Đối với nhóm hàng thực phẩm, đồ uống, mỹ phẩm: Doanh nghiệp cần quan tâm tìm hiểu Luật về chất lượng và bao bì hàng hóa. Luật bao bì có những quy định chặt chẽ về thành phần sản phẩm, giá trị dinh dưỡng, xuất xứ của hàng hóa... nhằm giúp người tiêu dùng có thể so sánh với những sản phẩm khác để có sự lựa chọn đúng trước khi mua hàng. Trong trường hợp phát hiện bao bì bị lỗi, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) sẽ gửi thông báo tới nhà nhập khẩu để nhà nhập khẩu yêu cầu phía đối tác nước ngoài sửa chữa, nếu chỉnh sửa không đúng thời hạn thì hàng hóa bị trả lại. Trường hợp này, nhà xuất khẩu nước ngoài phải chịu phí vận tải và sẽ bị mất uy tín, có thể dẫn tới mất khách hàng. Từ sau sự kiện 11/9, Mỹ đưa vào áp dụng thêm Luật Chống khủng bố sinh học. Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, đóng gói và lưu trữ các loại thực phẩm và đồ uống của nước ngoài, phải đăng ký với FDA trước khi có ý định xuất khẩu sản phẩm vào Mỹ để tiêu thụ. Các doanh nghiệp phải có cơ sở đại diện của mình tại thị trường Mỹ để giúp FDA dễ liên lạc khi cần. Nhà xuất khẩu nước ngoài phải làm thủ tục "thông báo trước" với FDA, với Hải quan Mỹ và với Cơ quan bảo vệ biên giới Mỹ để họ nắm được những thông tin về số lượng hàng hóa được giao, tên nhà xuất khẩu và nhập khẩu, thời gian giao hàng, cảng đến... để tạo thuận lợi trong khâu kiểm tra. Đối với thực phẩm đóng gói vô trùng, thực phẩm có thời hạn sử dụng dài, thực phẩm có tính axit (gọi là nhóm hàng FCE), nhà xuất khẩu nước ngoài còn phải đăng ký trước về qui trình sản xuất với FDA. Hàng tháng, FDA có thông báo cụ thể những nước nào, những doanh nghiệp nào bị giữ hàng tại cảng đến ở Mỹ, lý do bị giữ, ngày giờ bị giữ.
Đối với nhóm hàng đồ gỗ dành cho trẻ em: Nhà xuất khẩu nước ngoài phải tuân thủ chặt chẽ những quy định của Luật an toàn sản phẩm dành cho người tiêu dùng (CPSA) do Uỷ ban An toàn sản phẩm cho người tiêu dùng Mỹ (CPSC) ban hành. Có những quy định cụ thể như: Giường cũi cho trẻ có quy định về chiều cao của thanh bao quanh, kích cỡ bên trong, có hướng dẫn tháo lắp. Nhà nhập khẩu loại sản phẩm này phải có hồ sơ lưu trữ trong 3 năm, kể từ ngày hàng hóa được sản xuất hoặc ngày hàng hóa được nhập khẩu đi kèm những thông tin liên quan đến việc bán hàng, phân phối, kết quả kiểm tra sản phẩm theo quy định của Luật CPSA. Nhà nhập khẩu phải cho phép nhân viên của CPSC tiếp cận hoặc xác minh các số liệu về sản phẩm khi họ có yêu cầu.
Đối với nhóm đồ nội thất có thành phần là nguyên liệu dệt: Dạng sản phẩm này không bị hạn chế bởi quota dệt may và các quy định của Hiệp định đa sợi (MFA). Tuy nhiên, những sản phẩm nội thất đó phải được dán nhãn theo quy định của Luật Nhận dạng sản phẩm dệt (TFPSA) được giám sát bởi Uỷ ban Thương mại liên bang (FTC). Theo đó, sản phẩm phải được đóng dấu, dán nhãn, ghi mác với những thông tin: tên và tỷ lệ phần trăm trọng lượng của các loại sợi có chiếm hơn 5% trọng lượng của sản phẩm, theo thứ tự từ cao xuống thấp. Các loại sợi có tỷ lệ phần trăm dưới 5% trọng lượng sản phẩm được gọi là "các loại sợi khác", cũng phải ghi ở phía cuối: Tên nhà sản xuất; Tên nước xuất xứ. Một nhãn hiệu bằng chữ đã đăng ký với Cơ quan cấp bằng sáng chế Mỹ có thể được sử dụng thay cho tên nhà sản xuất (nếu chủ sở hữu nhãn hiệu đó cung cấp cho FTC một bản photocopy trước khi sử dụng). Ngoài ra, đồ nội thất có chứa thành phần dệt còn chịu sự quy định của Luật vải dễ cháy (FTA) được CPCS giám sát.
Đối với thiết bị nội thất chiếu sáng: Hải quan Mỹ yêu cầu phải ghi rõ số lượng các loại nguyên liệu cấu thành sản phẩm đó và tỷ lệ phần trăm các loại nguyên liệu đó để phục vụ cho việc phân loại mã thuế. Các thông số này có thể ghi trên hóa đơn khi làm thủ tục Hải quan hoặc ghi riêng và đính kèm trong bộ hồ sơ giao nhận hàng. Mặc dù không có quy định pháp luật bắt buộc về tiêu chuẩn an toàn sản phẩm đối với đồ nội thất chiếu sáng, song hầu như các sản phẩm nội thất chiếu sáng được tiêu thụ tại Mỹ đều tuân theo các tiêu chuẩn tự nguyện của Tổ chức giám định chất lượng sản phẩm Mỹ (UL). Những sản phẩm được UL kiểm nghiệm và dán nhãn "chứng nhận an toàn" thì dễ được người tiêu dùng Mỹ chấp nhận hơn.
Theo quy định của luật pháp Mỹ, trong thời gian 5 ngày, kể từ khi hàng hóa nhập khẩu tới cảng, các chứng từ nhập khẩu phải được trình cho giám đốc cảng, nếu quá thời hạn đó thì phải có giấy phép gia hạn. Các chứng từ nhập khẩu gồm: Bảng kê hàng hóa nhập khẩu và giấy phép đặc biệt đối với hàng hóa chuyển giao nhanh theo mẫu của Hải quan hoặc theo yêu cầu của giám đốc cảng đến. Chứng nhận quyền thực hiện thủ tục nhập khẩu (giấy này do công ty thực hiện vận chuyển hàng hóa đến cảng xác nhận); Hóa đơn thương mại hoặc báo giá; Danh mục đóng gói hàng hóa. Đối với hàng hóa chịu sự giám sát của Hải quan, thì người làm thủ tục nhập khẩu phải trình một bản tóm tắt hàng hóa nhập khẩu và phải ký quỹ một khoản tiền thuế nhập khẩu tạm tính tại cảng đến trong khoảng thời gian 10 ngày kể từ khi hàng hóa về đến cảng. Trường hợp hàng hóa nhập khẩu chưa được làm thủ tục, có thể được lưu giữ tại kho ngoại quan theo thủ tục nhập kho. Trong thời gian hàng hóa bị tạm giữ, nếu hàng hóa được tái xuất thì không phải nộp thuế nhập khẩu. Trong thời gian lưu kho, hàng hóa có thể được sắp xếp, đóng gói lại. Các loại hàng hóa dễ cháy, chất nổ thì không được lưu kho. Hàng hóa bị từ chối nhập khẩu tại cảng đến sẽ được đưa vào kho chung của Hải quan, nhà nhập khẩu phải chịu mọi rủi ro và chi phí đối với hàng hóa đó. Sau 6 tháng lưu tại kho mà không làm thủ tục nhập khẩu thì hàng hóa đó có thể được đem ra bán (đối với hàng hóa dễ hỏng, thời gian đưa ra bán có thể sớm hơn).
Theo quy định của Hải quan Mỹ, hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ không vì mục đích kinh doanh thì không phải nộp thuế, nhưng phải được tái xuất trong vòng 1 năm kể từ ngày nhập khẩu. Thời hạn này có thể gia hạn từng năm nhưng tổng cộng không quá 3 năm. Thông thường, những loại hàng hóa này bao gồm: Hàng nhập khẩu dùng cho mục đích sửa chữa, bảo dưỡng; Hàng phục vụ mục đích thử nghiệm (kể cả bản vẽ, bản phác thảo, ảnh...). Trường hợp hàng hóa bị hỏng trong thời gian thử nghiệm thì phải có bằng chứng rõ ràng; Hàng mẫu để chào hàng; Báo, tạp chí, catalog để giới thiệu, quảng cáo; Hàng nhập khẩu để gia công, chế biến nhưng không để trở thành hàng sản xuất tại Mỹ thì phải tính toán toàn bộ giá thành cho các thành phẩm và khai báo đầy đủ với Hải quan, sau đó thành phẩm phải được xuất khẩu. Ngoài ra, còn có một số hàng hóa thuộc diện bị cấm nhập khẩu hoặc hạn chế nhập khẩu, một số loại hàng hóa nhập khẩu có điều kiện thì phải xin phép các cơ quan chức năng vì mục đích bảo đảm an ninh quốc gia, bảo đảm an toàn vệ sinh cho người sử dụng, bảo tồn cho hệ động thực vật trong nước. Một số loại hàng hóa bị hạn chế nhập khẩu theo quota hoặc theo hiệp định thương mại song phương và đa phương mà Mỹ đã ký kết. Những loại hàng hóa được sao chép, bắt chước nhãn hiệu hàng hóa đã được đăng ký tại Mỹ hoặc tại các nước khác đều không được nhập khẩu. Để bảo đảm thực hiện quy định này, doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ phải nộp một bản sao đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho Hải quan Mỹ và được lưu giữ tại Mỹ. Hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ mang nhãn hiệu giả sẽ bị tịch thu đem bán đấu giá hoặc chuyển cho các tổ chức từ thiện (nhưng luật pháp Mỹ cho phép một số loại hàng hóa tuy mang nhãn hiệu giả nhưng với số lượng nhất định được mang theo người vào Mỹ để sử dụng cá nhân chứ không phải để bán. Những hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ mang nhãn hiệu thương mại gốc thuộc sở hữu của cá nhân hoặc công ty Mỹ, phải được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu hàng hóa đó, nếu không sẽ bị coi là nhập khẩu trái phép (nhưng với điều kiện nhãn hiệu thương mại đó phải được đăng ký với Hải quan Mỹ).
Bộ Y tế Mỹ vừa thông báo, nước này sắp áp dụng Qui chế an toàn sản phẩm đối với mọi loại hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ từ mọi xuất xứ. Lý do mà phía Mỹ đưa ra là các thủ tục nhập khẩu hàng hóa vào Mỹ thời gian qua đã tỏ ra không phù hợp với tình hình thực tế hiện nay cả ở thị trường Mỹ và thị trường thế giới. Tại Hội nghị Bộ trưởng Y tế G.8 hồi đầu năm 2008, Mỹ đã đưa ra vấn đề này và được nhiều nước trên thế giới quan tâm. Lâu nay, hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ đều được kiểm tra chất lượng tại các cửa khẩu của Mỹ nhằm ngăn chặn hàng hóa không đạt chuẩn mực đã quy định. Sắp tới, khi áp dụng Qui chế an toàn sản phẩm thì mọi hàng hóa dự định xuất khẩu vào Mỹ phải được kiểm tra, ngăn chặn ngay tại nước xuất xứ của hàng hóa đó. Các tổ chức độc lập hoặc các công ty tư nhân sẽ được Mỹ uỷ quyền tiến hành kiểm định hàng hóa và cấp giấy chứng nhận sản phẩm an toàn trước khi hàng hóa đó được xuất khẩu vào Mỹ.
Hiện nay, hàng hóa của Việt Nam xuất vào thị trường Mỹ ngày càng nhiều. Nhưng làm thế nào để hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ không gặp trở ngại về vấn đề chất lượng, vệ sinh, an toàn sản phẩm? Trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam tháng 4/2008, Bộ trưởng Y tế Mỹ Mike Leavitt đã thảo luận với các cơ quan chức năng của Việt Nam về vấn đề này, đồng thời cho biết, Mỹ muốn giúp đỡ Việt Nam xây dựng và bảo vệ thương hiệu hàng hóa tại thị trường Mỹ, không để những vụ việc liên quan đến chất lượng hàng hóa và an toàn sản phẩm ảnh hưởng đến uy tín chung của hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ. Theo thống kê của Hải quan Mỹ, những lỗi mà doanh nghiệp Việt Nam thường mắc phải là: Thủy sản bị nhiễm vi sinh vật hoặc dư lượng kháng sinh quá mức cho phép; hàng hóa thuộc nhóm FCE lại không được đăng ký trước; thông tin ghi trên bao bì không đầy đủ, ngôn ngữ sử dụng không đúng... Theo Bộ trưởng Mike, muốn tiếp cận được người tiêu dùng Mỹ thì các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam phải đáp ứng những tiêu chuẩn của thị trường Mỹ, bên cạnh đó, phía Mỹ có xem xét đến các tiêu chuẩn quốc tế chung gắn với điều kiện cụ thể của các nước đang phát triển như Việt Nam.