Nghị quyết số 29 của Trung ương (về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế) có nêu: "Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng".
Tuy nhiên, thảo luận tại Quốc hội sáng ngày 1/11, đại biểu Hà Ánh Phượng, giáo viên Trường Trung học phổ thông Hương Cần, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ cho biết, thực tế 10 năm qua, lương và thu nhập nhà giáo vẫn thấp, thậm chí có người không đủ trang trải cuộc sống gia đình.
"Nhiều giáo viên phải nghỉ việc, chuyển việc, làm thêm việc khác nên chưa tròn vai và tâm huyết với nghề", đại biểu Hà Ánh Phượng nêu thực trạng.
Bên cạnh đội ngũ giáo viên, nhân viên trường học, chiếm khoảng 10% trong môi trường giáo dục làm nhiệm vụ vận hành và phát triển nhà trường cũng có vai trò rất quan trọng. Song họ không được hưởng phụ cấp công vụ như công chức và phụ cấp thâm niên như nhà giáo dù cùng làm trong ngành giáo dục.
Vì vậy, đại biểu Hà Ánh Phượng đề nghị Quốc hội, Chính phủ trong cải cách tiền lương lần này cần quy định lương của giáo viên ở mức cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo chính chất công việc, theo vùng đúng như Nghị quyết 29 đề ra.
Đồng thời, có giải pháp tăng lương và phụ cấp cho nhân viên trường học để họ yên tâm công tác, cống hiến với nghề, đáp ứng yêu cầu dạy học hiện nay.
Theo thống kê của ngành giáo dục, hiện cả nước có 1,6 triệu giáo viên, thiếu khoảng 100.000 giáo viên. Chỉ trong năm 2022, tổng số giáo viên bỏ việc trên cả nước là hơn 16.000 người, bình quân cứ 100 giáo viên thì một người ra khỏi ngành.
Lương công chức, viên chức hiện được tính bằng lương cơ sở nhân hệ số lương. Hệ số lương thể hiện sự chênh lệch mức tiền lương giữa các vị trí, cấp bậc công việc dựa trên trình độ, bằng cấp của công chức, viên chức. Lương cơ sở thấp, hệ số lương ít thay đổi nên không tạo được động lực cho người lao động.
Từ ngày 1/7/2023, giáo viên mầm non hạng III vẫn là nhóm nhận lương thấp nhất, từ gần 3,8 đến hơn 8,8 triệu đồng/tháng tùy bậc. Mức này cao hơn so với trước đây khoảng 0,6 - 1,5 triệu đồng. Giáo viên tiểu học, THCS và THPT hạng I nhận lương cao nhất. Trong đó, người được áp dụng hệ số lương 6,78 sẽ được nhận hơn 12,2 triệu đồng/tháng.
Trước tình trạng số lượng lớn giáo viên bỏ việc, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã từng nhiều lần kiến nghị cấp bách tăng lương cho giáo viên để cải thiện đời sống.