TÓM TẮT:
Tiếp cận dưới góc độ khoa học công tác tác tư tưởng, trên cơ sở khái quát một số khái niệm cơ bản xoay quanh văn hóa doanh nghiệp và doanh nghiệp nhỏ và vừa, bài viết làm rõ một số vai trò cơ bản của giáo dục văn hóa doanh nghiệp cho người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo đó, giáo dục văn hóa doanh nghiệp góp phần nâng cao nhận thức, hình thành thái độ, thúc đẩy hành vi xây dựng doanh nghiệp phát triển bền vững, giúp doanh nghiệp tạo ra lợi thế cạnh tranh, giúp doanh nghiệp thích ứng với những biến đổi của bối cảnh xã hội và giúp doanh nghiệp tạo ra bản sắc, xây dựng giá trị cốt lõi, phát triển bền vững.
Từ khóa: vai trò, văn hóa doanh nghiệp, người lao động, doanh nghiệp nhỏ và vừa.
1. Đặt vấn đề
Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa hay còn gọi là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), là những doanh nghiệp có quy mô nhỏ về vốn, lao động hoặc doanh thu. Doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể được chia thành 3 loại dựa trên quy mô: doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa. Theo tiêu chí của Nhóm Ngân hàng Thế giới, doanh nghiệp siêu nhỏ là doanh nghiệp có dưới 10 lao động, doanh nghiệp nhỏ có số lao động từ 10 đến dưới 200 người và có vốn từ 20 tỷ đồng trở xuống, trong khi doanh nghiệp vừa có từ 200 đến 300 lao động và vốn từ 20 đến 100 tỷ đồng. Ở mỗi quốc gia, người ta có những tiêu chí riêng để xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nước mình. Ở Việt Nam, theo Điều 3, Nghị định số 56/2009/ND-CP ngày 30/6/2009 của Chính phủ quy định số lao động bình quân hàng năm từ 10 người trở xuống được coi là doanh nghiệp siêu nhỏ, từ 10 đến dưới 200 lao động được coi là doanh nghiệp nhỏ và từ 200 đến 300 lao động được coi là doanh nghiệp vừa. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm 2024 tại Việt Nam, 98% tổng số doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, trong đó 20% là do phụ nữ làm chủ. Lực lượng này có vai trò quan trọng trong tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho người lao động, góp phần tích cực giảm đói nghèo và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Riêng tại thành phố Hà Nội, cùng với sự phát triển chung của cộng đồng doanh nghiệp cả nước, thời gian gần đây, các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Hà Nội cũng không ngừng phát triển. Cụ thể, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới 98% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn, tạo ra khoảng 60% việc làm cho người lao động, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
Văn hóa doanh nghiệp là hệ thống các giá trị được doanh nghiệp tạo ra và tích lũy thông qua quá trình hoạt động kinh doanh có vai trò quan trọng, quyết định phần lớn đến sự phát triển bền vững của một doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp góp phần tạo nên bản sắc riêng cho doanh nghiệp. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập khu vực và quốc tế sâu rộng hiện nay, giáo dục văn hóa doanh nghiệp có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của mỗi doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng.
Trong mỗi doanh nghiệp, người lao động là lực lượng đông đảo nhất. Trình độ của người lao động quyết định phần lớn tới thành công hay thất bại trong triển khai các kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đặc biệt, với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, người lao động là bộ phận quyết định chủ yếu chất lượng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Việc giáo dục văn hóa doanh nghiệp cho người lao động góp phần xây dựng uy tín, hình ảnh, giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp. Do đó, việc giáo dục văn hóa doanh nghiệp cho đội ngũ này đóng vai trò rất quan trọng.
2. Khái niệm cơ bản về văn hóa doanh nghiệp và những yêu cầu về giáo dục văn hóa doanh nghiệp cho người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa
2.1. Về văn hóa doanh nghiệp
Văn hóa doanh nghiệp là một khái niệm được biết đến với những tên gọi khác như văn hóa tổ chức hay văn hóa doanh nghiệp. Là một lĩnh vực mới được nghiên cứu trong những thập kỷ gần đây, các định nghĩa về văn hóa doanh nghiệp vẫn còn rất khác nhau, phản ánh tính mới của vấn đề và thiếu sự thống nhất về cách tiếp cận cũng như phạm vi ảnh hưởng và việc áp dụng khái niệm này ngày càng rộng rãi. Nghiên cứu về văn hóa doanh nghiệp được cho là bắt nguồn từ sự phát triển hơn nữa của nghiên cứu về văn hóa tổ chức. Từ những năm 1980, văn hóa doanh nghiệp đã được nhắc tới trong các nghiên cứu học thuật, các bài viết đăng trên tạp chí hay trong các bài nói chuyện, phát biểu của lãnh đạo, giới chuyên môn tại nhiều quốc gia. Tuy nhiên, thuật ngữ này chỉ bắt đầu được sử dụng một cách rộng rãi từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO): Văn hóa doanh nghiệp là sự kết hợp đặc biệt của các giá trị, tiêu chuẩn, thói quen và truyền thống, thái độ và nghi lễ, tất cả đều có nét độc đáo riêng. Theo Phạm Xuân Nam: “Văn hóa doanh nghiệp là hệ thống các ý nghĩa, giá trị, niềm tin, nhận thức và phương pháp tư duy được mọi thành viên trong một tổ chức nhất trí và có ảnh hưởng sâu sắc đến cách mọi người hành động của mỗi thành viên”, nghĩa là tổng hợp các giá trị và phương pháp.
Từ cách tiếp cận giá trị, nhà nghiên cứu Trần Ngọc Thêm (2008) quan niệm: “Văn hóa doanh nghiệp là hệ thống các giá trị được doanh nghiệp tạo ra và tích lũy thông qua quá trình hoạt động kinh doanh, trong mối quan hệ với môi trường”. Tác giả Đỗ Minh Cường cho rằng văn hóa doanh nghiệp là sự kết hợp giữa các giá trị và các yếu tố văn hóa. Văn hóa doanh nghiệp (Company culture) là một dạng văn hóa tổ chức bao gồm các giá trị và các yếu tố văn hóa doanh nghiệp tạo ra trong quá trình sản xuất, kinh doanh, tạo nên bản sắc của doanh nghiệp, công ty, các loại hình công việc của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến tình cảm, lý trí và hành vi của mỗi thành viên trong doanh nghiệp.
Như vậy, dù cách diễn đạt khác nhau, nhưng khi bàn về văn hóa doanh nghiệp, các tác giả đều có chung quan điểm: văn hóa doanh nghiệp là giá trị văn hóa và là yếu tố then chốt trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Nói cách khác, văn hóa doanh nghiệp là sự sáng tạo của doanh nghiệp, mang lại giá trị, bao gồm cả giá trị vật chất và giá trị tinh thần. Về bản chất, văn hóa doanh nghiệp là hệ giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, được doanh nghiệp tạo dựng và tích lũy trong quá trình kinh doanh và tương tác với môi trường tự nhiên, xã hội.
Văn hóa doanh nghiệp là tất cả giá trị vật chất và tinh thần được kết tinh trong qua trình xây dựng, phát triển của doanh nghiệp, là mục tiêu, động lực phát triển của doanh nghiệp. Điều đó có nghĩa, những đổi mới đó phải trở thành những giá trị, niềm tin, quan niệm, thực tiễn truyền thống ăn sâu vào mọi hoạt động kinh doanh. Văn hóa doanh nghiệp chi phối cảm xúc, suy nghĩ và hành vi của mỗi thành viên doanh nghiệp trong việc theo đuổi và thực hiện các mục tiêu đã đề ra. Trong đó, tinh thần doanh nhân, doanh nghiệp, cũng như hệ thống các quan điểm, phương châm mà doanh nghiệp xác định đồng hành mới là cốt lõi của văn hóa doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp bao hàm cả văn hóa kết nối, liên thông, giúp các chủ doanh nghiệp tạo ra một tổ chức phát triển không ngừng với môi trường làm việc năng động mà tại đó các nhân viên cảm thấy được trân trọng và có thể chứng kiến hiệu quả cao lẫn sự đổi mới ở bất kỳ nơi đâu, đáp ứng với kỳ vọng chúng ta cần một lãnh đạo kiểu mới có thể xây dựng văn hóa kết nối trong tổ chức.
Xuất phát từ các nghiên cứu trên, khái niêm văn hóa doanh nghiệp theo tác giả được định nghĩa như sau: Văn hóa doanh nghiệp là toàn bộ các giá trị hữu hình và vô hình được doanh nghiệp lựa chọn, sáng tạo và sử dụng thể hiện trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, tạo nên nét đặc trưng riêng của doanh nghiệp đó.
2.2. Yêu cầu về giáo dục văn hóa doanh nghiệp cho người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa
Giáo dục văn hóa doanh nghiệp cho người lao động trong doanh nghiệp nhỏ và vừa là sự tác động có kế hoạch và có chủ đích của đơn vị giáo dục đối với người lao động cả về chuyên môn và quản lý nhằm xây dựng, giữ gìn và phát triển văn hóa doanh nghiệp.
Với số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ lệ lớn trên toàn cầu, việc giáo dục văn hóa doanh nghiệp cho nhân viên phải tuân thủ những yêu cầu và nguyên tắc nhất định. Trước hết, giáo dục phải hướng tới việc tạo ra phong cách và bản sắc của doanh nghiệp. Các yếu tố của văn hóa doanh nghiệp như giá trị cốt lõi, quan điểm kinh doanh, chính sách, phong tục, lễ nghi, thói quen, ứng xử giữa cấp trên và cấp dưới, giữa đồng nghiệp, giữa công ty và đối tác, thiết kế văn phòng, logo, đồng phục, phương thức giao tiếp... tạo nên sự độc đáo phong cách của từng doanh nghiệp, phân biệt doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác. Các yếu tố này được định hình thông qua hoạt động của doanh nghiệp, chúng tạo nên hình ảnh và giá trị riêng của doanh nghiệp, chúng tạo nên nét riêng trong phong cách kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó tạo nên bản sắc riêng của doanh nghiệp. Phong cách và bản sắc riêng của doanh nghiệp được bảo tồn và truyền lại, tạo khả năng cho doanh nghiệp phát triển ổn định và bền vững. Với ý nghĩa đó, văn hóa doanh nghiệp còn được coi là “bộ gen” của doanh nghiệp. Ngoài ra, việc giáo dục văn hóa doanh nghiệp cho người lao động trong doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đảm bảo nâng cao hiệu quả quản lý của doanh nghiệp. Hiệu quả quản lý này được lãnh đạo doanh nghiệp hướng tới thông qua việc xác định và thực thi các bộ tiêu chí, tiêu chuẩn về văn hóa và quy tắc ứng xử của doanh nghiệp gồm cả lãnh đạo và nhân viên. Tuy nhiên, những tiêu chí, chuẩn mực đạo đức kinh doanh, quy tắc ứng xử này cũng có ảnh hưởng nhất định đến các quyết định của nhà quản lý, cũng như hình thành phong cách lãnh đạo của họ. Trong môi trường tổ chức, nếu mọi người đều có tinh thần hợp tác, chia sẻ, thì gánh nặng của người quản lý sẽ giảm đi rất nhiều, nhờ đó hiệu quả hoạt động từ quản lý chiến lược, quản lý nhân sự, quản lý các loại chi phí phát sinh sẽ giảm đi rất nhiều. Chất lượng, quản lý sản xuất, quản lý tài chính, tiếp thị... đều được nâng cao đáng kể.
Ngoài ra, việc giáo dục phải được thực hiện đồng thời với công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn áp dụng các tiêu chí, quy tắc ứng xử thông qua các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cho mọi người trong doanh nghiệp, đại diện, đối tác; phải nhất quán, kiên trì trong việc thực hiện và giám sát, tổng kết thực hiện quy tắc ứng xử; phải hỗ trợ cán bộ, nhân viên hiểu và áp dụng các nội dung của quy tắc ứng xử; phân công các vị trí quản lý chịu trách nhiệm thực hiện; thông báo cho mọi thành phần trong doanh nghiệp về nghĩa vụ nghiên cứu và tìm hiểu kỹ các tiêu chuẩn, mục đích ban hành Bộ Quy tắc ứng xử; thiết lập hệ thống giám sát, kiểm tra và báo cáo các hành vi vi phạm các tiêu chuẩn được quy định trong Bộ Quy tắc ứng xử của Công ty.
3. Một số vai trò cơ bản của giáo dục văn hóa doanh nghiệp cho người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần được quan tâm
Thứ nhất, giáo dục văn hóa doanh nghiệp góp phần nâng cao nhận thức, hình thành thái độ, thúc đẩy hành vi xây dựng doanh nghiệp phát triển bền vững, giúp doanh nghiệp tạo ra lợi thế cạnh tranh.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa dù với quy mô như thế nào cũng đều là sự kết hợp của nhiều cá nhân khác nhau tạo thành sức mạnh tổng thể. Giáo dục văn hóa doanh nghiệp ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phối hợp công việc của từng thành viên trong doanh nghiệp, trong sự tương tác giữa các phòng ban trong doanh nghiệp, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến việc xây dựng môi trường, công việc kinh doanh. Chỉ có trên cơ sở nhận thức của người lao động ngày càng cao, văn hóa doanh nghiệp hiện diện trong tâm trí họ ngày càng nhiều mới tạo động lực hình thành thái độ, hành vi ngày càng văn minh, tiến bộ. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, chất lượng nhân sự thể hiện trong văn hóa doanh nghiệp của cả tập thể người lao động sẽ tạo ra lợi thế không nhỏ để giữ vững nhịp độ sản xuất - kinh doanh, từng bước thay đổi các mô hình, tái cấu trúc doanh nghiệp, thích ứng với mọi biến đổi của thời cuộc. Điều này được thể hiện qua tháp nhu cầu của Maslow, theo đó con người có 5 loại nhu cầu chính theo thứ tự từ thấp đến cao, đó là: nhu cầu sinh lý; nhu cầu an toàn; nhu cầu giao tiếp xã hội; nhu cầu được tôn trọng và nhu cầu thể hiện bản thân. Vì vậy, nếu văn hóa doanh nghiệp, thông qua các yếu tố và công cụ cấu thành của nó, tạo ra một môi trường làm việc mà lãnh đạo và nhân viên giao tiếp cởi mở thì mọi người sẽ được tôn trọng và có cơ hội. Cơ hội thể hiện bản thân sẽ góp phần nâng cao sự hài lòng trong công việc của nhân viên. Mục tiêu của văn hóa doanh nghiệp là xây dựng phong cách quản lý hiệu quả, đưa hoạt động kinh doanh vào nền nếp và xây dựng mối quan hệ hợp tác thân thiện giữa các thành viên trong doanh nghiệp, biến doanh nghiệp trở thành một cộng đồng làm việc cùng nhau trên tinh thần hợp tác, tin cậy, gắn bó, hữu nghị và cùng tiến bộ. Trên cơ sở đó, hình thành tâm lý và niềm tin chung vào sự thành công của doanh nghiệp, từng bước định hình, xây dựng, phát triển một nền văn hóa lành mạnh, tiến bộ trong tổ chức. Văn hóa doanh nghiệp một khi được thẩm thấu vào đại đa số thành viên người lao động sẽ góp phần giúp chủ doanh nghiệp giảm tải các quy định, quy chế rườm rà, gây mất thời gian, cản trở sự phát triển doanh nghiệp.
Thứ hai, giáo dục văn hóa doanh nghiệp góp phần giúp doanh nghiệp thích ứng với những biến đổi của bối cảnh xã hội.
Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt hiện nay, giáo dục văn hóa doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc giúp doanh nghiệp thích ứng với thời thế thay đổi, đặc biệt tạo ra sự đổi mới, khuyến khích tinh thần sáng tạo của cán bộ, nhân viên. Đặc biệt, trong môi trường, bối cảnh xã hội có nhiều thay đổi nhanh chóng như hiện nay, văn hóa doanh nghiệp đóng vai trò quyết định tới sự thích nghi nhanh chóng hay ngày càng lạc hậu của doanh nghiệp. Trong xã hội 4.0, AI sẽ thay thế nhiều công đoạn trong một doanh nghiệp, số lượng người lao động trong các khâu, quy trình đơn giản sẽ bị thay thế nhiều. Người lao động là những nhà quản lý cũng cần có nền tảng văn hóa để thay đổi
Ở những doanh nghiệp có môi trường văn hóa doanh nghiệp mạnh mẽ, tính độc lập thực sự sẽ được tạo ra ở mức cao nhất, nghĩa là nhân viên được khuyến khích tính độc lập và không ngừng tìm tòi, đổi mới, sáng tạo. Sự khuyến khích này sẽ góp phần phát huy tính năng động, sáng tạo của các thành viên, làm nền tảng cho quá trình R&D (Nghiên cứu và Phát triển) của công ty. Một môi trường văn hóa doanh nghiệp vững mạnh sẽ kích thích các cá nhân, từ lãnh đạo đến nhân viên phát huy khả năng sáng tạo của mình. Năng lực sáng tạo đó được giải phóng nhờ một không gian làm việc mở, bao gồm không gian thiết kế, bố trí văn phòng, không gian, phương thức giao tiếp, trao đổi công việc cởi mở giữa các thành viên trong doanh nghiệp.
Thứ ba, giáo dục văn hóa doanh nghiệp góp phần giúp doanh nghiệp tạo ra bản sắc, xây dựng giá trị cốt lõi, phát triển bền vững.
Nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp nhỏ và vừa đều thừa nhận điểm chung giữa các doanh nghiệp có bề dày lịch sử và sự thành công trên thương trường hiện nay là đều bán hàng thông qua các câu chuyện văn hóa, mỗi nhân viên, người lao động đều có thể kể chuyện thương hiệu một cách thành thục. Và văn hóa của các doanh nghiệp đó cũng từ những câu chuyện thương hiệu, triết lý dẫn đường giản đơn mà dần được định hình, bồi đắp và phát triển. Bản sắc hay giá trị cốt lõi của doanh nghiệp không phải những ý tưởng cao siêu, trừu tượng, nó chính là những giá trị kết tinh từ thực tiễn thành công nhất của doanh nghiệp qua cách cư xử với các đối tác, khách hàng và nội bộ. Cụ thể hơn, những giá trị cốt lõi, chiến lược phát triển, chuẩn mực đạo đức hay triết lý kinh doanh của doanh nghiệp sẽ được thể hiện thông qua hệ thống các yếu tố cấu thành hoặc công cụ văn hóa doanh nghiệp, như: hệ thống nhận diện thương hiệu (logo, slogan, kiến trúc văn phòng...); các quy định, nội quy về tập quán làm việc và tiếp xúc với khách hàng; những câu chuyện, tập tục, nghi lễ, sự kiện... từ đó hình thành nên môi trường làm việc của doanh nghiệp. Thông thường, những giá trị này có thể dễ dàng được truyền đạt tới nhân viên mới hoặc khách hàng của doanh nghiệp thông qua hệ thống các công cụ văn hóa doanh nghiệp hữu hình.
Văn hóa doanh nghiệp tạo nên bản sắc, đặc trưng và nền tảng sức mạnh tinh thần của doanh nghiệp. Nó không chỉ giúp các thành viên nội bộ doanh nghiệp định hình bản sắc riêng, mà còn giúp khách hàng phân biệt giữa các thương hiệu khác nhau, doanh nghiệp khác nhau. Văn hóa doanh nghiệp được ví như “bộ gen” của một doanh nghiệp. Dù trong bối cảnh cạnh tranh trong hay ngoài nước, vươn tầm khu vực hay quốc tế, giữa ít hay nhiều doanh nghiệp, thì “bộ gen” đó vẫn có những đặc trưng nhận diện riêng. Bản sắc văn hóa không chỉ là “tấm thẻ” nhận biết một doanh nghiệp, mà còn là lối sống, hoạt động chung của doanh nghiệp. Nó tạo ra cách các doanh nghiệp vận hành và kinh doanh. Đó là bầu không khí, cảm xúc, sự giao lưu, mối quan hệ, tinh thần trách nhiệm và tinh thần hợp tác trong thực hiện công việc. Những công ty xuất sắc có hệ thống giá trị và bản sắc văn hóa độc đáo mà không ai có thể bắt chước được.
4. Kết luận
Như vậy, văn hóa doanh nghiệp là yếu tố luôn song hành với sự phát triển của mỗi doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc giáo dục văn hóa doanh nghiệp cho người lao động đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển, hình ảnh thương hiệu của mỗi doanh nghiệp. Nhất là trong thời đại 4.0, quy mô không còn là lợi thế quyết định năng lực cạnh tranh, mà tốc độ đóng vai trò quyết định, để tăng tốc độ cạnh tranh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã thay đổi công nghệ, quản lý, từng bước chăm lo nền tảng văn hóa, tinh thần của mình. Đây là một trong những vấn đề quyết định đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa thời gian gần đây. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, với những thay đổi nhanh chóng của thời đại mới, đặc biệt là yêu cầu nâng cao văn hóa doanh nghiệp trong bối cảnh cách mạng khoa học công nghệ 4.0 đã và đang có những thay đổi sâu sắc, toàn diện tới các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực. Đồng thời, nhiều vấn đề nảy sinh đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đòi hỏi cần phải tăng cường hơn nữa công tác giáo dục văn hóa doanh nghiệp. Làm được điều này, mỗi địa phương sẽ có sự phát triển trong lĩnh vực kinh tế, làm tiền đề mở rộng ra phong trào xây dựng văn hóa kinh doanh văn minh trong cả nước; vừa kế thừa, tiếp nối nét đẹp văn hóa truyền thống, vừa xây dựng văn hóa kinh doanh trong nền kinh tế thị trường hiện đại, mở cửa.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2024), Báo cáo tại Hội thảo công bố "Thúc đẩy tăng trưởng doanh nghiệp thông qua tháo gỡ các rào cản: Sách Trắng về doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ", Hà Nội.
- Đỗ Minh Cường (2001), Văn hóa kinh doanh và triết lý kinh doanh. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
- Đỗ Minh Cương, Phương Kỳ Sơn (1996), Vai trò con người trong quản lý doanh nghiệp, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
- M. Capron, Françoise Quairel-Lanoizelée (2013), Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Dịch giả: Lê Minh Tiến, Phạm Như Hồ), Nxb Tri thức, Hà Nội.
- Nguyễn Thị Minh Châu (2013), "Trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cá thể đối với người lao động: Nghiên cứu trường hợp ở thành phố Hồ Chí Minh", Tạp chí Khoa học Xã hội, (7).
- Nguyễn Thị Kim Chi (2015), Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, Luận án tiến sĩ Triết học, Đại học Quốc gia, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hà Nội.
- Trần Ngọc Thêm (2006): Văn hóa doanh nhân và văn hóa doanh nhân Việt Nam (so sánh với truyền thống Trung Hoa và phương Tây). Tạp chí Văn hóa doanh nhân, số 8 năm 2006, tr. 8-13.
Enhancing the Role of Corporate Culture Education for Employees in Small and Medium Enterprises
PHD. MAC QUOC ANHSecretary of the Party Committee, Vice Chairman, and Secretary-General of the Hanoi Association of Small and Medium Enterprises
Abstract:
From the perspective of ideological work science, and based on an overview of fundamental concepts related to corporate culture and small and medium enterprises (SMEs), this article clarifies several key roles of corporate culture education for employees in SMEs. Corporate culture education contributes to raising awareness, shaping attitudes, and promoting behaviors that build a sustainable development path for enterprises. It helps companies gain a competitive advantage, adapt to changes in the social context, and create a distinct identity, establish core values, and ensure sustainable development.Keywords: role, corporate culture, employees, small and medium enterprises.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 17 tháng 7 năm 2024]