Ngành Thuế đã sinh ra đến 12 loại giấy tờ khác nhau buộc doanh nghiệp phải có đủ thì mới được mua hóa đơn. Trong đó, có yêu cầu vô lý đi ngược lại quy định trong Luật Doanh nghiệp là đích thân Giám đốc phải đi mua hóa đơn. Luật Doanh nghiệp qui định, mọi giấy tờ của doanh nghiệp chỉ cần có chữ ký Giám đốc là đã được thừa nhận. Như vậy, đâu phải bắt buộc Giám đốc bận trăm công nghìn việc lại phải dành thời gian đi mua hóa đơn mà là chỉ cân nhân viên của công ty cũng làm được.
Khi trả lời VnExpress, ông Nguyễn Đức Quế, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) nhấn mạnh, Thông tư số 120/2002/TT –BTC hướng dẫn về việc in, phát hành, sử dụng, quản lý hóa đơn không hề có qui định chủ doanh nghiệp phải đi mua hóa đơn lần đầu. Và ông đã khẳng định, “Nếu đúng như những phản ánh của doanh nghiệp thì đó là trách nhiệm quản lý, tổ chức thực hiện của cục thuế các địa phương”.
Nhưng khi, các doanh nghiệp chất vấn (tại cuộc gặp giữa một số doanh nghiệp và lãnh đạo Tổng cục Thuế) thì Phó Cục trưởng Tổng cục Thuế ông Phạm Duy Khương lại giải thích, những doanh nghiệp ở những đường phố lớn thì không cần vẽ sơ đồ, nhưng đối với những doanh nghiệp ở nông thôn, địa chỉ không rõ ràng thì mới phải có sơ đồ. Nhưng tiếc rằng, tại Thông tư 120 qui định (không như ông Khương giải thích): “Doanh nghiệp phải vẽ sơ đồ các địa điểm sản xuất, kinh doanh; văn phòng giao dịch do tổ chức, cá nhân tự vẽ có xác nhận và cam kết của người đứng đầu về: địa chỉ, số nhà, đường phố (đối với thành phố, thị xã) và thôn xã (đối với nông thôn) để có căn cứ theo dõi giao dịch, quản lý… Nếu tổ chức cá nhân thuê địa điểm kinh doanh, văn phòng giao dịch thì phải xuất trình hợp đồng thuê nhà có xác nhận của UBND phường, xã, thị trấn để đối chiếu”.
Nhiều doanh nghiệp không đồng tình với những cách giải thích như trên của lãnh đạo Tổng cục Thuế, họ chưa thể yên tâm, bởi Thông tư 120 thì yêu cầu phải vẽ sơ đồ, địa điểm sản xuất, kinh doanh; còn đơn vị thuế quản lý “sát sườn” họ thì lại đưa ra đủ yêu cầu để “sách nhiễu” doanh nghiệp. Doanh nghiệp vẫn biết ngành Thuế làm sai, nhưng không dám phản ứng, chỉ vì sợ cán bộ ngành Thuế “trả thù” thì biết kêu ai ?
Cách quản lý kiểu này chẳng khác nào “Muốn không có tai nạn và ùn tắc giao thông thì cấm tất cả các phương tiện giao thông không được lưu hành”. Và chúng ta còn rất nhiều các loại văn bản pháp quy tương tự như Thông tư 120/2002/TT –BTC thể hiện trình độ quản lý kém, vì ai cũng chỉ nghĩ đến lợi cho ngành mình và đặc biệt chúng ta lại không có cơ quan giám sát các văn bản pháp luật trước khi được ban hành. Một điều đáng nói là, khi cấp trên có sai thì luôn đẩy cái sai đó cho cấp dưới là… thượng sách.
Có người đưa ra 7 nguyên nhân dẫn đến tính cạnh tranh sản phẩm của nền kinh tế chúng ta “được xếp” 60/80 nền kinh tế mà Diễn đàn kinh tế thế giới vừa khảo sát, thì cách làm như trên là 1 trong 7 nguyên nhân đó. Không biết đến bao giờ mới hết cảnh chúng ta tự hành… nhau ?