Theo cập nhật mới nhất, Công ty Cổ phần PVI (Bảo hiểm PVI, mã cổ phiếu PVI - sàn HNX) cho biết, tính đến chiều ngày 11/9, công ty đã ghi nhận hơn 500 vụ tổn thất về bảo hiểm tài sản, ước tổng mức khiếu nại tổn thất hơn 2.000 tỷ đồng (không bao gồm tổn thất về bảo hiểm xe cơ giới và con người). Con số này cao gấp nhiều lần so với mức ước tính chỉ 320 tỷ đồng được công ty cập nhật sáng ngày 9/9.
Đại diện Bảo hiểm PVI cho biết, đây có thể là mức tổn thất lịch sử không mong muốn của ngành bảo hiểm Việt Nam nói chung và Bảo hiểm PVI nói riêng. Tuy nhiên, Bảo hiểm PVI khẳng định vẫn sẽ đảm bảo quyền lợi tối đa cho khách hàng với thời gian nhanh nhất.
Công ty cũng lưu ý với khách hàng ngay sau khi xảy ra sự cố, thông báo cho công ty bảo hiểm qua điện thoại, email, hoặc các kênh liên lạc chính thức phù hợp các thông tin ban đầu như: Địa điểm xảy ra sự cố, mô tả ngắn gọn về thiệt hại; ảnh chụp hiện trường thiệt hại ban đầu (nếu có).
Giám định viên của Bảo hiểm PVI hoặc đơn vị giám định được chỉ định sẽ tiếp cận hiện trường để trao đổi chia sẻ thông tin, kiểm tra hiện trường đánh giá tổn thất đồng thời kết hợp hướng dẫn khách hàng cung cấp hồ sơ chi tiết.
Theo Bảo hiểm PVI, hiện công ty đang dẫn đầu thị trường, nắm giữ khoảng 15% thị phần trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam. Tháng 8 vừa qua, công ty cũng đã tăng vốn điều lệ từ 3.500 tỷ đồng lên 3.900 tỷ đồng, dẫn đầu trong ngành phi nhân thọ.
Xét về cơ cấu cổ đông, Hdi Global Se (Đức), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), và quỹ ngoại Funderburk Lighthouse Limited đang là 3 cổ đông lớn nhất của Bảo hiểm PVI với tỷ lệ chi phối lần lượt là 41,12%, 35%, và 12,61%.
HDI Global SE là một trong số những nhà bảo hiểm công nghiệp hàng đầu của Đức. Tổ chức đã thiết lập quan hệ hợp tác chiến lược với Bảo hiểm PVI từ tháng 8/2011 với việc mua 25% cổ phần công ty.
Đáng chú ý, kế hoạch thoái vốn tại Bảo hiểm PVI của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã được Chính phủ phê duyệt, dự kiến triển khai trong giai đoạn 2024 - 2025.
Tại Hội nghị Nhà đầu tư diễn ra hồi cuối tháng 5 vừa qua, ban lãnh đạo Bảo hiểm PVI cho biết, mảng bảo hiểm của công ty tiếp tục được xếp hạng A (xuất sắc) với triển vọng ổn định; mảng tái bảo hiểm được Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế AM Best nâng hạng năng lực tín dụng dài hạn tổ chức phát hành mức BBB từ Ổn định lên Tích cực. Ngoài ra, A.M.Best cũng xếp hạng năng lực tài chính của mảng tái bảo hiểm là B++ (Tốt) với triển vọng ổn định.
Xét về kết quả kinh doanh, trong năm 2023, Bảo hiểm PVI ghi nhận lợi nhuận trước thuế của công ty đạt 795 tỷ đồng, tăng 16,9% so với cùng kỳ. Trong đó, lợi nhuận gộp hoạt động kinh doanh bảo hiểm là 830 tỷ đồng, lợi nhuận gộp mảng tài chính là 719 tỷ đồng.