Canada kết luận cuối cùng về rà soát thuế chống bán phá giá với ống thép dẫn dầu (OCTG)

Theo kết luận cuối cùng, mức thuế chống bán phá giá áp dụng với ống thép dẫn dầu (OCTG) của Việt Nam là 37,4%.
chong ban pha gia
Mức thuế chống bán phá giá áp dụng với ống thép dẫn dầu (OCTG) của Việt Nam là 37,4%.

Ngày 06 tháng 9 năm 2022, Cơ quan Biên phòng Ca-na-đa (CBSA) ban hành kết luận cuối cùng trong vụ việc điều tra rà soát thuế chống bán phá giá với ống thép dẫn dầu (Oil country tubular goods - OCTG) nhập khẩu từ Ấn Độ, Đài Loan - Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam.

Mục đích của vụ việc điều tra rà soát này là xác định lại giá trị thông thường và giá xuất khẩu, từ đó xem xét xác định lại biên độ phá giá cho giai đoạn từ 01 tháng 01 năm 2021 đến 31 tháng 12 năm 2021.

Theo kết luận cuối cùng, ngoại trừ một số công ty Đài Loan-Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc cung cấp thêm thông tin trong quá trình rà soát và được hưởng mức thuế riêng rẽ, mức thuế chống bán phá giá áp dụng cho tất cả các nhà xuất khẩu OCTG còn lại, trong đó có Việt Nam là 37,4%.

Mức thuế này sẽ được áp dụng từ ngày 06 tháng 9 năm 2022. Thời hạn để các bên đưa ra bình luận với kết luận cuối cùng của CBSA là ngày 19 tháng 9 năm 2022.

CBSA đã áp thuế chống bán phá giá với OCTG nhập khẩu từ Việt Nam và một số nước từ tháng 3 năm 2015, với mức thuế chung áp dụng cho các nhà xuất khẩu Việt Nam là 37,4%.

Theo thông tin từ Trung tâm thương mại quốc tế (ITC) (http://trademap.org), kim ngạch xuất khẩu OCTG của Việt Nam sang Ca-na-đa đạt khoảng 13 triệu đô-la Mỹ trong năm 2021, trong đó kim ngạch xuất khẩu sản phẩm bị áp thuế (theo mã HS) chỉ khoảng 40 nghìn đô-la Mỹ.

Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu liên quan tiếp tục chủ động theo dõi diễn biến của vụ việc. Các doanh nghiệp mới thành lập muốn xuất khẩu mặt hàng này sang Ca-na-đa có thể liên hệ với CBSA để xin cơ chế rà soát nhà xuất khẩu mới.

 

Xuân An