Cần nâng cao tính hiệu quả trong việc khai thác vệ tinh VINASAT-1

Đến nay, vừa tròn 4 tháng Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) phóng thành công vệ tinh VINASAT-1 lên qũy đạo, đồng thời cũng là tháng thứ 3 VINASAT-1 được chính thức đưa vào khai thác, sử dụ

PV: Sau 4 tháng phóng thành công vệ tinh viễn thông VINASAT-1, Tập đoàn đã có những biện pháp nào để khai thác hiệu quả nhất, thưa ông?

Ông Bùi Thiện Minh: Nhờ sự hỗ trợ của Tiểu ban giúp việc Ban chỉ đạo Quốc gia VINASAT, cùng với sự nỗ lực của VNPT, nhà thầu Lockheed Martin (Mỹ) và tư vấn Telesat Canada, vệ tinh VINSAT-1 đã được phóng lên quỹ đạo 132OE ngày 19/4/2008 và đưa vào khai thác an toàn vào ngày 22/5/2008, đáp ứng được tiến độ đề ra và đảm bảo tuân thủ các quy định về thời gian của Liên minh Viễn thông Quốc tế đối với vị trí quỹ đạo 132OE. Hiện vệ tinh đang hoạt động ổn định trên quỹ đạo. Hai trạm điều khiển chính và dự phòng tại Quế Dương (Hà Tây) và Bình Dương (thuộc tỉnh Bình Dương) đã hoàn thành lắp đặt, đo thử, đạt yêu cầu đề ra và đã chính thức hoạt động điều khiển vệ tinh từ ngày 25/5/2008. Minh chứng cho thành công bước đầu là, Đài Truyền hình Việt Nam đã chuyển đổi phát sóng hiệu quả các chương trình truyền hình VTV1, VTV2, VTV3 và VTV4 từ vệ tinh Thaicom1A sang vệ tinh VINASAT-1 trên băng tần C từ ngày 1/7/20008. Hiện nay, Đài Truyền hình Việt Nam đang phối hợp với VNPT để chuyển dung lượng đang thuê trên vệ tinh MEASAT-2 của Malaysia sang vệ tinh VINASAT-1.

PV: Xin ông cho biết, ngoài những khách hàng là các cơ quan, doanh nghiệp trong nước, thì đến thời điểm này, những doanh nghiệp nước ngoài nào đã và sẽ ký hợp đồng sử dụng dung lượng VINASAT-1 của VNPT?

Ông Bùi Thiện Minh: Tính đến thời điểm này, VNPT đã ký với Đài Truyền hình Việt Nam trên gần một nửa bộ phát đáp băng tần C và đang đàm phán hợp đồng sử dụng từ 3-5 bộ phát đáp trên băng tần Ku. VNPT cũng đã ký hợp đồng với Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh với tổng dung lượng 2 bộ phát đáp trên băng tần Ku; ký kết Biên bản ghi nhớ về việc sử dụng dung lượng vệ tinh với các khách hàng của Tổng công ty Truyền thông Đa phương tiện (VTC) và đang đàm phán hợp đồng sử dụng 2 bộ phát đáp băng tần Ku. Ngoài ra, VNPT cũng đã triển khai một số dịch vụ thoại, truy nhập internet, kênh thuê tiếng phát hình lưu động đến các vùng biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa. Về thị trường ngoài nước, đến nay, VNPT đã ký kết hợp đồng đào tạo với SESASTRA (hãng khai thác vệ tinh của Luxemburg); ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác kinh doanh và trao đổi lưu lượng với hãng khai thác vệ tinh ABS (Hồng Kông) và nhiều hãng công nghệ thông tin có uy tín của thế giới trong việc hợp tác để quản lý, khai thác và kinh doanh vệ tinh.

PV: Ngoài việc duy trì và cung cấp các dịch vụ vệ tinh cho khách hàng, sắp tới, VNPT sẽ có thêm dự án nào khác không, thưa ông?

Ông Bùi Thiện Minh: Để phát huy khả năng hoạt động của VINASAT-1, Bộ Thông tin - Truyền thông và VNPT cùng các cơ quan liên quan, đã tích cực triển khai thực hiện nhiều dự án xúc tiến kinh doanh dung lượng vệ tinh VINSAT-1 đối với các khách hàng trong và ngoài nước. Dự kiến trong năm 2009, Bộ Quốc phòng sẽ nhập thiết bị và phấn đấu lắp được 1 trạm HUB và 104 trạm VSAT, với kinh phí dự kiến là 249 tỷ đồng và đến năm 2010, sẽ nhập tiếp thiết bị để lắp 87 trạm VSAT còn lại. Ngoài ra, Bộ Công an cũng đã xây dựng dự án khả thi VINASAT với tổng mức đầu tư là 380 tỷ đồng, thực hiện trong 3 năm (2007-2009).

PV: Thưa ông, những hạn chế cần được khắc phục trong trong việc khai thác vệ tinh VINASAT-1 là gì?

Ông Bùi Thiện Minh: Đó chính là việc triển khai chưa đồng bộ giữa dự án phóng vệ tinh và các hệ thống mặt đất, nên hiệu quả sử dụng vệ tinh trong những năm đầu là thấp, gây lãng phí dung lượng. Trong khi đó, công tác quảng bá hình ảnh vệ tinh và bán dung lượng vệ tinh VINASAT-1 còn yếu. Ngoài ra, một hạn chế khác cần được khắc phục, đó là chưa chú trọng đầu tư đội ngũ chuyên gia trong nước, còn dựa quá nhiều vào các chuyên gia quốc tế. Vì vậy, thời gian tới, cần tập trung xây dựng đội ngũ chuyên gia có khả năng làm chủ công nghệ, tạo thuận lợi cho việc triển khai các dự án vệ tinh tiếp theo. Có lẽ phát hiện ra những hạn chế, trong việc khai thác VINASAT-1, nên mới đây, Chính phủ đã chỉ đạo, trước ngày 30/8/2008, các đơn vị phải lên kế hoạch hợp tác đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, tay nghề cao và nắm bắt được các kỹ thuật tiên tiến, hiện đại để triển khai sử dụng VINASAT-1 có hiệu quả. Ngoài ra, Chính phủ cũng yêu cầu đến 30/9/2008, Bộ Thông tin - Truyền thông phải trình Thủ tướng Chính phủ về đề án sử dụng các quỹ đạo địa tĩnh 107OE, 126OE và 131,8OE.

PV: Xin cảm ơn ông!

  • Tags: