Tháng 9 và 9 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Cao Bằng tiếp tục phát triển ổn định; nhiều công trình, dự án trọng điểm được triển khai.
Tỉnh Cao Bằng triển khai quyết liệt, nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 143/NQ-CP, ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất, kinh doanh; tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.
Sản lượng lương thực cây có hạt ước đạt khoảng hơn 289.301 tấn, thấp hơn 2,4% so với kế hoạch. Tình hình chăn nuôi phát triển ổn định. Tính đến ngày 16/9, toàn tỉnh Cao Bằng di dời 591 chuồng trại ra khỏi gần sàn nhà ở, đạt 31% kế hoạch. Tổng sản lượng thủy sản ước đạt 436,51 tấn. Trồng rừng được hơn 1.423 ha, tổng khối lượng gỗ khai thác đạt 12.307,34 m3.
Tính đến ngày 20/9, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng xảy ra 1 đợt rét đậm, rét hại diện rộng và 17 đợt mưa lớn, lốc, sét, ngập úng, lũ, lũ quét, sạt lở đất, đá, gây thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân với tổng thiệt hại ước tính trên 1.003 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại do ảnh hưởng bão số 3 ước tính trên 880 tỷ đồng.
Giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp (theo giá hiện hành) ước đạt 774,18 tỷ đồng, đạt 79,2% kế hoạch. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 9.110,6 tỷ đồng, bằng 75,01% kế hoạch. Kim ngạch xuất nhập khẩu (bao gồm cả kim ngạch giám sát) đạt 693,4 triệu USD, bằng 97% kế hoạch. Tổng lượt khách du lịch ước đạt trên 1,6 triệu lượt, đạt 75% kế hoạch; tổng thu du lịch ước đạt 1.276 tỷ đồng; công suất sử dụng phòng ước đạt 52%. Doanh thu vận tải ước đạt hơn 332 tỷ đồng, tăng 8,24% so với cùng kỳ năm 2023.
Về kế hoạch vốn đầu tư công, tính đến ngày 15/9, toàn tỉnh giải ngân được 2.067 tỷ đồng/5.884,3 tỷ đồng, bằng 35,1% kế hoạch; các chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân đạt 997 tỷ đồng/3.346,1 tỷ đồng, bằng 29,8% kế hoạch.
Tỉnh Cao Bằng tiếp tục chỉ đạo thực hiện Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng (giao thông, du lịch, cửa khẩu, đô thị, hạ tầng số...) và Đề án phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025; giải quyết các vấn đề về kết nối giao thông liên vùng; tăng tốc thực hiện các công trình hạ tầng giao thông quan trọng, trọng tâm là Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng).
Tính đến ngày 15/9, bàn giao mặt bằng được 301,59 ha/572,77 ha, đạt 52,65% kế hoạch. Trong đó, địa phận Cao Bằng bàn giao mặt bằng được 41,26 km/41,35 km, đạt 99,78% chiều dài tuyến; địa phận Lạng Sơn bàn giao được 16,55 km/52 km, đạt 31,83% chiều dài tuyến; giải ngân được 832,547 tỷ đồng/1.934,193 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2024.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 1.767,184 tỷ đồng, đạt 99,9% dự toán Trung ương giao; đạt 92,1% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 36,2% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng nguồn vốn quản lý và huy động ước đạt 32.435 tỷ đồng. Toàn tỉnh thành lập mới 94 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký 628 tỷ đồng, đạt 55,3% kế hoạch.
Các lĩnh vực: Tài nguyên và Môi trường; Khoa học và Công nghệ; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã; các nhiệm vụ văn hóa - xã hội, công tác giới thiệu, hỗ trợ việc làm được duy trì và mở rộng; công an sinh xã hội được các cấp, ngành quan tâm tạo điều kiện cho người dân vùng bị ảnh hưởng thiên tai sớm ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất; quốc phòng - an ninh được giữ vững.
Tại phiên họp, các đại biểu tập trung thảo luận về những khó khăn, vướng mắc liên quan đến chậm giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội đạt thấp; công tác khắc phục hậu quả thiên tai, việc quản lý các công trình thủy điện; thu ngân sách; tiến độ triển khai Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng); vướng mắc liên quan đến chuyển đổi đất rừng, cấp mới các điểm mỏ vật liệu xây dựng thông thường, đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản trên đất đối với các trụ sở cơ quan đơn vị sau sáp nhập; công tác chuẩn bị lễ vận hành chính thức Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc); tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến kích cầu du lịch.
Kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương lồng ghép sử dụng hiệu quả các nguồn lực tập trung khắc phục hậu quả của thiên tai, giúp người dân vùng bị ảnh hưởng ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất, phấn đấu hoàn thành công tác khắc phục nhà ở cho người dân trước ngày 31/12. Đối với các hạng mục hạ tầng bị ảnh hưởng hoàn thành công tác khắc phục trong quý I/2025; xây dựng phương án cụ thể khắc phục hệ thống giao thông bị sạt lở.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách nhà nước, thực hiện tốt các giải pháp thu ngân sách nhà nước; thực hiện kế hoạch thu từ đất, tài sản gắn liền với đất. Tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình trọng tâm, chương trình đột phá của tỉnh.
Tập trung sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân; đẩy nhanh tiến độ thực hiện đưa gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở; phát triển sản xuất công nghiệp, tăng kim ngạch xuất nhập khẩu; giải quyết khó khăn, đồng hành cùng các doanh nghiệp; các địa phương vào cuộc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng; tăng cường thu hút đầu tư phát triển hạ tầng đô thị.
Tổ chức thành công lễ vận hành chính thức Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc). Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp tham mưu giải quyết các chế độ chính sách cho học sinh vùng bị ảnh hưởng. Các lực lượng phối hợp đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội…
Các đại biểu biểu quyết thông qua 5 dự thảo báo cáo tại phiên họp.