Đánh giá năng lực sinh viên khoa Quản trị kinh doanh sau khi tốt nghiệp - Nghiên cứu dưới góc nhìn doanh nghiệp

NGUYỄN GIANG ĐÔ - VÕ VƯƠNG BÁCH - ĐÀO THỊ THU HIỀN (Trường Đại học Nguyễn Tất Thành)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu làm rõ năng lực cụ thể sinh viên tốt nghiệp (SVTN)  cần có theo yêu cầu của nhà tuyển dụng và doanh nghiệp đã và đang sử dụng SVTN tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh (QTKD) Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (NTTU). Kết quả phân tích và các đề xuất sẽ giúp Trường Đại học Nguyễn Tất Thành và cơ sở giáo dục đại học (CSGD) cải tiến chương trình và phương pháp giảng dạy, tạo uy tín với doanh nghiệp và xã hội, không chỉ trong nước mà cả quốc tế.

Từ khoá: đánh giá năng lực, năng lực sinh viên, sinh viên tốt nghiệp, ngành Quản trị kinh doanh.

1. Đặt vấn đề

Giáo dục đại học đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng kinh tế các quốc gia nhờ hiệu quả và năng lực làm việc của SVTN. Chủ đề này đang trở thành vấn đề quan trọng trong giáo dục đại học và trong trong quan điểm của doanh nghiệp (McMurray et al., 2016). Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh, yêu cầu về năng lực đối với SVTN trải qua sự biến đổi “biện chứng”, liên tục, từ hiện tượng đến bản chất. Sự tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến thị trường lao động toàn cầu, SVTN càng cần các kỹ năng phù hợp thích ứng với môi trường làm việc thay đổi (Brudermann et al., 2019; Hoai & Ba, 2020).

Năng lực chuyên môn (professional action competencies) của một người tốt nghiệp đại học được các nhà nghiên cứu thống nhất có 4 thành tố: Năng lực kỹ thuật (Technical Competencies), năng lực phương pháp (Methodical Competencies), năng lực xã hội (Social Personal Competencies) và năng lực cá nhân (Personal Competencies). Hội đồng Nghị viện châu Âu năm 2008 (www.digitalindustryalliance.eu) có định nghĩa năng lực SVTN là khả năng (Proven Abilities) về việc sử dụng kiến thức, kỹ năng và các khả năng (abilities) cá nhân, xã hội hoặc phương pháp trong các tình huống công việc hoặc học tập và trong phát triển chuyên môn và cá nhân. Năm 2018, tổ chức này phân loại thêm Mức độ cao (high-skilled), Mức độ thấp (Low-skilled) của kỹ năng, và các kỹ năng của thời đại công nghệ số (e-skill), bao gồm kỹ năng kinh doanh điện tử, kỹ năng thực hành công nghệ thông tin, kỹ năng thích nghi nghề nghiệp.

Tổ chức UNESCO năm 2016 (https://bangkok.unesco.org) đưa ra khái niệm năng lực chuyển đổi (Transversal competencies, TVC). Tổ chức này nghiên cứu với góc nhìn của ba cấp độ: hệ thống, trường học và người thầy. 6 năng lực chuyển đổi TVC là: Tư duy đổi mới và sáng tạo, kỹ năng liên thân, kỹ năng cá nhân, công dân toàn cầu, tri thức công nghệ thông tin và truyền thông và đặc tính cá nhân khác như lối sống, tôn giáo,… Theo Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2018, có 10 năng lực cần thiết, trong đó có nhiều năng lực mới. Các năng lực về tư duy phân tích và đổi mới, chủ động học tập sẽ là các năng lực đóng vai trò quan trọng đối với người lao động trong thời gian dài nữa. Trong khi các năng lực về kỹ năng thủ công và khả năng thể chất có xu hướng giảm thì các kỹ năng liên quan đến công nghệ thông tin sẽ tăng nhanh.

Nghiên cứu  Osmani et al. (2019) đã lược khảo về các kỹ năng của SVTN (graduates skills) trong giai đoạn 2005-2016. Khá nhiều khái niệm như “kỹ năng theo nhu cầu” (indemand-skills) hay khoảng trống năng lực làm việc “employability skills gap” để chỉ hiện trạng của bối cảnh thị trường lao động sau tốt nghiệp. Nghiên cứu chỉ ra sự mất cân bằng (mismatch) giữa kỳ vọng của doanh nghiệp và CSGD trong việc cung cấp cho xã hội nguồn lực lao động có trình độ và năng lực. Nghiên cứu thực hiện đối với năng lực SVTN hai ngành Tài chính kế toán (Accounting and Finance, A&F) và Công nghệ thông tin (Information and Communication Technology, ICT) khá bất ngờ cho thấy trong 24 kỹ năng được chỉ ra có đến 5 kỹ năng (kiến thức hàn lâm, lập kế hoạch và tổ chức…) không được chú trọng nhưng thị trường lại cảm nhận cần thiết, đồng thời có đến 10 kỹ năng (suy nghĩ phản biện, tự tin,…) được nhà trường trang bị, thị trường lại cảm nhận “không” cần (trang 6).

Nghiên cứu của Được và Metzger (2007) phân tích các chỉ số chất lượng SVTN chương trình QTKD ở Việt Nam theo nhiều góc nhìn khác nhau (học viên, giảng viên và doanh nghiệp). Nghiên cứu chỉ ra 19 biến số chất lượng SVTN, trong đó khả năng phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề và chất lượng công việc tổng thể là những chỉ số quan trọng nhất.

Tổng quát, công trình và nghiên cứu đến nay cho thấy năng lực của SVTN là vấn đề nghiên cứu và thực tiễn rất quan trọng đối với các quốc gia, CSGD, người thầy và từng sinh viên. Tùy từng bối cảnh, từng giai đoạn phát triển của kinh tế xã hội, mà các kết quả phân tích có sự khác biệt. Tuy nhiên, sự khác biệt này không làm mất tính tổng quát và thống nhất của câu trả lời, mà ngược lại, chính sự đa dạng của vấn đề nghiên cứu, của kết quả tìm được sau khi phân tích số liệu một cách khoa học, lại là sự gợi mở cho các nhà nghiên cứu tiếp tục phát triển sâu hơn vấn đề.

Nghiên cứu này khám phá sâu về đánh giá năng lực SVTN ngành QTKD Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Các phân tích, thảo luận và kiến nghị sẽ được nêu để giúp các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý giáo dục, các CSGD tham khảo trao đổi.

2. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu này được thiết kế gồm hai giai đoạn - giai đoạn nghiên cứu định tính và giai đoạn nghiên cứu định lượng.

Các biến số năng lực của SVTN của các nghiên cứu công bố trước đây được nhóm tác giả làm cơ sở phân tích và xây dựng thiết kế nghiên cứu. Nghiên cứu định tính thực hiện với 20 cuộc phỏng vấn sâu (in-depth interview) với 5 chuyên gia, 11 giảng viên ngành QTKD, và 4 nhà quản lý doanh nghiệp. Các góp ý được ghi nhận và tinh chỉnh vào bảng hỏi. Kết quả xác định các năng lực: Kỹ năng kinh doanh - KNKD (Business skill), Năng lực chuyên nghiệp- NLCN (Professional competence), Đặc tính các nhân - ĐTCN (Personal Attributes), Hiệu suất làm việc - HSLV (Job Performance) là 4 biến số (23 biến đo lường) sẽ được nghiên cứu định lượng.

Dựa trên kết quả định tính, đề tài thực hiện khảo sát để đo lường của doanh nghiệp đối với SVTN. Đối tượng khảo sát: 50 doanh nghiệp có sử dụng cử nhân QTKD được Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đào tạo. Thực hiện khảo sát thành công 99/120 cuộc phỏng vấn trực tiếp và qua email dưa trên các bảng hỏi. Nghiên cứu dùng SPSS để phân tích dữ liệu.

3. Kết quả nghiên cứu và kiến nghị

Trong tổng số 99 đối tượng tham gia phỏng vấn (cấp phó phòng trở lên), độ tuổi từ 30-40 với 61%. Nhóm dưới 30 tuổi chiếm chỉ với 1%. Có 56 nữ doanh nhân chiếm 57%. Các DN tư nhân chiếm 50%, 39% là các doanh nghiệp nhà nước và 10% có vốn nước ngoài. 

Kết quả thống kê mô tả cho thấy, tất cả các biến có trị số trung bình >3. Biến KNKD, NLCN, ĐTCN và HSLV đều đạt được sự đồng ý chung từ hầu hết đối tượng nghiên cứu thông qua chỉ số trung bình Mean. Tuy nhiên, trị số Mean cho thấy, NLCN của SVTN như phân tích lập luận, kỹ năng nghiên cứu không được đánh giá cao. (Xem bảng)

Thống kê mô tả

Trung bình

KNKD

Kỹ năng giải quyết vấn đề

3.81

Kỹ năng lãnh đạo

3.88

Lập kế hoạch và tổ chức

3.58

Kỹ năng CNTT

4.08

Sáng kiến

4.02

Ra quyết định

4.06

Chất lượng tổng thể công việc

4.32

NLCN

Khả năng vận dụng kiến thức

3.12

Tư duy logic

3.23

Phân tích lập luận

3.06

Kỹ năng nghiên cứu

3.03

Khả năng thích ứng với sự thay đổi của công nghệ

3.83

Khả năng xử lý áp lực

3.32

ĐTCN

Sự nhiệt tình

4.24

Tự lực / Độc lập

4.44

Động lực bản thân

4.30

Thích ứng linh hoạt với môi trường làm việc

4.04

Đi làm / đúng giờ

4.00

Sẵn sàng học hỏi

3.93

HSCV

Hoàn thành các nhiệm

3.37

Đáp ứng mọi yêu cầu

3.63

Đáp ứng đầy đủ trách nhiệm

3.78

Làm việc thành công với các nhiệm vụ cần thiết

3.69

Hệ số tin cậy Cronbach’s Alpha của thang đo HSLV là 0.901 (>0.6). Các chỉ số của KNKD, NLCN, ĐTCN đều có giá trị lớn hơn 0.8 (tương ứng với giá trị 0.878, 0.863 và 0.898). Như vậy, tất cả các thang đo của biến đều đảm bảo độ tin cậy.

Kết quả phân tích nhân tố cho thấy: Hệ số KMO là 0.854, đáp ứng được điều kiện 0.5<=KMO<=1, chỉ số Sig của hệ số kiểm tra Bartlett là 0.00, đạt được điều kiện <=5%. Các giá trị đặc trưng (Eigenvalues of variance) >= 50%, tỷ lệ giải thích của nhân tố được rút ra. Kết quả của nghiên cứu đạt 65% đảm bảo phân tích nhân tố. Sau khi đã loại những biến có hệ số tải (Factor Loading <0.5), được 3 nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc của SVTN NTTU. Đó là KNKD, NLCN và ĐTCN.

Kết quả phân tích nhân tố cho thấy: Hệ số KMO là 0.817, đáp ứng được điều kiện 0.5<=KMO<=1, chỉ số Sig của hệ số kiểm tra Bartlett là 0.00, đạt được điều kiện Barlett <=5%. Các giá trị đặc trưng (Eigenvalues of variance) >= 50%, tỷ lệ giải thích của nhân tố được rút ra. Trong phân tích này, kết quả của nghiên cứu đạt 77,418%. Đây là một kết quả tốt cho việc phân tích nhân tố.

Phân tích hồi quy

Kết quả phân tích cho thấy hệ số R2=0.467 ≠0 nên hệ kết quả phân tích của mô hình có giá trị. Kết quả kiểm định F = 29.616 và sig = 0,000. Bên cạnh đó VIF của biến lớn nhất là 1.629 <10. Vậy, mô hình phù hợp với dữ liệu và không có hiện tượng đa cộng tuyến. Mối tương quan giữa biến độc lập và biến phụ thuộc được thể hiện qua phương trình hồi quy:

Y= 0.435*KNKD + 0.203*DTCN + 0.192*NLCN

Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra những nhân tố ảnh hưởng đến năng lực SVTN theo mức độ quan trọng giảm dần đó là: (1) KNKD, (2) ĐTCN và (3) NLCN.

KNKD được đánh giá cao nhất, SVTN có các năng lực về lập kế hoạch và tổ chức, kỹ năng giải quyết vấn đề và hoàn thành công việc được giao một cách hiệu quả, góp phần tạo ra sự hài lòng với doanh nghiệp. Có được kết quả này là do (1) CTĐT QTKD NTTU đạt tiêu chuẩn AUN-QA, có 5/11 chuẩn đầu ra tập trung cho kiến thức chuyên môn và KNKD, đặc biệt nhấn mạnh kỹ năng công nghệ số; (2) phù hợp với triết lý đào tạo của trường là: Thực học - Thực hành - Thực danh - Thực nghiệp, “Cách học kinh doanh tốt nhất là kinh doanh”. Thời lượng dành cho bài giảng là 50% và các hoạt động chủ động (thảo luận, thuyết trình, bài tập tình huống kinh doanh hiện đại) là 40% và thực tập là 10%.

Đối với nhân tố ĐTCN, doanh nghiệp đánh giá tốt ở khả năng phán đoán và thích ứng linh hoạt với công việc, nhưng chưa thực sự hài lòng với “thái độ của SVTN đối với công việc”. NLCN được doanh nghiệp đánh giá “ít sáng tạo”, “chưa có kỹ năng nghiên cứu độc lập”.

Trong điều kiện Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng, năng lực SVTN phải thường xuyên thay đổi, cập nhật những kiến thức, kỹ năng mới (đặc biệt là các kỹ năng số, CMCN 4.0), có khả năng thích ứng với sự biến động của môi trường kinh doanh. Nhóm nghiên cứu kiến nghị các giải pháp cho CSGD để SVTN ngành QTKD có được năng lực phù hợp:

- Xác định khung năng lực của SVTN phù hợp nhu cầu thị trường lao động: cần thường xuyên nghiên cứu, cập nhật nhu cầu và yêu cầu này để điều chỉnh CTĐT: thời lượng, cấu trúc, khối lượng khối kiến thức. Thực hiện bằng việc gắn quá trình học lý thuyết tại trường với thực hành tại doanh nghiệp nhiều hơn, tạo điều kiện cho các sinh viên trải nghiệm thực tế qua các học phần.

- Bổ sung và điều chỉnh các môn học trang bị năng lực sáng tạo, học tập suốt đời và tiếp cận với công nghệ kỹ thuật số để sinh viên thích ứng với cuộc CMCN 4.0, trong đó có 5 kỹ năng sinh viên cần có: Kỹ năng hợp tác, Kỹ năng giao tiếp, Kỹ năng sáng tạo, Tư duy phản biện và Học tập suốt đời.

- Tổ chức hiệu quả việc gắn kết với doanh nghiệp: Tạo điều kiện cho giảng viên và sinh viên thực hiện các dự án nghiên cứu do doanh nghiệp đặt hàng. Cần mang nơi làm việc đến giảng đường thông qua các mô hình thực hành, mô hình mô phỏng, tạo điều kiện cho sinh viên học tập và nghiên cứu các tình huống thực tế, tăng kiến thức và kỹ năng xử lý tình huống thực tiễn. Tổ chức các hội nghị, hội thảo có sự tham gia của GVDN và các SV để có các trao đổi đưa kiến thức lý thuyết và thực tiễn gần nhau hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Astuti, B., Lestari, R., & Bhakti, C. P. (2019). Student Decision-Making Ability as A Preparation for Facing The Industrial Revolution 4.0. International Journal of Scientific & Technology Research, 8(10).
  2. Brudermann, T., Aschemann, R., Füllsack, M., & Posch, A. (2019). Education for sustainable development 4.0: Lessons learned from the University of Graz, Austria. Sustainability, 11(8), 2347.
  3. Duoc, T. Q., & Metzger, C. (2007). Quality of business graduates in Vietnamese institutions: multiple perspectives. Journal of Management Development, vo 26 No. 7, 2007, pp. 629 - 643
  4. Hoai, T. T., & Ba, N. T. (2020). Studying the Competencies of University Graduates Responding to Industrial Revolution 4.0. VNU Journal of Science: Education Research, 36(1).
  5. McMurray, S., Dutton, M., McQuaid, R., & Richard, A. (2016). Employer demands from business graduates. Education + Training 58 No. 1, 2016 pp. 112-132
  6. Osmani, M., Weerakkody, V., Hindi, N., & Eldabi, T. (2019). Graduates employability skills: A review of literature against market demand. Journal of Education for Business, 94(7), 423-432.
  7. Wye, C.-K., & Lim, Y.-M. (2009). Perception Differential between Employers and Undergraduates on the Importance of Employability Skills. International education studies, 2(1), 95-105.

 Assessing the competencies of graduated students in business administration: A view from employers

Nguyen Giang Do 1

Vo Vuong Bach 1

Dao Thi Thu Hien 1

1 Nguyen Tat Thanh University

ABSTRACT:

This study clarifies the specific competencies that graduates need to meet requirements of employers who have employed graduated students of Nguyen Tat Thanh University’s Faculty of Business Administration. This study’s findings are expected to help Nguyen Tat Thanh University and other higher educational institutions improve the quality of training programs and teaching methods.

Keywords: competency assessment, competencies of student, graduated students, business administration sector.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 2, tháng 1 năm 2021]