Cần sớm ban hành và thực hiện “Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn Trung ương, thì năm 2010, nền nhiệt độ ở nước ta sẽ ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, gây nên nắng nóng, khô hạn trên phạm vi toàn quốc. Dự báo trong khoản

Thực trạng về nguy cơ thiếu điện

Có lẽ vì vậy mà từ cuối năm 2009 đến nay, hệ thống các sông khu vực miền Bắc đang rơi vào tình trạng thiếu nước nghiêm trọng và kéo dài, ảnh hưởng tới hệ thống hồ chứa nước thủy điện, trong đó, tổng mức nước tại các hồ Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà thấp so cùng kỳ năm ngoái khoảng 2 tỷ m3. Tổng sản lượng thuỷ điện thiếu hụt do không tích được nước ở các hồ thuỷ điện lên tới gần 1 tỷ kWh, kèm theo đó là dự báo nhu cầu điện năm 2010 của cả nước sẽ tăng khoảng 20% so với năm 2009, nên vấn đề thiếu điện trong mùa khô sắp tới đang trở thành nguy cơ đáng báo động.

Đứng trước tình hình trên, ngày 5-4-2010, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã có Chỉ thị số 424/CT-TTg về tăng cường các biện pháp nhằm bảo đảm cung cấp điện trong các tháng màu khô năm 2010. Trong đó, giao cho Bộ Công Thương; Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương... phối hợp, triển khai ngay các giải pháp hữu hiệu để đảm bảo cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Được biết, bên cạnh những biện pháp như tích nước các hồ thủy điện; tiếp tục mua điện từ bên ngoài; tăng cường huy động các nhà máy phát điện ngoài EVN…, ngay trong quý I, EVN đã chỉ đạo các tổng công ty điện lực thực hiện các biện pháp cấp bách về tiết kiệm điện (TKĐ) và đảm bảo cấp điện. Trong đó, yêu cầu các điện lực đề xuất, phối hợp với cơ quan chức năng địa phương kiểm tra, phát hiện và kiến nghị các đơn vị quản lý hệ thống chiếu sáng công cộng có sự điều chỉnh, cắt giảm 50% lượng đèn chiếu sáng; các công ty, đơn vị có biển quảng cáo, các nhà hàng, cửa hiệu phải giảm bớt số đèn chiếu sáng và tắt đèn sau 22h đêm. Đối với khách hàng công nghiệp sử dụng điện trọng điểm, đặc biệt là khách hàng lớn, lãnh đạo các điện lực, chi nhánh điện gặp trực tiếp khách hàng và đề nghị cùng chia sẻ trong thời kỳ thiếu điện từ 1/4 - 30/6; mặt khác, các doanh nghiệp cần có phương án điều chỉnh kế hoạch sản xuất để giãn bớt nhu cầu điện, tiết kiệm ngay từ 5 - 10% nhu cầu điện, hoặc sử dụng máy phát điện dự phòng của doanh nghiệp... Nếu các công ty, đơn vị, doanh nghiệp không thực hiện các giải pháp TKĐ thì ngành Điện sẽ phải thực hiện các biện pháp cắt điện.

Tuy nhiên, những biện pháp mà ngành Điện đưa ra chưa nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội, bởi có dịp dạo quanh phố phường vào thời điểm này sẽ thấy, tình trạng sử dụng điện còn hết sức lãng phí, chứ không nói là tiết kiệm. Mới 5 rưỡi chiều, trời chưa choạng vạng, vậy mà đường Tây Sơn đoạn lên cầu vượt Ngã tư Sở, hệ thống đèn đường đã rực sáng. Dọc hai bên đường, nhiều biển quảng cáo, cửa hàng dịch vụ, đèn hiệu cũng được sử dụng hết công suất. Càng về đêm, đi trên bất kỳ tuyến phố nào của Hà Nội, từ trung tâm Bờ Hồ, Cung Văn hóa Hữu Nghị, đến dọc đường Phạm Hùng, khu vực Siêu thị Big C, Sân Vận động quốc gia Mỹ Đình…, đâu đâu cũng thấy ánh sáng điện chói lòa. Và không chỉ có thủ đô Hà Nội, ở các thành phố lớn như Đà Nẵng, Hải Phòng, Tp. Hồ Chí Minh…, tình trạng trên cũng tương tự xảy ra.

Cần sớm ban hành “Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”

Trong những năm qua, Chính phủ, Bộ Công Thương, các tỉnh, thành phố trong cả nước cũng đã đặc biệt quan tâm đến tình hình thiếu điện, bởi đảm bảo an ninh năng lượng là vấn đề tối quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương. Chính vì vậy, đã có nhiều thông tư, chỉ thị của các cấp, các ngành, từ Trung ương tới địa phương về công tác TKĐ. Được biết, trong tháng 5-2010, dự kiến trong chương trình nghị sự, Quốc hội cũng sẽ đưa ra bàn thảo để ban hành “Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” (Luật TKNL). Một quan chức của Bộ Công Thương cho rằng, việc thông qua Luật TKNL vào thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết, nhưng dù có Luật, có chỉ thị, chỉ đạo thế nào thì vấn đề ý thức của người dân, của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải được nâng cao.

Chúng ta có Luật Giao thông, Luật này đang đi vào cuộc sống. Từ em nhỏ học lớp mẫu giáo trở lên đã phải học Luật, người lớn còn phải thi thố, để được cấp giấy phép khi tham gia giao thông. Vậy thì Luật TKNL ban hành, có lẽ cũng cần phải đưa vào giáo trình đào tạo, từ bậc mầm non, đến các giảng đường đại học. Thời gian qua, một số điện lực tỉnh trong cả nước đã soạn giáo trình sử dụng điện an toàn và tiết kiệm để đưa vào chương trình ngoại khoá ở nhiều trường phổ thông, nhưng chỉ ngành Điện cố gắng thôi thì chưa đủ. Đưa Luật TKNL phổ biến rộng hơn trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt trong hệ thống giáo dục đào tạo sẽ được nhiều hơn. Người dân biết Luật sẽ sử dụng điện an toàn, hiệu quả; các đơn vị, doanh nghiệp, địa phương... có Luật để thực hiện các giải pháp TKĐ một cách nghiêm túc, công bằng; các cơ quan tư vấn, xây dựng, cấp phép... khi duyệt thiết kế công trình, đặc biệt là các công trình công nghiệp, dân dụng đều bắt buộc chủ đầu tư phải sử dụng các thiết bị điện TKĐ, hiệu suất cao; các doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện, đo lường điện đều phải ứng dụng công nghệ TKĐ và dán nhãn chứng nhận tiết kiệm năng lượng; có Luật TKNL, mọi cấp, mọi ngành và toàn xã hội, phải coi trọng bảo vệ chăm sóc rừng, giữ gìn tài nguyên nước, phục vụ sản xuất điện, đáp ứng nhu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Tiết kiệm điện là nghĩa vụ, trách nhiệm, là lợi ích của toàn xã hội, của từng người dân.

Ngày Trái Đất 2010 vừa qua, toàn quốc thực hiện tắt đèn trong 01 giờ (từ 20h 30’ đến 21h 30’ ngày 27/3) đã tiết kiệm được khoảng 500.000 kWh điện (tương đương với 450 triệu đồng). Theo một chuyên gia công tác lâu năm trong ngành Năng lượng thì con số trên chưa đạt mức kỳ vọng, nhưng có thể thấy, cái được lớn hơn là ý thức của người dân trong việc TKĐ, góp phần bảo vệ Trái đất trước hiện tượng nóng lên toàn cầu. Việc tắt đèn và những thiết bị điện không cần thiết là công việc rất đơn giản, không mấy khó khăn, nhưng nó cần một sự quan tâm và thói quen hàng ngày của mỗi cá nhân. Tiết kiệm được 1% lượng điện thương phẩm thì cả nước có thể tiết kiệm được khoảng 700 triệu kWh điện mỗi năm, trong khi đó, muốn có 1 kW công suất của nhà máy điện, chúng ta phải đầu tư 1.000 USD.

Hãy TKĐ vì lợi ích quốc gia và cộng đồng.

  • Tags: