Thời gian vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều hình thức đào tạo đội nhóm bán hàng với các hình thức không phù hợp, gây phản cảm như “đánh roi”, “bắn dây chun”, “hò hét kích động”…
Đây là các hình thức hoạt động đội nhóm của các hệ thống bán hàng nhằm kích thích tinh thần nhưng được thực hiện dưới các hình thức không phù hợp về tính chất giáo dục. Các hình thức đào tạo này có thể gây lệch lạc về nhận thức và tác động tiêu cực đến cảm xúc, hành vi của người chứng kiến.
Các hình thức đào tạo này cũng thường được sử dụng trong các mô hình kinh doanh đa cấp biến tướng nhằm thao túng tâm lý, lôi kéo, dụ dỗ, người tham gia, có thể dẫn đến nhiều hệ lụy về tinh thần, thể chất và thiệt hại kinh tế.
Để ngăn ngừa thiệt hại không đáng có, Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia cảnh báo người dân không nên tham gia vào các hoạt động đào tạo, huấn luyện có biểu hiện không tích cực như nêu trên để hạn chế tối đa các rủi ro, thiệt hại về vật chất, tinh thần và pháp lý.
Đồng thời, thông tin kịp thời đến các cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp phát hiện các hội nhóm hoạt động theo các hình thức tiêu cực như nêu trên có biểu hiện kinh doanh đa cấp, trả thưởng theo mô hình đa cấp, để có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời.
Những ngày qua, mạng xã hội xôn xao về một video với nội dung "CEO dùng dây chun bắn vào tay nhân viên" khi tham gia chương trình đào tạo vì thiếu nỗ lực, thiếu cố gắng nên không hoàn thành chỉ tiêu KPI (chỉ số đo lường và đánh giá hiệu quả công việc).
Trong video, các cô gái đứng trên sân khấu giao lưu với nữ CEO. Sau đó, nữ CEO kéo căng dây chun trên tay của từng nhân viên và thả ra khiến cổ tay của họ đỏ lừ, sưng tấy.
Vừa búng dây chun, nữ CEO vừa hét to: "Không xứng đáng làm người đứng đầu", "Tại sao đội nhóm không trung thực?", "Không nỗ lực", "Tại sao đội nhóm đến giờ vẫn chưa bùng nổ?",...
Ở phía đối diện, các cô gái bị bắn dây chun vào cổ tay đau đớn, gục xuống và khóc nấc lên.
Sau màn bắn dây chun, nữ CEO đã ôm nhân viên an ủi, khích lệ và tất cả bên cùng khóc. Phía dưới hội trường, các nhân viên khác cũng rơi nước mắt.
Được chia sẻ rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội, video đã gây ra nhiều tranh cãi. Một số người ngỡ ngàng trước kiểu đào tạo của nữ CEO. Một số khác lại cho rằng, đây chỉ là chiêu trò PR, đánh bóng tên tuổi của công ty này.