Theo nhận định của hãng bảo mật Kaspersky, trong sự phát triển và mở rộng không ngừng của IoT (Internet of things – internet kết nối vạn vật), số lượng sản phẩm và giải pháp bảo mật mới tỷ lệ thuận với tần suất xuất hiện và độ nguy hiểm của các mối đe dọa mạng.
Do đó, tầm quan trọng của công việc nghiên cứu bảo mật IoT ngày càng đặt ra nhiều thách thức, trong đó có hệ thống nhà thông minh đang phát triển mạnh tại nhiều quốc gia.
Kaspersky nhận định, một khi chiếm được quyền điều khiển hệ thống, hacker có thể xâm nhập vào hệ sinh thái của nhà thông minh để thực hiện bất cứ hoạt động gì, từ gián điệp, trộm cắp cho đến hành vi phá hoại.
Trong quá trình nghiên cứu hoạt động của hệ thống điều khiển hệ sinh thái nhà thông minh, các chuyên gia từ hãng bảo mật Kaspersky vừa phát hiện ra những lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng, gồm lỗi ở cơ sở hạ tầng đám mây và thực thi mã từ xa, khiến bên thứ ba có thể chiếm được quyền “siêu người dùng” (super user) để truy cập và điều khiển hệ thống nhà thông minh.
Ở giai đoạn đầu, quá trình thu thập thông tin nghiên cứu cho thấy một vài hoạt động tấn công khả nghi: thông qua giao thức truyền thông không dây Z-Wave thường được dùng để điều khiển các thiết bị trong gia đình bằng Internet, thông qua giao diện quản trị trang web và thông qua cơ sở hạ tầng đám mây.
Trong đó, cơ sở hạ tầng đám mây dường như là phương thức hiệu quả nhất để hacker tấn công: lỗ hổng trong tiến trình thực thi mã từ xa đã được phát hiện thông qua một bài kiểm tra hoạt động phản hồi từ thiết bị.
Bằng cách này, hacker sẽ chiếm được quyền truy cập vào tất cả bản sao lưu đã được tải lên đám mây từ trung tâm thông tin, sau đó tải các bản sao lưu bị nhiễm mã độc lên hệ thống đám mây rồi tải chúng xuống một hệ thống điều khiển.
Để hoàn thành thử nghiệm, phối hợp với hãng cung cấp giải pháp nhà thông minh Fibaro, các chuyên gia của Kaspersky đã thực hiện một cuộc tấn công thử nghiệm vào hệ thống điều khiển. Họ cũng đã chuẩn bị một bản sao lưu với một tập lệnh được phát triển riêng đã được cài mật khẩu. Sau đó gửi email và tin nhắn SMS đến chủ sở hữu của thiết bị qua đám mây, nói rằng hãy cập nhật hệ thống điều khiển.
Bị “lừa đảo” nhưng nạn nhân lại không hề hay biết, đã tải xuống bản sao lưu bị nhiễm. Điều này cho phép các nhà nghiên cứu đoạt quyền “siêu người dùng” đối với hệ thống điều khiển nhà thông minh, cho phép thao túng hệ sinh thái được kết nối.
Để chứng minh đã xâm nhập thành công, các nhà nghiên cứu đã thay đổi giai điệu trên đồng hồ báo thức của chủ ngôi nhà.
Chuyên gia bảo mật Pavel Cheremushkin của Kaspersky ICS CERT cho rằng, dù nhận thức về bảo mật IoT đang gia tăng nhưng vẫn còn những vấn đề cần được giải quyết.
Để giữ an toàn cho thiết bị, Kaspersky khuyên người dùng giải pháp nhà thông minh luôn xem xét các rủi ro bảo mật khi sử dụng hệ sinh thái nhà thông minh. Trước khi mua thiết bị IoT, hãy cập nhật các tin tức về lỗ hổng bảo mật hiện có.
Cùng với những lỗi thường gặp trong các sản phẩm mới, thiết bị được ra mắt gần đây có thể có các vấn đề bảo mật chưa được phát hiện. Do đó, người dùng nên chọn mua sản phẩm đã từng được cập nhật phần mềm thay vì sản phẩm mới ra mắt trên thị trường
Cần sử dụng giải pháp bảo mật để bảo vệ tài khoản trực tuyến và mạng Wi-Fi trong gia đình, đảm bảo mạng trong gia đình ở chế độ riêng tư. Phần mềm bảo mật sẽ phát hiện, thông báo cho người dùng trong trường hợp có hacker kết nối, tự động cảnh báo đe dọa an ninh và kịp thời đưa ra lời khuyên từ chuyên gia.