Hàn Quốc – “Cá chép hóa rồng” từ lòng tự tôn dân tộc
Samsung một cái tên đang trở thành “ông lớn” của ngành công nghệ thế giới khi có những sản phẩm, hay ứng dụng đi đầu trong lĩnh vực này. Từ một thương hiệu xuất phát điểm là một cửa hàng tạp hóa, bán cá khô cho tới quyết định lấn sân sang mảng công nghệ phần mềm vào những năm 60 của thế kỷ 20. Chính sự thay đổi này đã đánh dấu một bước ngoặt cho sự phát triển thịnh vượng sau này của Samsung. Samsung từ đó lấn sân sâu vào ngành công nghệ, cùng với sự hỗ trợ của chính phủ Hàn Quốc, tập đoàn này đã trở nên hùng mạnh tại quê nhà vào cuối thập niên 90. Thế nhưng, đỉnh cao nhất bước sang trang vàng chói lọi trong sự phát triển của Samsung phải là những năm tháng thế kỷ 21.
Samsung bắt đầu sản xuất những mẫu điện thoại từ cổ điển màn hình trắng đen, cho tới điện thoại nắp trượt, hay cảm ứng điện trở cạnh tranh với các brand Nokia, Motorola, Siemens thời đầu những năm 2000… Vào năm 2010, Samsung chính thức ra mắt dòng điện thoại Galaxy S, là mẫu Smartphone cảm ứng điện dung đầu tiên cạnh tranh trực tiếp với Iphone của Apple. Chính bước ngoặt đó đã tạo tiền đề để hãng có vị thế như hiện tại, trở thành thương hiệu có lượng tiêu thụ Smartphone lớn nhất hành tinh.
Tuy nhiên, chẳng phải nhờ sản phẩm tốt, chiến lược truyền thông – Marketing bài bản mà Samsung có được ngày hôm nay. Điểm mấu chốt của vấn đề chính là người dân Hàn Quốc đã giúp thương hiệu này vươn ra biển lớn thế giới, trở thành một tượng đài trong ngành công nghệ. Từ những ngày đầu, sản phẩm của Samsung Galaxy chẳng hề “có cửa” để so sánh với Sony, HTC, Apple…
Thế nhưng, chính lòng tự tôn dân tộc của người dân quốc gia này, họ có lòng tự hào khi thương hiệu quốc gia mình có sản phẩm có thể cạnh tranh với các thương hiệu nổi danh khác, họ ủng hộ hết mình: dù có xấu, dù có lỗi họ vẫn một mực mua đồ nội địa và từ đó Samsung có nguồn thu từ chính khách hàng trong nước để chi cho những nghiên cứu phát triển sản phẩm tiếp theo.
Rồi từ đó, các dòng sản phẩm sau của Samsung được ghi nhận có sự cải tiến vượt bậc và đỉnh cao là dòng Samsung Galaxy Note, chiếc điện thoại khai sinh ra thuật ngữ “Phablet” – xu hướng cho tới tận ngày hôm nay. Samsung từ một thương hiệu “thấp cổ bé họng” chẳng có nhiều chỗ đứng trên thị trường Smartphone, nhưng với sự ủng hộ nhiệt thành của người dân, họ trở thành một thương hiệu thành công nhất trên thế giới, tạo ra thế trận cạnh tranh song song với Apple.
Một ví dụ điển hình nữa cho thấy người Hàn Quốc đoàn kết thế nào trong việc đưa nền kinh tế của mình phát triển rực rỡ, đó chính là Kakao Talk. Đây là một ứng dụng mạng xã hội có lượng người dùng phổ biến nhất tại quốc gia này, nếu như Việt Nam thì Facebook đang chiếm thế thượng phong, tuy nhiên tại xứ sở Kim Chi KakaoTalk mới chính là “chị đại” trong thị trường mạng xã hội chứ không phải là những thương hiệu đến từ Mỹ.
Chính bởi niềm tin tuyệt đối với những nhà phát triển trong nước, người dùng đã khiến thị trường nước nhà đúng nghĩa là sân chơi của những thương hiệu nội địa. Độ phổ biến của mạng xã hội KakaoTalk cực lớn, nó không chỉ được ưa chuộng tại quê nhà, mà sức mạnh của chúng đã lan rộng ra cả nhiều nước trong khu vực Châu Á.
Huyndai cũng là một thương hiệu đi lên từ lòng tự tôn dân tộc của người Hàn, khi mà quốc gia này bước vào thời kỳ phát triển, công nghiệp sản xuất được cho là nghèo nàn, Hyundai là thương hiệu dẫn đầu trong ngành sản xuất ô tô bấy giờ. Có lẽ thương hiệu này sẽ chẳng nổi lên và lăn dấu xe của mình tại các quốc gia khác nếu không có sự ủng hộ nhiệt thành của người dân nội địa.
Tập trung vào thị trường nội địa chính là chiến lược của hãng, nhưng nếu vậy thôi là chưa đủ, thực chất sản phẩm mà thương hiệu này tạo ra chưa đủ tầm với những gì mà Honda, Toyota, BMW…, thế nhưng người Hàn vẫn ủng hộ và có thể thấy ngoài đường phố quốc gia này, từ thành thị tới nông thôn không đâu là không thấy thương hiệu đình đám, niềm tự hào của người dân Đông Á.
Việt Nam – Lòng tự tôn dân tộc xuất phát từ yêu nước
Những chiến lược Marketing hiện nay của các thương hiệu nội địa đang được đánh giá tốt dần lên hơn bao giờ hết. Với mục tiêu đánh vào tâm lý của khách hàng, nhất là thế hệ Z, hiện tại nhiều thương hiệu đang tập trung đi đường dài với những người tiêu dùng tương lai này, họ “giáo dục” khách hàng bằng những sản phẩm, chiến lược truyền thông quảng bá đánh vào “lòng tự tôn dân tộc”.
Từ Vinfast, một thương hiệu đến từ nhà giàu “Vingroup” đã ra mắt dòng xe hơi “Made in Vietnam” hoàn toàn dây chuyền cho đến khâu lắp ráp từ những kỹ sư, công nhân Việt. Sự kiện ra mắt xe hơi Vinfast năm 2018 vừa rồi đã gây nức lòng dư luận bởi sự hoành tráng và đánh vào sự tự hào của người dân Việt. Xét về kiểu dáng thì Vinfast không hề kém cạnh những mẫu xe hơi đến từ các anh lớn trên thế giới, thế nhưng sự non trẻ là một hạn chế khiến nhiều người dùng hoài nghi về mức độ hoàn thiện của thương hiệu này.
Tuy nhiên, thông điệp “Vinfast – Mãnh liệt tinh thần Việt Nam” như một “câu thần chú”, thu hút sự chú ý và được rất nhiều người dân Việt Nam ủng hộ. Vì dẫu có non trẻ, nhưng đây cũng là thương hiệu ô tô đầu tiên mà người dân Việt Nam sản xuất ra. Những đơn đặt hàng đầu tiên đã được bàn giao và những đánh giá trải nghiệm của khách hàng ghi nhận đa phần là khá hài lòng.
Gần đây nhất, Mạng xã hội Lotus đã có màn ra mắt vô cùng hoành tráng. Lotus là một mạng xã hội khác biệt hoàn toàn so với Facebook hay Instagram từ tính năng đến giao diện, người Việt luôn muốn một mạng xã hội cho riêng mình, hy vọng với sản phẩm được làm ra cho người Việt, Lotus sẽ nhận được nhiều sự ủng hộ và “kim chỉ nam” hướng về người Việt sẽ tạo nên thành công.