Lý do các nhà bán lẻ tin tưởng vào thị trường Việt Nam
Năm 2021, sự bùng phát của COVID-19 đã khiến các doanh nghiệp trong ngành bán lẻ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, cùng với việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định về "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" và tỷ lệ tiêm chủng vắc xin ngày càng cao, ngành bán lẻ Việt đang bước vào giai đoạn bình thường mới với khả năng thích ứng tốt và triển vọng lạc quan.
Ông Vivek Kaul, Giám đốc Ngành Bán lẻ của CBRE tại Châu Á cho biết: “Báo cáo gần đây của chúng tôi cho thấy niềm tin của các nhà bán lẻ về tiềm năng tăng trưởng của ngành trong tương lai. Sự lạc quan này được củng cố bởi niềm tin rằng đại dịch cuối cùng sẽ được kiểm soát và cuộc sống sẽ dần trở lại bình thường”.
Mới nhất tại TP Hồ Chí Minh, sau 4 tháng mở cửa trở lại, các loại hình dịch vụ ăn uống tại chỗ, vui chơi giải trí đã trở lại gần tối đa công suất. Ngay trong dịp Tết 2022, đường hoa Nguyễn Huệ và đường sách Tết Nhâm Dần đã thu hút hàng nghìn lượt khách mỗi ngày trong tuần từ 29/1 – 4/2.
Đặc biệt, theo vị lãnh đạo CBRE, Việt Nam vẫn là thị trường mục tiêu hàng đầu mà các nhà bán lẻ được khảo sát lựa chọn để mở rộng kinh doanh. “Điều này cho thấy mức độ tin tưởng cao vào sự trở lại của ngành du lịch quốc tế, tăng trưởng lượng khách đến các trung tâm thương và chi tiêu của người tiêu dùng tăng lên”, ông Vivek Kaul nhận định.
Làn sóng “đổ” vào trung tâm thương mại
Nghiên cứu cụ thể hơn về triển vọng ngành bán lẻ năm 2022, báo cáo của CBRE đã chỉ ra xu hướng đầu tiên định hình thị trường bán lẻ là các cửa hàng vật lý sẽ được duy trì, phát triển và đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh, dù đại dịch có đẩy nhanh sự thâm nhập của thương mại điện tử.
Nguyên nhân là các kênh bán hàng trực tuyến dù có nhiều ưu thế nhưng vẫn không thể thay thế mua sắm trực tiếp - nơi người tiêu dùng có thể trải nghiệm sản phẩm “thực”, dịch vụ “thực” đến chủ động thời gian mua, nhận hàng. Chính vì thế, đa số các nhà bán lẻ đều không ngừng tìm kiếm các vị trí đẹp để mở rộng kinh doanh, trong đó trung tâm thương mại đang là lựa chọn số 1 để đầu tư vững chắc.
Xu hướng này dễ thấy khi Uniqlo lựa chọn “chào sân” tại Vincom Center Phạm Ngọc Thạch và Vincom Center Metropolis (Hà Nội) và tại Vincom Plaza Phan Văn Trị (TP. HCM); Muji có mặt tại Vincom Center Metropolis (Hà Nội) vào tháng 7/2021, hay Haidilao khai trương 5 cửa hàng mới tại các TTTM Vincom… Xu thế này được dự báo vẫn sẽ tiếp diễn trong năm 2022 tại các nguồn cung mặt bằng bán lẻ mới trên thị trường như Vincom Mega Mall Smart City, Vincom Plaza Bạc Liêu, Mỹ Tho...
Đặc biệt, báo cáo của đơn vị nghiên cứu cũng cho thấy xu hướng lớn thứ 2 của thị trường: 60% các nhà bán lẻ cho biết các cửa hàng flagship tại vị trí đắc địa đóng vai trò chủ chốt trong việc mang lại trải nghiệm hấp dẫn cho khách hàng. Đơn cử tại Hà Nội, Decathlon đã ra mắt cửa hàng quy mô lớn với các trải nghiệm thể thao tại chỗ ấn tượng tại Vincom Mega Mall Royal City. Trong năm 2022, dự kiến mô hình spa trị liệu và thư giãn trẻ trung của Sen Tài Thu sẽ lần đầu tiên ra mắt tại trung tâm thương mại Vincom Mega Mall Smart City. Điểm đáng lưu ý tiếp theo trong xu hướng năm 2022 là sự kết hợp của các cửa hàng bán lẻ vật lý, công nghệ bán lẻ và nền tảng thương mại điện tử. Điều này sẽ trở thành một nhân tố quan trọng trong chiến lược phát triển đa kênh (omni channel) của các nhà bán lẻ. Các doanh nghiệp sẽ tập trung nhiều hơn vào việc xây dựng một hành trình liền mạch, các dịch vụ click-and-collect hay takeaway sẽ trở nên phổ biến, các đơn đặt hàng trực tuyến cũng sẽ được hoàn thiện và phân phối thông qua các cửa hàng vật lý.
Cơ hội để các doanh nghiệp “đón sóng” và bứt phá
Với bối cảnh ngành bán lẻ tiếp tục chuyển dịch trong thời bình thường mới, các doanh nghiệp cần phải thích nghi và thay đổi để duy trì lợi thế cạnh tranh và nắm bắt cơ hội để bứt phá trong giai đoạn đặc biệt này.
Đầu tiên, trải nghiệm khách hàng trở thành một lợi thế cạnh tranh sống còn. Các doanh nghiệp bán lẻ cần đầu tư hơn trong việc tạo ra một hành trình mua sắm lý tưởng cho khách hàng. Mỗi điểm chạm cần được thiết kế một cách cá nhân hóa, tạo ra những khoảnh khắc ấn tượng và chạm được đến cảm xúc đủ để thuyết phục và giữ chân khách hàng, thay vì những chương trình ưu đãi giảm giá thông thường.
Bên cạnh đó, kinh doanh đa kênh từ online đến offline là một xu thế tất yếu. Các doanh nghiệp nên tập trung chính vào việc nâng cao chất lượng tiếp cận thông tin trên các kênh online, cũng như phân bổ không gian trong cửa hàng để nâng cao trải nghiệm của người tiêu dùng. Các doanh nghiệp có thể hợp tác với các đơn vị cho thuê mặt bằng và các ứng các ứng dụng giao hàng để cải thiện hành trình đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Thiết lập các quầy dịch vụ để khách hàng nhận đồ tại chỗ hay dịch vụ giao hàng tận nhà theo yêu cầu từ các trung tâm thương mại là một gợi ý đáng lưu tâm trong giai đoạn bình thường mới sau dịch.
Dự báo về thị trường bán lẻ trong thời gian tới, ông Vivek Kaul nhận định: “Chúng ta vẫn đang tiếp tục hành trình phục hồi sau một giai đoạn đầy thử thách. Khi ngành bán lẻ tiếp tục phát triển, các xu hướng mới cũng đang mang lại những cơ hội lớn. Hãy hành động ngay bây giờ để nắm bắt những cơ hội này có thể tạo ra lợi ích cho doanh nghiệp. Nhìn chung, tương lai của ngành bán lẻ trong năm 2022 và sau này đều khá xán lạn.”