một mô hình văn hóa doanh nghiệp phản ánh một cấu trúc tổ chức chặt chẽ, nơi quy tắc và thủ tục đóng vai trò trung tâm. Sự rõ ràng trong vai trò và trách nhiệm giúp duy trì trật tự và kiểm soát nhằm hướng đến mục tiêu tối ưu hóa hiệu quả hoạt động và giảm thiểu rủi ro. Nhân viên thường tuân theo một quy trình làm việc cụ thể, với sự giám sát và hướng dẫn từ cấp trên. Điều này tạo ra một môi trường làm việc dựa trên kỷ luật và trật tự, nơi mỗi nhân viên đều biết rõ vị trí và vai trò trong tổ chức.

Ưu điểm: nhân viên cảm thấy an toàn vì không phải liên tục đổi mới, sáng tạo; ưu tiên chính sách và thủ tục tạo sự thống nhất, ổn định, hiệu quả và dự đoán được trong mọi hoạt động

Nhược điểm: môi trường cứng nhắc do ưu tiên thủ tục hơn con người; ít cơ hội cho nhân viên sáng tạo, tự quyết định; tốn thời gian cho nhiều quy trình và phân cấp.

3. Các mô hình văn hóa doanh nghiệp của một số doanh nghiệp công nghệ ở Việt Nam

Văn hóa của Tập đoàn FPT

FPT là Tập đoàn công nghệ lớn nhất tại Việt Nam với sự phát triển mạnh mẽ không ngừng qua từng năm. Tập đoàn FPT, trước đây là Công ty Cổ phần FPT thành lập từ năm 1988. Hiện nay, FPT đã vươn lên dẫn đầu thị trường với 3 lĩnh vực kinh doanh chính bao gồm công nghệ, viễn thông và giáo dục. Đồng thời, văn hóa doanh nghiệp FPT cũng được biết đến là những giá trị văn hóa đáng học hỏi nhất hiện nay. 

Tập đoàn FPT với văn hóa doanh nghiệp được xây dựng theo 3 nguyên tắc vàng được nhiều người quan tâm. Về cơ bản, 3 nguyên tắc này đã giúp cho FPT có được sự thành công nhất định trong quá trình phát triển hiện nay [6].

Sáng tạo không ngừng

FPT đạt được nhiều thành tựu nổi bật như hiện nay nhờ có 5 triết lý nền tảng: “Sâu, Sáng, Tuyệt, Thông, Phong”. Trong đó, “Sâu” là sâu sắc trong suy nghĩ, “Sáng” là sáng suốt trong công tác lãnh đạo, quản lý, “Tuyệt” trong chất lượng tuyệt vời, “Thông” là thông suốt về chọn lọc thông tin, “Phong” là phong phú, đa dạng trong thiết kế sản phẩm. Các thành viên của FPT còn tự hào về một truyền thống độc đáo là STICO - văn hóa sáng tác các bài hát chỉ được lưu truyền nội bộ trong Công ty. STICO sẽ tổ chức nhiều hoạt động tập thể, đội nhóm, câu lạc bộ văn nghệ… nhằm phát huy sức sáng tạo của mỗi thành viên. Các bài hát này đều mang theo giá trị triết lý về quản trị, tinh thần đồng đội hay khát vọng cống hiến tươi đẹp. Hoạt động này thể hiện trọn vẹn sự thấu hiểu của ban lãnh đạo khi tạo cơ hội cho đội ngũ thỏa sức thể hiện bản thân, trình bày ý tưởng mới. Nó cũng giúp nhân viên FPT giải tỏa căng thẳng, giữ được tinh thần làm việc năng suất, tích cực. 

Đề cao tính dân chủ 

Tất cả những ý kiến đóng góp từ nhân viên đều được ban lãnh đạo Công ty tôn trọng. Nếu xuất hiện các ý tưởng xung đột thì văn hóa doanh nghiệp FPT sẽ điều hòa tình hình, cuối cùng tìm ra phương án tối ưu nhất. Mỗi thành viên có quyền phát biểu, bảo vệ chính kiến dựa trên tinh thần đoàn kết. Lãnh đạo Tập đoàn FPT từng khẳng định: “Dù sau này FPT có bị mua bán hay thuộc về tay tập đoàn nước ngoài đi chăng nữa, người FPT vẫn mãi là người FPT”.

Gắn kết bền chặt các thành viên

Văn hóa doanh nghiệp FPT còn được thể hiện qua các sự kiện nội bộ thường niên. Ban lãnh đạo công ty nhận thức rõ sức mạnh và sự đoàn kết cần nuôi dưỡng qua các trò chơi tập thể hay các buổi kickoff. Khi tham gia hoạt động đồng đội, nhân viên được tiếp xúc lẫn nhau, hiểu rõ về đặc điểm của từng bộ phận. Từ đó, doanh nghiệp dễ dàng kết nối các thành viên, nâng cao tinh thần tự hào doanh nghiệp và xây dựng môi trường làm việc văn minh, cởi mở.  

Văn hóa của Tập đoàn Viettel

Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) qua 35 năm phát triển hiện là doanh nghiệp viễn thông, công nghiệp, công nghệ số 1 Việt Nam; là một trong những doanh nghiệp có doanh thu, lợi nhuận, nộp thuế và đóng góp cho ngân sách quốc gia lớn nhất cả nước. Viettel trở nên thành công nhờ sức mạnh của tập thể được xây dựng theo mô hình quân đội. Văn hóa “người lính” với bản lĩnh xông pha, không ngại gian truân, kiên định và tin tưởng đã làm nên sức mạnh và sự khác biệt cho Viettel. Từ những nét đặc trưng đó tạo ra sức mạnh tập thể với tính kỷ luật và thống nhất.

Các giá trị dẫn dắt bao gồm [5]:

Quan tâm:

Mang trong mình trái tim biết quan tâm, thấu hiểu và lòng trắc ẩn, Viettel tôn vinh bản sắc mỗi cá nhân, thúc đẩy gắn kết giữa người với người. Sự quan tâm ấy thể hiện qua việc lắng nghe từng nhu cầu, mong muốn khác biệt, khích lệ mỗi người thể hiện bản thân theo cách riêng.

Sáng tạo:

Con người là động lực giúp Viettel luôn dịch chuyển để tiên phong đón đầu thay đổi của thời cuộc, khai phá tiềm năng trong những thực tại mới. Ở Viettel, sự sáng tạo vượt xa sản phẩm, dịch vụ hữu hình để trở thành dòng chảy cảm hứng bất tận cho những ý tưởng mới lạ và tư duy đột phá với đích đến là con người để góp phần kiến tạo một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Khát khao:

Ngọn lửa Viettel được thổi bùng từ khao khát hướng tới kiến tạo một tương lai vươn tầm. Khát khao cống hiến luôn là nguồn năng lượng dồi dào đưa Viettel bứt phá giới hạn, vượt qua thách thức và chinh phục đỉnh cao. Khát khao đối với mỗi người Viettel còn là động lực để nghĩ lớn, là mục tiêu để vươn xa, giúp thực hiện trọng trách quốc gia và đổi mới theo tư duy toàn cầu.

Văn hóa của Công ty NetNam [7]

Là một trong những đơn vị đầu tiên tìm hiểu và du nhập Internet vào Việt Nam, NetNam đã hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ công nghệ cao (Internet) được 30 năm (1994-2024). Xuất thân từ một phòng nghiên cứu thuộc Viện Công nghệ Thông tin - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, văn hóa doanh nghiệp của NetNam có những yếu tố đặc biệt.

Trong ngành Viễn thông - Internet Việt Nam, NetNam không phải là một doanh nghiệp có quy mô lớn, nhưng là một nhà cung cấp khác biệt và đứng đầu trong một số phân khúc khách hàng đặc biệt, khách hàng có nhu cầu dịch vụ chất lượng cao và chuyên biệt.

Sau 30 năm hình thành, tồn tại và phát triển, để tiếp tục phát triển bền vững, NetNam nhận diện một sứ mệnh: “phụng sự xã hội bằng việc kinh doanh dịch vụ công nghệ cao - tốt lành”.

NetNam đã đề ra văn hóa sáng nghiệp doanh nghiệp (corporate entrepreneurship), điển hình của các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ công nghệ cao và kinh doanh trong các thị trường ngách. Hai nét chính của văn hóa doanh nghiệp NetNam đó là văn hóa lành mạnh và thích nghi.

NetNam xác định con đường phát triển bền vững gồm các yếu tố: (i) Chiến lược khôn ngoan với tiền đề là trách nhiệm xã hội; (ii) Kinh doanh có luân lý và đạo đức; (iii) Dẫn dắt kinh doanh bằng chiến lược và các giá trị cốt lõi; (iv) Nền tảng mọi người cùng thắng.

Trong văn hóa NetNam, sức mạnh Công ty được xác định bằng sức mạnh đội ngũ. Đội ngũ được hiểu là tập hợp có tổ chức, có cấu trúc liên kết của những người làm việc cùng nhau và cùng chia sẻ mục đích.

4. Một số đề xuất để xây dựng được một mô hình văn hóa phù hợp với các doanh nghiệp công nghệ

Một số mục tiêu văn hóa doanh nghiệp nên quan tâm khi xây dựng mô hình doanh nghiệp đó là:

  • Xây dựng nền tảng giá trị và tôn trọng cách làm việc với khách hàng và đối tác;
  • Tạo ra một môi trường làm việc tích cực, cổ vũ thành viên trong tổ chức cố gắng;
  • Khuyến khích sự sáng tạo và thay đổi học hỏi;
  • Tạo ra môi trường công bằng, khen thưởng kịp thời phê bình đúng lúc.

Chúng ta thấy rằng, dù là tập đoàn lớn hay các công ty công nghệ có quy mô vừa và nhỏ, thì đa số mô hình văn hóa theo hướng văn hóa sáng tạo. Trong ngành công nghệ, khả năng đổi mới không chỉ là một lợi thế cạnh tranh mà còn là yếu tố cốt lõi để tồn tại và phát triển. Đây cũng là lý do tại sao mô hình văn hóa sáng tạo được đánh giá là mô hình sẽ được phổ biến rộng trong tương lai gần. Mô hình này khá cơ bản nhưng bao quát gần như toàn bộ các đặc điểm chung về văn hóa tổ chức trong các doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Để phù hợp với văn hóa Việt Nam, các doanh nghiệp có thể áp dụng thêm mô hình văn hóa gia đình nhưng cần phải có kỷ luật tạo một niềm tự hào gắn bó của nhân viên với công ty, thúc đẩy sự sáng tạo và cống hiến của họ.

Vì vậy, để tìm được một mô hình phù hợp, đặc biệt đối với các doanh nghiệp công nghệ, các doanh nghiệp cần [9]:

Xác định giá trị cốt lõi. Nhà quản trị xác định giá trị cốt lõi giúp doanh nghiệp hiểu rõ mục đích và sứ mệnh của mình, từ đó đưa ra được các quyết định về văn hóa doanh nghiệp phù hợp. Các giá trị này phải được phản ánh trong hành động và quyết định của chủ doanh nghiệp và truyền đạt đến cho nhân viên.

So sánh giá trị cốt lõi của doanh nghiệp mình với các loại văn hóa nơi làm việc khác nhau. Khi đã biết giá trị công ty của mình, hãy so sánh những giá trị đó với các loại văn hóa khác nhau ở nơi làm việc.

Cân nhắc những ưu và nhược điểm. Mọi loại hình văn hóa doanh nghiệp đều có ưu và nhược điểm. Trước khi chọn nền văn hóa tốt nhất cho doanh nghiệp của mình, cần cân nhắc những ưu và nhược điểm đó.

Thích ứng với môi trường. Với môi trường biến động như hiện nay, mỗi doanh nghiệp cần có sự thay đổi linh hoạt. Khái niệm linh hoạt ở đây là sự tiếp nhận thông tin và xử lý thông tin một cách nhanh chóng, nếu không doanh nghiệp sẽ không bắt nhịp kịp với tốc độ phát triển của thị trường.

Thu hút nhân viên tham gia vào quy trình: Quá trình lựa chọn mô hình văn hóa doanh nghiệp phù hợp cần phải được thực hiện với sự tham gia của toàn bộ nhân viên. Doanh nghiệp cần phải hướng dẫn nhân viên về mục tiêu và giá trị của văn hóa doanh nghiệp, giúp nhân viên hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc tham gia vào quá trình này.

5. Kết luận

Ở Việt Nam, lựa chọn mô hình văn hóa doanh nghiệp phù hợp là một quá trình quan trọng giúp doanh nghiệp có thể xây dựng và duy trì được một môi trường làm việc tích cực, tạo sự đồng thuận và động lực cho nhân viên. Hãy xem xét các mục tiêu của doanh nghiệp, phong cách làm việc và những thay đổi mà doanh nghiệp đang trải qua để xác định văn hóa phù hợp nhất. Bất kể văn hóa tổ chức nào, việc cung cấp trải nghiệm tích cực và linh hoạt cho nhân viên để thành công trong thị trường lao động ngày nay ngày càng trở nên quan trọng đối với các doanh nghiệp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Duong Thi Liễu (2012), Giáo trình Văn hóa kinh doanh, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế quốc dân.

2. Edgar. H Shein (2010). Organizational Culture and Leadership, Publish by Jossey-Bass.

3.Allan WilliamsPaul DobsonMike Walters (1993). Changing Culture: New Organizational Approaches, Institute of Personnel Management

4. Cameron, K. and R. E. Quinn. (1999). Diagnosing and Changing Organizational Culture, Wiley

5. Tài liệu giới thiệu Viettel (2023), Truy cập tại

https://viettel.com.vn/media/viettel/documents/Viettel_Profile-2023-2.pdf

6. Văn hóa doanh nghiệp FPT - 3 Nguyên tắc xây dựng đáng học hỏi (2023), Truy cập tại

https://businesswiki.codx.vn/van-hoa-doanh-nghiep-fpt/

7. Giới thiệu về công ty NetNam, Truy cập tại

 https://netnam.com/

8.University of Phoenix, How to create a healthy company culture and why it’s important  

https://www.phoenix.edu/professional-development/blog/create-healthy-company-culture/

9.  Deanna Debara (2022), 11 types of organizational culture - and choosing the best one

 https://www.betterup.com/blog/types-of-organizational-culture

Corporate culture models and experiences of technology businesses in Vietnam in choosing cultural models

Master. Phan Y Lan

School of Economics and Management, Hanoi University of Science and Technology

Abstract:

Corporate culture plays a very important role in the development of every business. An organization that lacks cultural elements will find it very difficult to stand firm and prosper in the current integration period. To achieve sales as well as expected values, building and choosing a cultural model suitable for businesses in Vietnam is necessary. This paper presented the role of corporate culture and corporate culture models for technology businesses in Vietnam towards the sustainable development of the organization in the context of global integration.

Keywords: corporate culture, corporate culture model, technology enterprise.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 16 tháng 7 năm 2024]

Tạp chí Công Thương