TÓM TẮT:
Bài viết tập trung nghiên cứu các dịch vụ hỗ trợ đời sống của sinh viên tại Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp, như: Ký túc xá; Dịch vụ ăn uống; Các hình thức câu lạc bộ giải trí và rèn luyện thể lực - kỹ năng; Dịch vụ y tế và đo lường mức độ hài lòng.
Dựa trên kết quả nghiên cứu, đề tài đề xuất một số hàm ý quản trị và các kiến nghị giúp Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp tiếp tục nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ đời sống cho sinh viên trong thời gian tới.
Từ khóa: dịch vụ đời sống, sự hài lòng của sinh viên, Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp.
1. Đặt vấn đề
Song song với sự phát triển nền kinh tế của đất nước, nền giáo dục đại học ngày càng được Đảng và Nhà nước quan tâm. Bên cạnh việc đầu tư vào các giảng đường, nhà thực nghiệm, nghiên cứu khoa học, ký túc xá cho sinh viên,... việc tạo chỗ ăn, ở và các dịch vụ đời sống của sinh viên cũng được chú trọng.
Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp, Đại học Thái Nguyên có truyền thống trên 50 năm, chuyên đào tạo những cán bộ khoa học - kỹ thuật hàng đầu, phục vụ cho công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Áp lực cạnh tranh với các trường đại học, ngoài việc tập trung vào việc xây dựng các chương trình đào tạo và mở rộng quy mô đào tạo, việc mở rộng và tăng cường các hoạt động hỗ trợ dịch vụ đời sống cho sinh viên và môi trường để rèn luyện thêm kỹ năng là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Bài viết nhận diện những dịch vụ đời sống cho sinh viên và tiếp cận đo lường sự thỏa mãn của khách hàng - sinh viên, từ đó tìm cách giải thích sự hài lòng chung và đề xuất một số giải pháp hoàn thiện tổ chức dịch vụ đời sống cho sinh viên tại Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp, Đại học Thái Nguyên.
2. Tổng quan nghiên cứu
2.1. Dịch vụ hỗ trợ đời sống sinh viên
Theo báo cáo của UNESCO (2009), các nước ngày càng quan tâm đến chuyên nghiệp hóa công tác sinh viên và dịch vụ sinh viên từ những năm 2000 sau cuộc Hội thảo thế giới về giáo dục đại học năm 1998, với mục đích cung cấp những trải nghiệm học tập toàn diện cho sinh viên bằng những chương trình ngoại khóa và dịch vụ hỗ trợ cuộc sống. Báo cáo cho thấy, trường đại học thường có những đơn vị chuyên trách dịch vụ sinh viên, gồm: (1) Tư vấn học tập - hệ thống cung cấp thông tin về tiến bộ học tập và yêu cầu bằng cấp; (2) Trung tâm hỗ trợ học tập - văn phòng đặt tại mỗi khuôn viên của trường; (3) Tuyển sinh - nộp hồ sơ, thông báo trúng tuyển/từ chối và những lưu ý nhập học; (4) Dịch vụ cho sinh viên không truyền thống (có con, vợ/chồng), cần hỗ trợ việc đi lại; (5) Quan hệ với cựu sinh viên; (6) Thư viện, nhà sách; (7) Các trung tâm cung cấp thông tin.
Ngoài ra, còn có nhiều hoạt động dịch vụ đa dạng khác được các đơn vị cùng phối hợp cung cấp, như: Các hoạt động xã hội trong nhà trường; hiệp hội và câu lạc bộ sinh viên; hỗ trợ tài chính; phát triển nghề nghiệp; chương trình định hướng cho sinh viên năm nhất; tham vấn (tâm lý, pháp luật); nhà trẻ; bảo vệ và an ninh trường học; dịch vụ ăn uống; khu thể thao và giải trí, dịch vụ y tế.
Dịch vụ hỗ trợ đời sống sinh viên trong nghiên cứu này là những dịch vụ đem lại những trải nghiệm, cảm nhận đối với sinh viên, bao gồm: Ký túc xá; Dịch vụ ăn uống; Các hình thức câu lạc bộ giải trí và rèn luyện thể lực - kỹ năng; và Dịch vụ y tế.
2.2. Chất lượng dịch vụ hỗ trợ đời sống sinh viên
Chất lượng dịch vụ hỗ trợ đời sống sinh viên là một khái niệm đa chiều và phức tạp, được đo lường bằng nhiều cách khác nhau hay bằng nhiều yếu tố có ảnh hưởng khác. Trong nghiên cứu này, chất lượng dịch vụ hỗ trợ đời sống sinh viên được đo bằng mức độ hài lòng với các tiêu chí trong từng dịch vụ.
Nghiên cứu của Cronin và Taylor (1992) cho thấy, chất lượng dịch vụ là một yếu tố dẫn đến sự hài lòng của khách hàng và sự hài lòng của khách hàng có tác động mạnh hơn đến ý định mua hàng so với chất lượng dịch vụ. Điều này ngụ ý rằng người quản lý cần phải chú trọng đến sự hài lòng tổng thể của khách hàng hơn là chỉ chú ý đến yếu tố chất lượng dịch vụ.
Để thu hút sinh viên vào trường, ngày càng nhiều các trường đại học chú ý tới nâng cao chất lượng dịch vụ dành cho sinh viên và cải thiện sự hài lòng của sinh viên về nhà trường là một trong những yếu tố sống còn của trường đại học. Sinh viên đã có những cơ hội phản ánh nhu cầu của họ về cơ sở vật chất, môi trường học tập, dịch vụ thư viện và dịch vụ máy tính, chỗ ở, chăm sóc sức khỏe, thực phẩm, hỗ trợ tài chính,…
3. Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu được tiến hành theo 2 giai đoạn là: Nghiên cứu sơ bộ sử dụng phương pháp định tính và Nghiên cứu chính thức sử dụng phương pháp định lượng.
Giai đoạn nghiên cứu sơ bộ: Giai đoạn này được thực hiện thông qua phương pháp định tính. Đầu tiên, xác định các tiêu thức dùng để đánh giá sự hài lòng của sinh viên dựa trên cơ sở tham khảo tài liệu, bài báo, các công trình nghiên cứu có liên quan, từ đó xây dựng các tiêu thức cần khảo sát và đánh giá.
Nghiên cứu chính thức: Dùng kỹ thuật thu thập thông tin sơ cấp qua bảng hỏi với 150 sinh viên chính quy đang học tại trường.
4. Kết quả nghiên cứu
4.1. Chất lượng dịch vụ hỗ trợ đời sống sinh viên tại Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp, Đại học Thái Nguyên
Để đánh giá chất lượng của các dịch vụ, tác giả đã nghiên cứu và xây dựng chỉ tiêu đánh giá bao gồm các nội dung được chia theo mức điểm từ 1 đến 5 như sau:
Bảng 1. Dịch vụ kí túc xá
Nguồn: Kết quả nghiên cứu sơ cấp
Bảng 2. Dịch vụ ăn uống
Nguồn: Kết quả nghiên cứu sơ cấp
Bảng 3. Dịch vụ các câu lạc bộ giải trí và rèn luyện thể lực - kỹ năng
Nguồn: Kết quả nghiên cứu sơ cấp
Bảng 4. Dịch vụ y tế
Nguồn: Kết quả nghiên cứu sơ cấp
Số liệu thống kê cho thấy, sinh viên đánh giá cao nhất ở tiêu chí “Giá phòng” và đánh giá thấp nhất ở tiêu chí “Đảm bảo đầy đủ nước sạch và điện cho sinh hoạt”. Điều này khá hợp lý vì giá phòng ở ký túc xá tương đối rẻ so với giá phòng khép kín ở ngoài. Vấn đề điện nước vẫn đôi khi bị mất và chất lượng nước không cao nên tiêu chí này cần được khắc phục.
Số liệu thống kê cho thấy, sinh viên đánh giá cao tiêu chí “Giá dịch vụ ăn uống phù hợp với sinh viên” với 3,52/5 điểm do mỗi suất ăn chỉ có giá từ 15.000 - 20.000 đồng và đánh giá thấp với tiêu chí “Không gian sạch sẽ, thoáng mát”. Thăm dò ý kiến của sinh viên đều cho thấy không gian tại căng tin rộng và thoáng mát. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đánh giá không hài lòng với việc bố trí các khu vực bàn ăn, vệ sinh khu vực chế biến và xung quanh căng tin. Khu vực chế biến vệ sinh không sạch sẽ, xung quanh căng tin có những cống nước tù đọng nhưng không được che đậy cẩn thận.
Kết quả thống kê cho thấy, tiêu chí “Chi phí sử dụng có ưu đãi và phù hợp với sinh viên” được sinh viên đánh giá cao nhất với 2,86/3 điểm. Chi phí sử dụng đạt 2,86/5 điểm, có 39% ý kiến được thăm dò đánh giá chỉ tiêu này chỉ đạt mức 3. Đối với một số sinh viên yêu thích và thường xuyên luyện tập cầu lông thì một số ít có thể tham gia câu lạc bộ của Nhà trường. Tuy nhiên, thời gian mở cửa của nhà thi đấu từ 16 giờ đến 20 giờ, nhưng thời gian dành cho cán bộ viên chức của trường từ 17 giờ đến 20 giờ. Còn đối với sân bóng đá là 250.000/1 tiếng, đối với hai đội đóng gồm 14 người thì điều này là hoàn toàn bình thường và hợp lý đối với sinh viên.
Tiêu chí “Hệ thống mạng Internet ổn định” sinh viên đánh giá thấp nhất với 1,47/5 điểm, có 65% ý kiến được thăm dò đánh giá chỉ tiêu này chỉ đạt mức 1. Do tình hình sinh viên cắm cổng mạng một cách bừa bãi, đôi khi làm cho cả một tầng mất Wifi, điều này dẫn đến trải nhiệm của sinh viên không tốt.
Sinh viên đánh giá cao tiêu chí “Thái độ của nhân viên quản lý đúng mực” với 3,17/5 điểm. Có 43% ý kiến được thăm dò đánh giá chỉ tiêu này chỉ đạt mức 4. Thái độ của cán bộ y, bác sĩ của Trạm rất ân cần, hòa nhã đối với những bệnh nhân đến khám bệnh. Sinh viên thấy rất hài lòng khi tiếp xúc với nhân viên y tế. Ngoài nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, Trạm còn kết hợp với Trung tâm Y tế dự phòng để phòng chống các bệnh dịch, bệnh tật học đường khi có dịch xảy ra. Ba chỉ tiêu “Nhanh chóng, kịp thời và Cơ sở vật chất đảm bảo theo tiêu chuẩn” đều được đánh giá 2,01/5 điểm.
Nhận xét chung: Qua kết quả tính toán cho thấy, ngoài những yếu tố được đánh giá cao vẫn còn những tiêu chí được đánh giá thấp. Nhà trường và ban quản lý ký túc xá cần quan tâm đến những tiêu chí, thành phần mà sinh viên đánh giá thấp và đánh giá cao để đưa ra những biện pháp phù hợp.
4.2. Một số giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ đời sống sinh viên Đại học Kỹ thuật công nghiệp, Đại học Thái Nguyên
Xây dựng mô hình ký túc xá theo hướng Làng sinh viên
Toàn bộ cơ sở vật chất trang bị ban đầu do Nhà trường lắp đặt và bàn giao lại cho Ban quản lý Làng Công nghiệp; Đảm bảo mạng lưới Internet ổn định đến từng phòng ở. Thay đổi thiết kế không gian để tạo được không gian sinh hoạt và học tập phù hợp. Tiến hành giải phóng mặt bằng để xây dựng 1 sân bóng đá tiêu chuẩn (90m x 45m) và 1 bể bơi. Mở rộng các căng tin hiện có đạt ít nhất 2.550 m2 nhà ăn, nhằm đảm bảo phục vụ khoảng 2.500 lượt sinh viên/buổi. Định kỳ hàng tháng chấm điểm thi đua giữa các khu ký túc.
Tổ chức có hiệu quả các câu lạc bộ rèn luyện thể lực và kỹ năng, phát động phong trào thi đua học tập tốt - nghiên cứu khoa học tốt.
Tiếp tục hoàn thiện nhà thể dục dụng cụ 1000 m2 tại khu vực phía sau giảng đường A10. Xây dựng hệ thống bể bơi 600 m2 trên cơ sở tận dụng ao bỏ không của trường. Trên cơ sở đó, tổ chức các câu lạc bộ rèn luyện thể lực. Mỗi nhà ký túc xá mới dành 2 phòng để tổ chức sinh hoạt chung cho sinh viên, tạo điều kiện cho sinh viên có không gian để tổ chức sinh hoạt đối với nhà A. Xây dựng các câu lạc bộ khởi nghiệp, vườn ươm công nghệ và các trung tâm tư vấn, hỗ trợ về tình cảm: Tư vấn tình bạn, tình yêu, sức khoẻ sinh sản vị thành niên, thanh niên...
Tư vấn về phương pháp học bậc đại học, tư vấn về thi, về chọn đề tài nghiên cứu khoa học, đề tài tốt nghiệp, tư vấn về học bổng, về du học... xây dựng một thư viện ngay trong khu ký túc xá.
Thành lập Trung tâm y tế trên cơ sở Trạm y tế đã có
Trên cơ sở đã có xây dựng Trung tâm gồm 1 ngôi nhà 2 tầng, gồm có các phòng làm việc phù hợp với bộ tiêu chí quy chuẩn. Bồi dưỡng trình độ chuyên môn cho 6 cán bộ của Trạm và tuyển dụng mới cho đủ số lượng. Đầu tư mua sắm một số trang thiết bị cần thiết. Xây dựng hệ thống cấp điện, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống phòng cháy chữa cháy, hệ thống xử lý nước thải và rác thải y tế, hệ thống thoát nước.
5. Kết luận
Để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học, Nhà trường cần giải quyết tốt các dịch vụ bổ sung cho dịch vụ đào tạo, đó là dịch vụ đời sống cho sinh viên. Vấn đề nâng cao chất lượng các dịch vụ đời sống đòi hỏi phải có những biện pháp cụ thể, đồng bộ, có sự kết hợp hài hoà giữa Nhà trường và sinh viên.
- Nhà trường tổ chức các kênh thông tin tiếp thu ý kiến từ phía sinh viên, đánh giá vai trò của các dịch vụ đời sống đối với chất lượng đào tạo,… để đáp ứng được xu thế phát triển trong giáo dục - đào tạo thời kỳ hội nhập quốc tế.
- Nâng cao bồi dưỡng kiến thức quản lý và tạo nhiều cơ hội, điều kiện cho các cán bộ quản lý Làng Sinh viên được nghiên cứu, nâng cao trình độ.
Lời cảm ơn: Chúng tôi chân thành cảm ơn Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp, Đại học Thái Nguyên đã tài trợ cho chúng tôi hoàn thành bài báo, là sản phẩm của đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên mã số SV2019-06.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Nguyễn Văn Tuấn, Hồng Bữu Bữu và Nguyễn Thị Thùy Vân (2016), Ảnh hưởng của chất lượng các dịch vụ hỗ trợ sinh viên đến hình ảnh trường đại học - một nghiên cứu tại trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí Khoa học Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh, 3(48), 114-126.
- Phạm Thị Lan Phượng, TS. Phạm Thị Hương (2019), Sự hài lòng của sinh viên về chất lượng dịch vụ của trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí Khoa học Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, 16(4), 101-113.
- Trần Phúc Hòa (2018), Đổi mới hoạt động quản lý sinh viên nội trú hướng tới mô hình ký túc xá xanh - sạch - đẹp - hiện đại và hội nhập quốc tế. Truy cập tại https://www.haui.edu.vn/vn/goc-nhin-haui/doi-moi-hoat-dong-quan-ly-sinh-vien-noi-tru-huong-toi-mo-hinh-ky-tuc-xa-xanh-sach-dep-hien-dai-va-hoi-nhap-quoc-te/60601
- UNESCO (2009). Student affairs and services in higher education: global foundations, issues and best practices. Paris: UNESCO.
THE QUALITY OF STUDENT SUPPORT SERVICES PROVIDED
BY THAI NGUYEN UNIVERSITY OF TECHNOLOGY,
THAI NGUYEN UNIVERSITY
• NGUYEN THI HONG NHUNG
• NGO DUC MANH
Thai Nguyen University of Technology, Thai Nguyen University
ABSTRACT:
This study analyzes the student life services provided by Thai Nguyen University of Technology. These services include dormitory services, catering services, health and soft skills training clubs, entertainment clubs and medical services. This study assesses the satisfaction of students with the quality of these services. Based on the study’s finding, some implications and recommendations are proposed to help the university improve the quality of its student support services in the future.
Keywords: student life services, student satisfaction, Thai Nguyen University of Technology.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 2, tháng 1 năm 2021]