Cần khuyến khích doanh nghiệp nội địa hóa xe phân khối nhỏ

Đó là ý kiến của ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) khi trao đổi với Tạp chí Công Thương bên lề cuộc Hội thảo “Chiến lược phát triển ngành Ô tô Việt Nam giai đ
PV: Theo ông Vinaxuki đứng ở đâu trong ngành công nghiệp phụ trợ - sản xuất ô tô Việt Nam?

Vinaxuki trong mấy năm vừa rồi đã đầu tư thêm gần 100.000 m2 nhà xưởng, 120 hecta đất công nghiệp, xây dựng mua sắm 8 dây chuyền thiết bị CNC tự động hóa từ khâu thiết kế, luyện kim, đúc, sản xuất khuôn mẫu, dập tự động, cắt laser, plasma tự động, sơn tự động bằng robot... Đồng thời, thực hiện 2 đề tài cấp Nhà nước: “Làm chủ công nghệ sản xuất cabin, sat xi xe tải” và “Làm chủ công nghệ sản xuất thân vỏ xe con”. Những sản phẩm này đã mang lại kết quả, đã hạ được 50% giá thành, nâng năng suất lao động từ 2 - 10 lần, tạo được sản phẩm công nghệ cao, sản xuất hàng loạt nhằm nâng cao sức cạnh tranh.

PV: Quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp Ô tô đang được gấp rút hoàn thành, vậy theo ông, những điểm nào cần phải bổ sung và hoàn thiện?

Chiến lược phát triển công nghiệp ô tô được Thủ tướng Chính phủ ký năm 2004, đến nay đã được 9 năm. Theo tôi chiến lược này gần như dựa vào các DN nước ngoài để phát triển ngành công nghiệp ô tô mà chưa chú ý đến việc phát huy nội lực; chưa kết hợp được việc mở rộng hợp tác với nước ngoài song song với mở rộng đầu tư DN trong nước theo chiều sâu. Về thời gian của chiến lược lại quá ngắn, chỉ có 10 năm, ở nước ngoài thời gian từ 30 năm trở lên bởi đây là ngành công nghiệp sử dụng nhiều công nghệ, đồng bộ từ sản xuất phụ tùng đến lắp ráp hoàn chỉnh. Trong đó khâu sản xuất phụ tùng quyết định đến 90% thì nước ta chưa có chính sách nào đủ mạnh khuyến khích DN trong và ngoài nước đầu tư.

PV: Nhằm phát triển mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ, theo ông, Nhà nước cần có cơ chế gì?

Theo tôi Nhà nước nên dành 10% thu thuế ô tô hỗ trợ một phần cho các DN nghiên cứu, phát triển, đầu tư công nghệ sản xuất phụ tùng. Nhà nước nên dành khoản hỗ trợ thương mại để hỗ trợ các DN sản xuất phụ tùng, giới thiệu sản phẩm trong và ngoài nước qua các triển lãm, phòng trưng bày, qua mạng thông tin...

PV: Ông nhận định như thế nào về nhu cầu sử dụng ô tô tại Việt Nam trong những năm tới?

GDP đầu người vào năm 2020 sẽ đạt khoảng 3000 USD, thu nhập của người nông dân sẽ tăng cao, do đó việc tiêu thụ ô tô sẽ tăng mạnh từ năm 2015 nếu Nhà nước giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm thuế trước bạ khi mà nhiều công trình hạ tầng cầu đường sẽ hoàn thiện vào giai đoạn 2015-2016. Tôi tin vào năm 2020, Việt Nam sẽ tiêu thụ từ 300.000-350.000 xe con và 100.000 xe tải. Nếu Nhà nước khuyến khích nông dân dùng ô tô đa dụng vừa chở người vừa chở hàng, khuyến khích công nhân viên chức dùng ô tô phân khối nhỏ thì tiêu thụ ô tô còn tăng hơn nữa.

PV: Nhu cầu lớn như vậy nhưng có ý kiến giá xe ô tô trong nước vẫn còn quá cao, khiến người tiêu dùng không đủ sức mua, vậy làm thế nào để giá xe đáp ứng túi tiền của người dân? Người tiêu dùng có thể chờ đợi gì ở VINAXUKI?

Bây giờ nhiều người nói rằng giá xe trong nước vẫn quá cao, tôi công nhận điều ấy. Cao hơn một số nước thậm chí đến 2 lần. Giá xe cao có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là công nghiệp nội địa hóa ô tô của Việt Nam còn quá thấp. Như vậy, muốn cho giá xe thấp đi thì Nhà nước cần tính toán lại chiến lược, khuyến khích các DN nội địa hóa những xe phân phối nhỏ, khuyến khích việc đầu tư công nghệ cao để sản xuất phụ tùng. Theo tôi, giá cả sẽ giảm khi mức nội địa hóa tăng cao, ngoài việc giảm các mức thuế của Nhà nước.

Vinaxuki đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm 03 model từ 8 chỗ có động cơ từ 1500cc trở xuống, và 02 model xe tải nhỏ. Những xe này có chất lượng tốt, thân vỏ đẹp, đứng vững, động cơ hộp số của Mitsubishi, lốp của Kumho- Hàn Quốc hoặc Bridstone của Nhật Bản, ghế, đèn, vành bánh xe... của các công ty Nhật Bản, Hàn Quốc sản xuất tại Việt Nam. Mỗi model xe Vinaxuki dùng 100 cái để bán khuyến mại cho người tiêu dùng, và quan trọng nhất sau này Vinaxuki sẽ cung cấp phụ tùng giá rẻ. Ví dụ, cần thay một đèn pha số tiền bỏ ra chưa đến 700.000 đồng; cần thay nắp cabo, cánh cửa số tiền bỏ ra chưa đến 4 triệu đồng; thay toàn bộ thân vỏ xe chất lượng như của các công ty nước ngoài giá chưa đến 40 triệu đồng. Giá xe trong đợt đầu tiên bán khuyến mại sẽ dự kiến như sau: Xe lắp động cơ 1500cc cỡ lốp 195/65R15, 5 chỗ ngồi, rộng 1700mm, dài 3750mm, cao 1430mm, số sàn: 290 triệu đồng; Xe lắp động cơ 1500cc cỡ lốp 195/65R15, 5 chỗ ngồi, rộng 1700mm, dài 3750mm, cao 1430mm, số tự động, gương gật gù có đèn, lắp thiết bị tự động, camera: giá 320 triệu đồng; Tương tự xe lắp động cơ 1300cc: giá 230 triệu đồng; Xe lắp động cơ 1100cc: 200 triệu đồng; Xe lắp động cơ 1000cc: 190 triệu đồng. Thời gian bảo hành 3 năm, cam kết cung cấp phụ tùng và bảo dưỡng sửa chữa không quá 50% các hãng xe khác…

PV: Để giúp cho ngành công nghiệp ô tô phát triển, theo ông cần có giải pháp gì?

Giải pháp quan trọng nhất là Nhà nước có chính sách giảm thuế cho xe nội địa hóa, khuyến khích người dân sử dụng xe phân khối nhỏ dưới 1500cc, bởi vì những tầng lớp trung lưu trở xuống, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các chủ trang trại, các trí thức chỉ cần sử dụng ô tô dưới 1500cc là phù hợp với công việc của họ. Đồng thời về mặt xã hội, dùng xe 1500cc rất hiệu quả, đỡ tốn nhiên liệu; hạn chế gây ô nhiễm môi trường; diện tích sử dụng mặt đường nhỏ, tai nạn giao thông so với đi xe máy cũng giảm đi nhiều...

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!


Theo tôi, thì quy hoạch ngành ô tô cần phải có chính sách hỗ trợ các DN ô tô sản xuất được 2 cụm phụ tùng cốt lõi là thân vỏ xe và sau đó là động cơ, khuyến khích hỗ trợ các DN chế tạo sản xuất nhiều phụ tùng cốt lõi của ô tô để tiêu dùng ở trong nước và xuất khẩu.

 

 

Nguyễn Đừng (thực hiện)