Chàng sinh viên biến nỗi day dứt thành phần mềm tìm máu cứu người

Trong một lần Quang tìm máu cho bệnh nhân, do khoảng cách địa lý cùng công đoạn tìm kiếm vất vả, nên khi tìm xong máu, bệnh nhân đã mất. Từ đó, Quang đã trăn trở để hiện đại hóa quy trình hiến máu, giúp cho cả người nhà, người bệnh và người hiến tặng.

Rút ngắn thời gian tìm kiếm máu 

Phần mềm Save Blood giúp việc tìm máu diễn ra nhanh chóng do Nguyễn Hoàng Nhật Quang (sinh viên ĐH Kinh tế - ĐH Huế) cùng các bạn sinh viên Bùi Thị Thúy, Lê Thị Sương (sinh viên trường ĐH Kinh tế - ĐH Huế), Huỳnh Thị Ngọc Quỳnh (sinh viên ĐH Sư phạm - ĐH Huế) tạo ra.

Chàng sinh viên biến nỗi day dứt thành phần mềm tìm máu cứu người - 1

Vào tháng 4/2019 sẽ chính thức tung ra bản hoàn thiện cho sản phẩm. Ảnh: Nhật Tuấn.

Chia sẻ với Tạp chí Khám phá, Quang cho hay, ý tưởng này xuất phát từ nỗi day dứt của chính bản thân. Trong một lần tham gia tuyên truyền vận động hiến máu tình nguyện, Quang đã vận động được người hiến nhưng do thời gian di chuyển quá xa nên không kịp.

“Khi đến nơi, người nhà báo tin bệnh nhân đã không qua khỏi nên mình nghĩ đó cũng là một phần lỗi do mình. Từ đó, mình bắt đầu giải quyết câu hỏi có cách nào rút ngắn thời gian từ lúc nhận được tin cần máu và tìm kiếm máu ngắn hơn nữa để kịp thời giúp người bệnh không”, Quang chia sẻ.

Save Blood là một nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, có nhiệm vụ kết nối giữa các cá nhân, tổ chức có nhu cầu, hoạt động liên quan tới ngân hàng máu sống.

Save Blood dùng để lưu trữ thông tin của những người hiến máu, đồng thời là nơi cung cấp thông tin cho những trường hợp cần máu.

Chàng sinh viên biến nỗi day dứt thành phần mềm tìm máu cứu người - 2

Giúp người bệnh tìm kiếm máu nhanh chóng. Ảnh: Nhật Tuấn.

Phần mềm hữu ích này sử dụng thuật toán phức tạp để lọc và tìm kiếm những thông tin tình nguyện viên gần nhất, giúp họ đưa ra lộ trình di chuyển đến nơi hiến nhanh và an toàn nhất.

Chưa hết, phần mềm cung cấp cho tình nguyện viên những thông tin chăm sóc sức khỏe và đưa ra chế độ chăm sóc riêng cho từng đối tượng bằng những chỉ số khi xét nghiệm hiến máu.

Quang cho biết: “Phần mềm bảo mật thông tin cho nhiều đối tượng và không để rò rỉ thông tin ra ngoài, tránh bị lợi dụng bởi những tay cò máu. Đồng thời, cung cấp bản đồ ngân hàng máu sống thuận tiện cho nhân viên điều phối tìm kiếm nhóm máu phù hợp. Save Blood theo dõi và nhắc nhở thời gian hiến máu lặp lại để tránh trường hợp hiến máu chưa đủ ngày”.

Cò máu hết đất làm ăn

Theo Quang, khi cần máu, thay vì tốn tiền cho những tay cò máu, chỉ cần đăng tải thông tin lên Save Blood sẽ có đội ngũ hỗ trợ cho các bạn. Với Save Blood, người nhận sẽ tìm được máu rất nhanh chóng.

Trong khi đó, tình nguyện viên muốn hiến máu nhưng không biết tham gia hiến máu tình nguyện ở đâu cũng có thể lên Save Blood để cập nhật thông tin hoặc tham gia cung cấp, hỗ trợ cho các trường hợp cấp cứu.

Còn với người điều phối, họ sẽ dễ dàng để tìm kiếm một đơn vị máu phù hợp, tìm nhanh chóng và cứu được nhiều bệnh nhân hơn.

Save Blood sẽ là đơn vị hợp tác với các trung tâm, các bệnh viện và các câu lạc bộ làm về máu để cùng hỗ trợ cho nhau trong quá trình tuyên truyền, vận động mà không cần phải đi tìm kiếm thủ công như trước.

Chàng sinh viên biến nỗi day dứt thành phần mềm tìm máu cứu người - 3

Cung cấp bản đồ ngân hàng máu sống thuận tiện cho nhân viên điều phối tìm kiếm nhóm máu phù hợp. Ảnh: Nhật Tuấn.

“Theo kết quả thử nghiệm, chúng tôi đã rút ngắn thời gian từ 75 phút xuống còn 15 phút là tìm được đơn vị máu phù hợp (thời gian từ khi tìm đến khi tình nguyện viên di chuyển và nằm trên giường hiến máu). Chúng tôi kỳ vọng sẽ giảm lại còn 5 phút cho 1 trường hợp”, Quang cho hay.

Chàng trai trẻ cũng bày tỏ hi vọng việc triển khai Save Blood sẽ đưa số lượng người dân hiến máu tình nguyện đạt mức 2,1% dân số trong năm 2020.

Chàng sinh viên biến nỗi day dứt thành phần mềm tìm máu cứu người - 4

Các thành viên trong nhóm chụp ảnh cùng Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghiệp Huế. Ảnh: Nhật Tuấn.

Dự kiến vào cuối tháng này, nhóm sẽ cho ra đời bản sửa lỗi và hoàn thiện hơn bản demo. Ba tháng sau đó sẽ chính thức tung ra bản hoàn thiện cho sản phẩm. Đến tháng 8/2019 sẽ đưa vào thử nghiệm ở Trung tâm Huyết học Truyền máu Bệnh viện TW Huế. Và kỳ vọng vào năm 2020, sẽ triển khai sản phẩm trên 4 trung tâm huyết học ở Việt Nam.

Theo Khampha.vn