Nắm bán buôn, bán lẻ có ý nghĩa quyết định đối với thương nghiệp quốc doanh có chức năng phục vụ sản xuất và tiêu dùng thời bao cấp. Như một câu nói rất phổ biến trong nhiều thập niên của thế kỷ trước: “thương nghiệp là người nội trợ của xã hội”. Theo sách “Lịch sử Công Thương Việt Nam 1945-2010”, với chức năng này, thương mại được Đảng, Chính phủ giao 5 trọng trách chính.
Thứ nhất, đảm bảo cung cấp và bình ổn vật giá một số mặt hàng thiết yếu cho lực lượng vũ trang, cán bộ và nhân dân. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Bộ Công Thương đã giao cho Sở Mậu dịch bí mật tỏa vào các vùng Pháp chiếm đóng mua thóc gạo. Đến khi tiếp quản Thủ đô, Chính phủ có tới 200 nghìn tấn thóc dự trữ tung ra, đủ sức ứng phó với nạn đầu cơ tích trữ, giữ cho giá gạo không tăng, một thành tích cực kỳ to lớn đối với việc ổn định lòng dân thời hậu chiến.
Ngoài thóc gạo, thương mại phải đảm bảo bình ổn vật giá các mặt hàng thiết yếu gồm vải, sợi, giấy, dầu, thịt, đường, sữa… Qua thời gian, danh sách mặt hàng bình ổn nối dài thêm theo nhu cầu của từng giai đoạn.
Thứ hai, đảm bảo cung cấp tư liệu sản xuất, vật tư đi đôi với tiêu thụ sản phẩm cho các ngành kinh tế.
Thứ ba, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa để kích thích và hướng dẫn các ngành sản xuất theo yêu cầu của nền kinh tế quốc dân và kế hoạch của nhà nước.
Thứ tư, phát triển thương nghiệp quốc doanh để cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công thương nghiệp tư bản tư doanh, đối với thủ công nghiệp và những người buôn bán nhỏ.
Thứ năm, ngoại thương phải độc quyền, do Nhà nước quản lý.
Để thực hiện 5 trọng trách trên, giai đoạn 1955 - 1960 chúng ta có nhiều chính sách phát triển hệ thống thương nghiệp quốc doanh thông qua phát triển mậu dịch quốc doanh, hợp tác xã mua bán, thành lập các tổng công ty xuất nhập khẩu ở trung ương và công ty xuất nhập khẩu ở địa phương: “Xây dựng thương nghiệp quốc doanh và thương nghiệp hợp tác xã. Những việc đó rất quan trọng đối với việc quản lý thị trường, ổn định vật giá, đẩy mạnh sản xuất. Mậu dịch đối ngoại phải do nhà nước quản lý”. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 12 (mở rộng) nêu rõ:
“Mậu dịch quốc doanh và hợp tác xã phải chiếm khoảng 41% tổng số bán lẻ. Phải bình ổn giá những thứ hàng cần thiết cho đời sống nhân dân ở những thị trường chính, lãnh đạo giá các loại hàng cần thiết khác, tránh những sự đột biến về giá cả. Kiên quyết chống đầu cơ, gian lậu. Thực hiện thống nhất thu mua và cung cấp có kế hoạch đối với một số hàng cần thiết mà sản xuất chưa đủ cung cấp cho nhu cầu”.
“Để tǎng cường lực lượng hàng hóa của mậu dịch quốc doanh:
a) Cần tiến hành gấp các biện pháp đẩy mạnh sản xuất tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp trong nước, đồng thời cần vận động và hướng dẫn nhân dân tiết kiệm tiêu dùng đối với những hàng hóa mà hiện nay cung không đủ cầu.
b) Cần tranh thủ nhập khẩu kịp thời hàng tiêu dùng và nguyên liệu, vật liệu cần thiết (đặc biệt chú ý làm nhanh các đơn hàng với Liên Xô, Trung Quốc).
c) Đối với các nông sản, nǎm nay có thể nghiên cứu việc Chính phủ cho thống nhất thu mua một số loại thật cần thiết (như gỗ, chè...). Đối với loại không thống nhất thu mua, phải chú trọng giáo dục nông dân bán nông sản phẩm cho Nhà nước, tǎng cường tổ chức thu mua của mậu dịch và hợp tác xã và các biện pháp sử dụng thương nhân thu mua”.
Trong Báo cáo “Về nhiệm vụ kế hoạch ba năm (1958 - 1960) phát triển và cải tạo kinh tế quốc dân” tại Hội nghị Trung ương 14, tháng 11 năm 1958, đã yêu cầu thương nghiệp “Phải phát triển và củng cố mậu dịch quốc doanh và hợp tác xã mua bán, nhằm đến năm 1960 sẽ nắm hầu hết thị trường bán buôn và hơn một nửa tổng ngạch hàng hóa bán lẻ”.
Với nhiều chính sách phát triển hệ thống thương nghiệp quốc doanh và nắm lực lượng hàng hoá theo những cách thức trên, mậu dịch quốc doanh vào hồi thập niên 60, 70 của thế kỷ trước đã nắm phần lớn tỷ trọng bán buôn và bán lẻ.
Năm 1965, tổng mức bán lẻ hàng hoá 2.434 triệu đồng, thì mậu dịch quốc doanh và hợp tác xã mua bán đạt 2.008 triệu đồng, chiếm 82,4%. Năm 1975, tổng mức bán lẻ hàng hoá 5.358 triệu đồng, thì mậu dịch quốc doanh và hợp tác xã mua bán đạt 3.920 triệu đồng, chiếm 73,1%.