Cuối tháng 11/2021, Chủ tịch Tập đoàn AEON - nhà bán lẻ hàng đầu Nhật Bản, Motoya Okada cho biết, AEON đang triển khai kế hoạch trung và dài hạn tại Việt Nam, coi đây là thị trường quan trọng không kém thị trường chính tại Nhật Bản. Theo đó, tập đoàn sẽ tăng gấp đôi trung tâm thương mại tại nước ta trong thời gian tới.
Bên cạnh AEON, thời gian qua, các tập đoàn bán lẻ lớn của nước ngoài như: FamilyMart, K-Mart, Lotte, Central Group, Circle K… cũng liên tục mở rộng chuỗi bán lẻ tại thị trường Việt Nam. Đặc biệt, sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam còn thể hiện rõ qua các thương vụ mua bán và sáp nhập diễn ra sôi động.
Điển hình tháng 5-2021, Công ty cổ phần Tập đoàn Masan và nhóm các nhà đầu tư trong đó có Tập đoàn Alibaba và Baring Private Equity Asia đã công bố ký kết thỏa thuận mua cổ phần phát hành mới của The CrownX với tổng giá trị 400 triệu USD. Trước đó, SK Group đã rót 410 triệu USD mua 16,26% cổ phần tại VinCommerce - Công ty điều hành hệ thống bán lẻ VinMart và VinMart+ (nay được đổi tên thành WinMart) của Masan.
Theo Giám đốc Savills Hà Nội Matthew Powell, bán lẻ truyền thống vẫn giữ vai trò chủ đạo. Thống kê của Nielsen, bán lẻ truyền thống, bao gồm các cửa hàng tạp hóa và chợ vẫn chiếm 74% thị phần và tăng 1%/năm. Trong khi đó, bán lẻ hiện đại chiếm 26% thị phần, với mức tăng 12%/năm.
Cũng theo ông Matthew Powell, tuy thị trường bán lẻ tại Việt Nam đã có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, nhưng các doanh nghiệp nắm giữ thị phần chủ yếu vẫn là những thương hiệu nội địa như Vingroup, Masan và MWG.
Đáng chú ý khi một số nhà bán lẻ nước ngoài rời khỏi thị trường, những doanh nghiệp nội địa đã nắm bắt thành công cơ hội mua bán và sáp nhập để tăng quy mô cũng như mở rộng thêm thị phần thị trường bán lẻ trong nước. Tuy vậy, Việt Nam vẫn giữ lợi thế về môi trường đầu tư như ổn định chính trị và chính sách quản lý vốn, điều này đã tạo thêm sức hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài.
Đánh giá về các giải pháp dành cho các nhà bán lẻ quốc tế, ông Matthew Powell cho rằng, các nhà bán lẻ thường được xem là những doanh nghiệp mang lại sự tiện lợi và giá trị đồng tiền. Do đó, việc quản lý chặt chẽ nguồn lực và giữ vững tỷ suất lợi nhuận sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp bán lẻ gặt hái được nhiều thành công hơn tại thị trường Việt Nam. Các yếu tố có thể hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng được tối đa cơ hội gồm: Quan hệ và quy mô, cam kết giá trị hấp dẫn, xây dựng mô hình kinh doanh vững chắc, xây dựng thương hiệu, nắm rõ thị trường, không ngừng đổi mới và phát triển trên nền tảng đa kênh. Một điểm đáng chú ý khác là các hiệp định thương mại song và đa phương giữa Việt Nam và các đối tác sẽ hỗ trợ sự phục hồi và tăng trưởng của thị trường bán lẻ.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga, tháng 7-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1163/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, Nhà nước hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện phát triển thị trường trong nước theo hướng thuận lợi, ổn định, minh bạch, cạnh tranh bình đẳng và bảo đảm quyền tự do kinh doanh của các chủ thể tham gia.
Mục tiêu là phát triển thương mại trong nước hiện đại, văn minh, tăng trưởng nhanh và bền vững, là bệ đỡ, điểm tựa vững chắc cho sản xuất trong nước; xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước và nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề vững chắc để tham gia hội nhập sâu hơn vào kinh tế khu vực và thế giới.
Nhằm phát triển thị trường trong nước, bà Lê Việt Nga cho biết, các bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương sẽ tiếp tục xây dựng môi trường kinh doanh hấp dẫn, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho nhà đầu tư trong và ngoài nước phát triển thị trường bán lẻ.