Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong 6 tháng đầu năm, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái; tăng 37,82 % so với 6 tháng cuối năm 2022. Các vụ lừa đảo trực tuyến đã và đang diễn biến phức tạp trên môi trường số.
Nhận diện 24 hình thức lừa đảo trực tuyến
Cục An toàn thông tin cho biết, có 3 nhóm lừa đảo chính (Giả mạo thương hiệu; chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác), với 24 hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến.
Các hình thức gồm: Lừa đảo "combo du lịch giá rẻ"; lừa đảo cuộc gọi video Deepfake, Deepvoice; lừa đảo "khóa SIM" vì chưa chuẩn hóa thuê bao; giả mạo biên lai chuyển tiền thành công; giả danh giáo viên/nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu; chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu nhí; thủ đoạn giả danh các công ty tài chính, ngân hàng; cài cắm ứng dụng, link quảng cáo cờ bạc, cá độ, tín dụng đen,…; giả mạo trang thông tin điện tử, cơ quan, doanh nghiệp (Bảo hiểm xã hội, ngân hàng…).
Lừa đảo SMS Brandname, phát tán tin nhắn giả mạo; lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp; lừa đảo tuyển cộng tác viên online; đánh cắp tài khoản mạng xã hội, nhắn tin lừa đảo; giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện lừa đảo; rao bán hàng giả hàng nhái trên sàn thương mại điện tử; đánh cắp thông tin căn cước công dân đi vay nợ tín dụng; lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng; lừa đảo dịch vụ lấy lại tiền khi đã bị lừa.
Lừa đảo lấy cắp Telegram OTP; lừa đảo tung tin giả về cuộc gọi mất tiền như FlashAI; lừa đảo dịch vụ lấy lại Facebook; rải link phishing lừa đảo, seeding quảng cáo bẩn trên Facebook; lừa đảo cho số đánh đề; lừa đảo tình cảm, dẫn dụ đầu tư tài chính, gửi bưu kiện, trúng thưởng.
Cần làm gì khi mắc bẫy lừa đảo trực tuyến?
Theo Cục An toàn thông tin, các nhóm đối tượng bị lừa đảo trực tuyến nhắm tới là người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, người lao động thu nhập thấp.
Nhóm người cao tuổi với 15 hình thức lừa đảo thường xuyên; trẻ em có 3 hình thức dẫn dụ trên mạng; sinh viên/thanh niên có 13 hình thức; các đối tượng công nhân/người lao động, nhân viên văn phòng bị dẫn dụ với 19 hình thức lừa đảo...
Theo các chuyên gia, khi nhận thấy dấu hiệu bị lừa đảo trực tuyến, cần giữ bình tĩnh và thông báo ngay cho cơ quan chức năng.
Các vụ lừa đảo thông thường đều nhắm tới yếu tố tài chính, hay túi tiền của người dùng. Vì thế, người dân cần có biện pháp nắm quyền kiểm soát và đảm bảo bảo mật tốt hơn đối với tài khoản ngân hàng.
Ngoài ra, người dân không tiếp tục gửi tiền và chặn tất cả các liên lạc từ kẻ lừa đảo; liên hệ ngay lập tức với ngân hàng và tổ chức tài chính của mình để báo cáo lừa đảo và yêu cầu họ dừng mọi giao dịch. Cùng với đó, cần thu thập và lưu lại bằng chứng, làm đơn tố giác gửi tới cơ quan công an nơi lưu trú. Cảnh báo cho gia đình và bạn bè của bạn về trò lừa đảo này để họ có thể đề phòng những trò lừa đảo tiếp theo có thể xảy ra. Đồng thời, thu thập bằng chứng làm đơn tố giác gửi tới cơ quan công an nơi lưu trú.
Khi thông tin cá nhân như tên, số điện thoại, email, địa chỉ, giấy tờ tùy thân đã bị rò rỉ, cần báo cáo vi phạm dữ liệu cho các tổ chức tài chính đang sử dụng. Đổi mật khẩu mới mạnh hơn đối với các tài khoản và theo dõi chặt chẽ tài khoản ngân hàng của mình.
Người dân nên thiết lập thói quen bảo mật tốt, sử dụng mật khẩu mạnh, mỗi tài khoản nên dùng một mật khẩu khác nhau, đồng thời sử dụng các giải pháp bảo mật để bảo vệ máy tính, smartphone và mạng Internet gia đình.