Bằng sự chủ động về mọi mặt trong công tác ứng phó thiên tai những năm gần đây, các Nhà máy Thuỷ điện của EVNGENCO2 đều hoạt động an toàn, ổn định, đáp ứng tốt sản lượng điện theo huy động của Trung tâm điều độ Hệ thống điện Quốc gia.
Thực tế trong vận hành phát điện, các nhà máy điện Thủy điện luôn chịu một áp lực rất lớn vì vừa phải sản xuất điện năng hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế, đồng thời đảm bảo sản xuất an toàn (cho nhà máy nhất là vùng hạ du); điều tiết nước hợp lý trong mùa khô lẫn mùa mưa bão…
EVNGENCO2 hiện đang quản lý 9 Nhà máy Thủy điện trải dài từ Bắc đến Nam, vì vậy mùa mưa bão cũng là thời điểm căng thẳng, đòi hỏi toàn Tổng công ty phải tập trung cao độ cho công tác phòng chống và ứng phó thiên tai.
Xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu, ngay từ đầu năm, các “Phương án Ứng phó thiên tai năm 2022” đã được EVNGENCO2 chuẩn bị chi tiết, phù hợp với điều kiện của từng đơn vị, chủ động ứng phó với diễn biến thời tiết ngày càng khó lường do ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu.
Diễn tập Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) từ sớm
Để CBCNV nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm xử lý các bất thường trong quá trình vận hành, điều tiết hồ chứa, sẵn sàng ứng phó trong mùa mưa bão, hằng năm các Thủy điện EVNGENCO2 đều tổ chức sớm Diễn tập PCTT&TKCN.
Trong đó, nhiều tình huống giả định được đề ra như: Cửa van không thể thao tác mở do xì dầu và hệ thống thông tin liên lạc tại Đập tràn bị mất hoàn toàn do mưa to và gió mạnh; Sử dụng máy phát điện Diesel dự phòng 2 cung cấp nguồn điện cho Đập tràn khi mất điện và máy phát điện Diesel dự phòng 1 gặp sự cố; Sạt lở cục bộ mái đập thượng lưu bờ trái đập dâng...
Triển khai với tinh thần nghiêm túc, tập trung và kỹ năng thuần thục của lực lượng xung kích, đặc biệt là thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, nhân lực tại chỗ, vật tư phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ)… các buổi diễn tập đều được Ban chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương đánh giá cao.
Song song với đó, trước mùa mưa bão, các đơn vị Thủy điện thuộc EVNGENCO2 đều tiến hành kiểm tra toàn diện, đánh giá tình trạng an toàn hồ đập, kịp thời bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị, công trình liên quan như: cửa lấy nước, đập chính, đập tràn, hành lang thoát lũ; các nguồn điện cung cấp chính và dự phòng; hệ thống chống sét và tiếp địa; xử lý chống thấm, chống dột cho các nhà vận hành; tiến hành cắt tỉa cây xanh; nạo vét, khơi thông dòng chảy các kênh, mương thoát nước; kiểm tra hệ thống cảnh báo khi điều tiết nước và phát điện. Đồng thời mua sắm các vật tư, phương tiện, trang thiết bị dự phòng để kịp thời thay thế khi cần thiết theo phương án PCTT&TKCN đã được phê duyệt…
Đầu tư thiết bị nâng cao phạm vi cảnh báo và tăng cường công tác tuyên truyền
Trong mùa mưa lũ, tính mạng và tài sản của nhân dân luôn được quan tâm và đặt lên hàng đầu. Vì vậy, để hạn chế đến mức tối đa những thiệt hại có thể xảy ra, bảo đảm an toàn cho người dân và các hoạt động có liên quan trên sông suối, các đơn vị Thủy điện lắp đặt ngày càng nhiều hơn những hệ thống cảnh báo tự động từ xa.
Cụ thể Thủy điện Sông Ba Hạ có 21 trạm, Thủy điện An Khê – Ka Nak 09 trạm; Thủy điện Trung Sơn 15 trạm; Thủy điện Sông Bung 13 trạm; Thủy điện A Vương 15 trạm; Thủy điện Thác Mơ 02 trạm; Thủy điện Quảng Trị 06 trạm). Khi các nhà máy vận hành xả nước điều tiết hồ chứa, chạy máy phát điện, nhất là vào thời điểm các đợt mưa lũ phức tạp sẽ được phát thanh rộng rãi tại địa bàn đông dân cư, khu vực sông suối nguy hiểm vùng hạ du.
Bên cạnh đó, các Nhà máy Thủy điện thuộc EVNGENCO2 còn lắp đặt hàng trăm cột mốc cảnh báo, bảng chỉ dẫn ứng phó lũ, bảng thông báo tín hiệu phát điện, bố trí các xe gắn loa phóng thanh thông báo lưu động để bà con trong vùng nắm bắt thông tin nhanh chóng; đồng thời tăng cường Công tác tuyền truyền, hướng dẫn nội dung phòng chống lũ lụt, cảnh báo và thông tin về tình hình mưa lũ để người dân có kế hoạch sản xuất phù hợp, kịp thời di dời tài sản…
Đẩy mạnh phối hợp cùng chính quyền địa phương
EVNGENCO2 cho biết các Thủy điện trực thuộc luôn phối hợp tích cực cùng chính quyền địa phương các cấp, tuân thủ nghiêm nguyên tắc điều tiết nước, thao tác, phương thức vận hành các cửa van, đập tràn, công tác chuẩn bị phòng, chống lụt, bão và chế độ thông tin, báo cáo theo đúng Quy trình vận hành liên hồ và đơn hồ.
Đặc biệt các đơn vị cũng chủ động theo dõi 24/24 diễn biến thực tế của mưa lũ, tổng hợp số liệu về lượng mưa, mực nước, cập nhật tình hình thời tiết, dòng chảy... kịp thời báo cáo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và các cơ quan, đơn vị liên quan phục vụ công tác chỉ đạo điều hành cũng như cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đảm bảo vận hành hồ chứa đúng quy định, an toàn cho tính mạng và tài sản của nhân dân vùng hạ du…