Tại Hội nghị tổng kết sau bão số 3 (Yagi) vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết các tổ chức tín dụng đã rà soát đánh giá thiệt hại của khách hàng vay vốn sau cơn bão Yagi.
Theo đánh giá của các ngân hàng toàn hệ thống, đến ngày 25/9, dư nợ bị ảnh hưởng của bão Yagi tại tất cả tỉnh thành lên tới 165.000 tỷ đồng. Số khách hàng chịu ảnh hưởng là hơn 94.000 cá nhân, tổ chức. Trong đó, Quảng Ninh, tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất, có khoảng hơn 17.500 khách hàng bị ảnh hưởng với tổng dư nợ 46.425 tỷ đồng.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết 32 tổ chức tín dụng trên 26 tỉnh thành phía Bắc đã công bố các gói tín dụng để hỗ trợ khách hàng. Tổng trị giá các gói là 405.000 tỷ đồng, với lãi suất thấp hơn cho vay thông thường 0,5-2%.
Để tăng nguồn tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, Ngân hàng Nhà nước đề nghị UBND các tỉnh thành cùng ngân hàng nắm tình hình, hoàn thiện hồ sơ vay nợ, khoanh nợ cho doanh nghiệp, người dân.
Theo cập nhật mới đây từ Chứng khoán Maybank, Ngân hàng Nhà nước đang chuẩn bị ban hành Thông tư cho phép các ngân hàng địa phương, theo yêu cầu của các khách hàng vay bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão Yagi, được gia hạn thời gian trả nợ đối với số dư nợ gốc và lãi của khoản nợ mà không phải thay đổi phân loại khoản nợ.
Các ngân hàng có trách nhiệm xem xét và quyết định rằng khách hàng vay thực sự gặp khó khăn về dòng tiền, để đáp ứng các khoản thanh toán đến hạn và khách hàng vay có thể ổn định lại và thực hiện thanh toán vào cuối thời hạn tái cơ cấu.
Điều này áp dụng cho các khoản nợ được thực hiện trước ngày 07/9/2024, có khoản thanh toán gốc và/hoặc lãi đến hạn trong khoảng thời gian từ 07/9/2024 đến 31/12/2025.
Các khoản nợ này phải là khoản nợ đang hoạt động (tức là các khoản nợ tiêu chuẩn hoặc quá hạn không quá 10 ngày) theo hợp đồng vay ban đầu.
Các khoản nợ mục tiêu có thể được gia hạn thanh toán nhiều lần, và tối đa là 12 tháng kể từ ngày tái cơ cấu (nhưng không muộn hơn ngày 31/12/2026).
Cũng theo Chứng khoán Maybank hiện một số lo ngại của nhà đầu tư về tác động của bão Yagi đến nợ xấu và biên lãi ròng (NIM) của một số ngân hàng đã “không có cơ sở”
Điển hình, lo ngại của giới đầu tư về việc Ngân hàng Vietcombank (mã cổ phiếu VCB) ước tính tổng dư nợ bị ảnh hưởng bảo bão Yagi lên tới 71.000 tỷ đồng (tương đương 5,2% tổng dư nợ) đã bị “phóng đại” trong bối cảnh tổng dư nợ bị ảnh hưởng của toàn ngành là 165.000 tỷ đồng. Ngay cả Ngân hàng Agribank, ngân hàng có mức độ tiếp xúc lớn nhất với ngành nông nghiệp, cũng chỉ báo cáo có khoảng 21.000 tỷ đồng dư nợ.
Như vậy, con số mà Ngân hàng Vietcombank công bố là “một định nghĩa rộng về các khoản vay bị ảnh hưởng bởi bão Yagi”, Chứng khoán Maybank nhấn mạnh.
Đồng thời, về vấn đề NIM, Ngân hàng Vietcombank đã tính toán (dựa trên số dư nợ/khách hàng được hỗ trợ giảm lãi suất áp dụng cho quý 4/2024), thu nhập lãi thuần của ngân hàng này sẽ chỉ giảm khoảng 100 tỷ đồng, so với mức 14.000 tỷ đồng mà ngân hàng này đang ghi nhận trung qua qua các quý.
Do đó, Chứng khoán Maybank đánh giá tác động của bão Yagi lên NIM của Ngân hàng Vietcombank rất dễ kiểm soát. Đồng thời, cơ sở khách hàng của Ngân hàng Vietcombank nằm trong nhóm có khả năng phục hồi tốt nhất.